Năm 1907, bột ngọt chiết xuất từ tảo bẹ, lần đầu được nghiên cứu bởi nhà khoa học người Nhật Bản Kikunae Ikeda. Ba năm sau đó, loại phụ gia thực phẩm này đã được “du nhập” vào Trung Quốc và nhanh chóng được ưa chuộng bởi thực khách Trung Hoa. Tuy nhiên, do những căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc, món hàng này đã bị tẩy chay mạnh mẽ.
Đến năm 1922, nhận thấy được tiềm năng của mặt hàng này tại thị trường trong nước, nhà hóa học kiêm doanh nhân người Trung Quốc Wu Yunchu đã tìm ra cách chiết xuất bột ngọt từ lúa mì. Sau đó, ông quyết định hợp tác với Zhang Yiyun, ông trùm trong ngành gia vị và đồ chua, thành lập nhà máy sản xuất bột ngọt Tienchu Ve Tsin để mở rộng thị phần.
Hơn một thế kỷ sau, bột ngọt đã trở thành một phần không thể thiếu trong ẩm thực Trung Hoa. Giờ đây, thật khó có thể tưởng tượng món ăn của đất nước tỷ dân khi thiếu đi bột ngọt. Tuy nhiên, sự phổ biến của loại gia vị này không phải là chuyện đương nhiên.
Theo học giả John Kieschnick, sự phổ biến của bột ngọt tại Trung Quốc, bắt đầu từ những năm 1920, có liên hệ mật thiết với cộng đồng Phật tử và những người ăn chay. Yinguang, một trong những cao tăng được kính trọng nhất thời bấy giờ, đã đích thân đến thăm nhà máy của ông Wu Yunchu. Chuyến thăm mang tính bước ngoặt này đã xóa tan nghi ngờ về việc bột ngọt có nguồn gốc từ động vật, tạo tiền đề cho việc sử dụng loại gia vị này để chế biến thực phẩm chay có thể. Xét cho cùng, tại sao phải ăn thịt khi các món chay có bột ngọt lại hấp dẫn đến thế?
Tăng nhân Yinguang sau đó đã viết nhiều bài ca ngợi lợi ích của bột ngọt và khen ngợi nghiên cứu của ông Wu Yunchu như là một thành tựu lớn. Doanh nghiệp của Wu Yunchu đã nhắm đến nhóm khách hàng ăn chay, đồng thời phổ biến sản phẩm này trong cộng đồng những người theo đạo Phật.
Ngoài ra, công ty này cũng kêu gọi người dân ủng hộ sản phẩm nội địa như một cách thể hiện lòng yêu nước. Nhờ vậy, chỉ trong vòng một thập kỷ, nhà máy bột ngọt của Wu Yunchu đã tăng sản lượng từ 3 tấn bột ngọt mỗi năm lên gần 160 tấn.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng đó không chỉ nhờ vào những người ăn chay. Một cuộc khảo sát các cuốn sách dạy nấu ăn giữa thế kỷ 20 cho thấy bột ngọt đã trở thành một "hiện tượng" quốc gia, từ thành phố Bắc Kinh đến tỉnh Quảng Đông ở miền nam. Hơn 70% công thức được khảo sát cho thấy, dù là món chay hay mặn, đều yêu cầu sử dụng gia vị này.
Việc sử dụng bột ngọt rộng rãi kéo dài đến những năm 1990. Tuy nhiên, khoảng đầu những năm 2000, tin đồn bột ngọt có liên quan đến ung thư bắt đầu lan truyền ở Trung Quốc, một số nhà hàng sau đó đã công khai tẩy chay loại gia vị này. Họ dần chuyển sang một loại gia vị thay thế được cho là lành mạnh hơn, có tên gọi "tinh chất gà" hay "jijing".
Thế nhưng, bột ngọt chiếm khoảng 60% thành phần trong một gói tinh chất gà. Mặc dù, niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm này bị suy giảm trong những năm gần đây, doanh số vẫn tiếp tục "phi mã". Một báo cáo thị trường năm 2024 của công ty nghiên cứu Mintel cho thấy, lượng tiêu thụ bột ngọt vẫn đang tăng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Bột ngọt từng là nguyên liệu "vua" trong nhiều món ăn Trung Hoa. Thế nhưng giờ đây, ngày càng có nhiều sự hoài nghi về loại gia vị này, nhiều người cho rằng nó bị "công nghiệp hóa" và ít "thuần khiết" so với các chất phụ gia khác. Tuy nhiên, nó khó có khả năng sẽ bị mất chỗ đứng trong gian bếp của người dân Trung Quốc trong thời gian tới.