1. Tôi rất thích cuốn “Những tấm lòng cao cả” (có bản dịch là Tâm hồn cao thượng) của tác giả Edmondo De Amicis, các phiên bản. Cuốn sách mỏng nói về một quãng đời học sinh của một cậu bé Enrico tại Ý thế kỷ 19. Cuốn sách mà tôi đọc một lần khi học cấp 1 và nhớ mãi. Đến mức giờ cứ thấy cuốn này là mua cho đủ các bản in theo năm.
Hãy nghe De Amicis miêu tả về thầy giáo mới của Enrico:
Giờ vào học, sau khi thầy đã ngồi vào bàn, chốc chốc lại thấy một người học trò cũ qua cửa cúi chào. Cũng có người vào bắt tay thầy và thăm hỏi một cách rất cung kính. Đủ biết học trò cũ cũng quyến luyến thầy biết dường nào và như muốn còn được ở gần thầy. Nhưng chào thì chào, bắt tay thì bắt, thầy không nhìn thẳng mắt ai, cứ lảng trông ra cửa sổ. Những dấu thân ái và biết ơn ấy tưởng đã làm cho thầy thoả ý nhưng trái lại đã khiến thầy mủi lòng.
Đến bài chính tả, thầy xuống bục, đi lại trong các hàng ghế đọc cho chúng tôi viết. Thấy một học trò mắt lấm tấm mụn đỏ, thầy ngừng đọc, lại gần tay sờ trán và hỏi: “Con làm sao?”.
Thừa lúc thầy quay lưng lại, một anh học trò bàn dưới leo lên ghế run rẩy như người trượt băng. Bất đồ, thầy ngoảnh lại bắt gặp, anh chàng vội ngồi ngay xuống cúi đầu đợi phạt. Nhưng thầy đập vào vai anh học trò dại dột kia, bảo rằng: “Không được làm thế nữa”. Có thế thôi. Rồi thầy bình tĩnh về chỗ đọc nốt bài chính tả.
Vâng, đó là người thầy nước Ý thế kỷ 19.
2. Sau khi một nữ sinh tự tử có thể do sức ép từ thầy cô bạn bè do bị quở phạt vì mặc áo mỏng (nhưng sự ghét bỏ này được gia đình nữ sinh cho là từ việc em không đi học thêm) thì cô giáo chủ nhiệm của em đã viết lên Zalo những dòng sau: “Có một loài chim đã tìm cái chết rất vinh… để vu oan… trong một môi trường rất cao quý, chim chọn một nơi rất thanh sạch à nghen... Xin hãy trả lại sự thanh sạch cho cái chết của con chim hay sự thanh tao trong ca dao của con cò. Mong các bạn giải bài toán đố này nhé!”. Cô chủ nhiệm có nick là “yêu màu tím”.
Bạn bè tôi ngoài đời cũng như trên Facebook nhiều người là thầy cô giáo. Ngoài kiến thức chuyên môn, họ đều là những người nhẫn nại thậm chí cam chịu. Hãy nhớ lại những tiếng bấc tiếng chì, những gạch đá ném các thầy cô giáo dù trong nhiều việc họ chỉ là người vô can.
Còn trong cái gọi là “thông báo về việc học sinh vi phạm điều lệ trường THPT năm học 2020-2021”, do thầy giáo - Hiệu trưởng ký, thì cô học trò lớp 10 đó đã mắc những sai phạm: Phản ánh với gia đình sự việc ở trường không đúng sự thật, gây hiểu lầm trong quan hệ nhà trường và gia đình; Gây ảnh hưởng không tốt đến danh dự và uy tín nhà giáo; Sử dụng điện thoại di động để ghi âm giáo viên trong giờ học.
Nữ sinh này bị bắt buộc có mặt tại trường từ 6h30’ đến 6h50’ từ thứ Hai đến thứ Bảy để các cô của trường luân phiên dạy quy tắc ứng xử đạo đức và tham gia lao động tại trường.
3. Tôi thích nghề giáo từ nhỏ, có những lúc đã phấn đấu học hành hầu mong thành thầy thiên hạ. Nhưng rồi nghĩ với bản tính tự do, làm việc theo cảm hứng, thiếu kiên nhẫn thì khó có thể hành nghề giáo. Đến giờ vẫn đúng. Nghề giáo cần nhiều phẩm chất trong đó đầu tiên phải là “người tốt”. Mà cô giáo “yêu màu tím” và cả ban giám hiệu trường đó đồ rằng đều thiếu phẩm chất này.
Nhưng nếu vậy không hiểu sao họ lại chọn nghề giáo? Một nghề đòi hỏi nhiều hy sinh và ít được đáp đền đầy đủ.
Câu hỏi này cứ lẩn quẩn trong đầu tôi từ mấy hôm nay. Thật khó trả lời. Thôi thì lại kính chuyển cho người có trách nhiệm của ngành Giáo dục vậy chứ biết làm sao.