Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, đứng trước những thách thức toàn cầu về an ninh lương thực, dinh dưỡng, biến đổi khí hậu và những tác động tiêu cực đến môi trường do sử dụng lãng phí tài nguyên thiên nhiên, trong đó có việc sử dụng lãng phí nguồn nước, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đưa ra thông điệp cho Ngày Lương thực Thế giới (16/10) năm 2023 là: “Nước là cuộc sống, nước là thức ăn. Không để ai bị bỏ lại phía sau!” (Water is life; Water is food. Leave no one behind!).
Hiện nay, khoảng 2 tỷ trên thế giới người sử dụng nước không an toàn và 2,4 tỷ người sống ở các quốc gia căng thẳng về nước. Sự cạnh tranh để giành nguồn tài nguyên vô giá này ngày càng gia tăng.
Khoảng 600 triệu người kiếm sống phụ thuộc vào thực phẩm thủy sản đang phải chịu tác động của ô nhiễm, suy thoái hệ sinh thái và biến đổi khí hậu. Sự đa dạng các loại thực phẩm từ thủy hải sản là nguồn dinh dưỡng có giá trị sinh học cao và thiết yếu. Thực phẩm từ thủy hải sản chứa nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu như axit béo omega-3, vitamin và chất khoáng cần thiết cho sức khỏe con người, phòng chống suy dinh dưỡng.
Để đảm bảo an ninh lương thực, cần sản xuất nhiều lương thực hơn, đa dạng các mặt hàng nông sản thiết yếu khác nhưng sử dụng ít nước hơn, với mục tiêu “sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn, cuộc sống tốt hơn”. Những gì chúng ta ăn và cách sản xuất thực phẩm đều ảnh hưởng đến nước. Con người có thể tạo ra sự khác biệt bằng cách lựa chọn thực phẩm địa phương, theo mùa và tươi sống, ít lãng phí hơn, thậm chí giảm lãng phí thực phẩm và tìm cách an toàn để tái sử dụng.
Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng và nâng cao sức khỏe người dân. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em giảm đáng kể và bền vững, tình hình an ninh lương thực thực phẩm và bữa ăn của người dân được cải thiện rõ rệt.
Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi giảm nhanh và bền vững (tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm từ 14,1% năm 2015 xuống 11,5% năm 2020) nhưng vẫn còn ở mức cao (19,6% năm 2020) và có sự chênh lệch giữa các vùng, nhất là vùng núi, vùng khó khăn so với thành phố, đồng bằng.
Nghèo đói, thiếu kiến thức là một trong những nguyên nhân của tình trạng suy dinh dưỡng. Vì vậy, để cải thiện sức khỏe, tình trạng dinh dưỡng bà mẹ và trẻ em ở những vùng khó khăn, miền núi, dân tộc thiểu số..., Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo đa chiều duy trì mức giảm từ 1-1,5%/năm.
Hiện nay, cả nước có 861 xã nghèo của 74 huyện nghèo. Người nghèo, đặc biệt người dân tộc thiểu số còn bị thiếu lương thực, thực phẩm, thông tin… Đây là những nguyên nhân khiến suy dinh dưỡng trẻ em thể nhẹ cân và thấp còi còn cao, cũng như thiếu vi chất dinh dưỡng, các dịch vụ y tế chăm sóc bà mẹ và trẻ em.
Mặt khác, thói quen ăn uống thiếu lành mạnh, mất cân đối về các chất dinh dưỡng (nhiều thịt, mỡ động vật, ít rau xanh và hoa quả) của người Việt làm gia tăng các bệnh mãn tính liên quan đến dinh dưỡng như: thừa cân béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường, gút, rối loạn mỡ máu… Tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ em tuổi học đường tăng từ 8,5% năm 2010 lên 19,0% năm 2020, trong đó khu vực thành thị chiếm 26,8%, khu vực nông thôn 18,3% và miền núi là 6,9%.
Hưởng ứng Tuần lễ “Dinh dưỡng và Phát triển”, Bộ Y tế đưa ra một số khuyến cáo: Phát triển vườn - ao - chuồng để tạo nguồn thực phẩm sẵn có, an toàn; tổ chức tốt bữa ăn gia đình, bữa ăn học đường bảo đảm đa dạng, cân đối, đủ dinh dưỡng; thực hiện chăm sóc dinh dưỡng hợp lý 1.000 ngày đầu đời giúp trẻ phát triển toàn diện về tầm vóc và trí tuệ…
Mỗi người dân cần lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc, bảo đảm an toàn trong chế biến và bảo quản; đọc thông tin dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm trước khi mua và sử dụng; sử dụng nước sạch an toàn trong ăn uống, sinh hoạt; uống đủ nước theo nhu cầu cơ thể./.