Nhiều người lớn mắc sởi
Báo cáo của Sở Y tế Hà Nội cho thấy, trong tuần từ ngày 3-6 đến 9-6, có thêm 42 trường hợp mắc sởi được ghi nhận trên địa bàn thành phố, giảm 19 trường hợp so với tuần liền trước, đánh dấu tuần thứ hai liên tiếp số ca mắc mới giảm mạnh. Tính chung, từ đầu năm 2019 đến nay Hà Nội đã ghi nhận 1.447 trường hợp mắc sởi.
Trên cả nước, từ đầu năm 2019 đến nay, ghi nhận hơn 24.800 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó hơn 4.200 ca mắc sởi dương tính (1 ca tử vong). Điều đáng nói, nhiều trẻ em bị sởi biến chứng nặng, đa số không tiêm vắc xin phòng bệnh.
Theo PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương, 40 bệnh nhi mắc sởi đang được điều trị tại bệnh viện. Phần lớn ca bệnh trong tình trạng nặng, bị biến chứng như viêm phổi, viêm mô tế bào... Khai thác tiền sử cho thấy, hầu hết ca bệnh này đều không được tiêm vắc xin phòng bệnh.
Bệnh sởi không chỉ xảy ra ở trẻ em mà còn "tấn công" cả người lớn. PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đã hoạt động trong ngành nhiều năm nhưng ông thấy năm nay dịch sởi diễn biến khá bất thường. Bệnh này thường có số ca mắc gia tăng vào mùa đông xuân rồi giảm dần và hết vào mùa hè, nhưng thời điểm này đã là giữa hè mà vẫn có nhiều ca mắc. So với năm 2014, số ca mắc ít hơn nhiều nhưng so với một số năm gần đây số người lớn mắc cao hơn rõ rệt. Nguyên nhân có thể do thời tiết diễn biến bất thường, dịch tễ học của bệnh thay đổi. Vì vậy, người dân cần cảnh giác với bệnh.
Hiện nay, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai đang điều trị cho hàng chục ca người lớn mắc sởi biến chứng, trong đó có nhiều trường hợp là phụ nữ có thai, người suy giảm miễn dịch. Trước đó, theo thống kê, trong tháng 5, số ca người lớn mắc sởi phải nằm điều trị tại trung tâm là khoảng 70 ca, phổ biến ở độ tuổi 25-35. “Hầu hết người bệnh chưa tiêm vắc xin phòng sởi hoặc mới tiêm mũi 1, chưa tiêm mũi 2”, PGS.TS Đỗ Duy Cường thông tin.
Mặc dù phụ nữ có thai mắc sởi ít bị ảnh hưởng hơn so với mắc rubella, nhưng với những trường hợp mang thai mới được 1-2 tháng mà bị sởi và sốt thì vẫn có nguy cơ sảy thai. Sởi thường diễn biến tự khỏi nhưng cũng có tỷ lệ nhất định trẻ em và người lớn có biến chứng như viêm phế quản-phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy, viêm loét giác mạc, viêm não...
Biện pháp phòng bệnh
Theo các chuyên gia, phòng bệnh là vô cùng quan trọng và biện pháp hữu hiệu nhất là tiêm vắc xin. Chuyên gia khuyến cáo, các bậc phụ huynh đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh sởi ngay khi trẻ đủ 9 tháng tuổi và tiêm nhắc lại mũi 2 vắc xin phối hợp sởi - rubella khi trẻ đủ 18-23 tháng tuổi.
Trẻ lớn hơn 5 tuổi, người lớn và phụ nữ trước khi mang thai tối thiểu 3 tháng cũng cần chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh sởi (có thể tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh sởi - quai bị - rubella) tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ để phòng bệnh cho chính bản thân, góp phần ngăn chặn virus sởi lây lan trong cộng đồng. Cùng với đó, trẻ em và người lớn thường xuyên vệ sinh cá nhân (mũi, họng, mắt, bàn tay). Nơi ở phải được thông thoáng, lưu thông không khí.
Khi phát hiện trường hợp có triệu chứng sốt, phát ban, chảy nước mũi,... gia đình cần đưa đến ngay các cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị, cách ly kịp thời và thông báo cho trạm y tế xã, phường biết. Hạn chế tiếp xúc với các trường hợp mắc hoặc nghi mắc bệnh. Khi phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế. Phụ nữ có thai tuyệt đối không tiếp xúc với người mắc bệnh sởi.
Biện pháp phòng bệnh nữa là không cho trẻ em dùng chung vật dụng cá nhân (khăn mặt, bàn chải, cốc, chén, bát, đũa..), đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm chất tiết mũi họng của người mắc bệnh; làm sạch vật dụng cá nhân, đồ chơi, đồ vật nghi bị ô nhiễm chất tiết mũi họng của người mắc bệnh bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường với nước sạch.
Lau sàn nhà, nắm đấm cửa, mặt bàn, ghế, khu vệ sinh chung bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường từ 1-2 lần/ngày cũng là biện pháp cần thiết. Bên cạnh đó cần hạn chế tập trung nơi đông người, đặc biệt tại những phòng chật hẹp, ở khu vực ổ dịch.