Phút sa chân của gã trai mới lớn
E ngại khi nhắc tới quá khứ một thời lầm lỗi, phạm nhân Trần Văn Hà (SN 1992, trú tại xã Kiến Thiết, Yên Sơn, Tuyên Quang) đang thụ án tại trạm giam Quyết Tiến, Bộ Công an tiếp chuyện với người đối diện khá rụt rè. Lĩnh án chung thân về tội "giết người, cướp tài sản", Hà vào đây cũng đã được 3 năm.
Gã trai trông khỏe mạnh, khuôn mặt rất sáng sủa ấy luôn cúi xuống khi trò chuyện về quá khứ của mình bằng giọng buồn buồn: “Cuộc sống từ nhỏ em cũng khổ lắm, tuổi thơ của em là những tháng ngày theo mẹ lên nương, vầy đất…”.
Từ bé, bố mẹ Hà đã sống ly thân. Không có bố nên ba mẹ con dựa vào nhau vất vả kiếm sống, ngôi nhà tuềnh toàng chẳng có gì giá trị. Mẹ của Hà phải làm lụng vất vả để nuôi hai con thơ dại. Anh em Hà lớn lên không phải là những bát cơm trắng, những thức ăn ngon mà là sống nhờ những bắp ngô, củ sắn trên nương.
Đi học cũng không được bằng bạn bằng bè nên Hà thường tự ti, sống tách biệt với mọi người. Chán trường, Hà bỏ dở việc học khi mới lớp 7 rồi rời nhà đi lang thang.
“Đến năm 15-16 tuổi em đã đi ra ngoài xã hội làm để kiếm thêm tiền, để có tiền nuôi sống bản thân, ai giới thiệu việc gì em cũng làm, không cần biết đó là việc gì”, Hà tâm sự.
Phạm nhân Trần Văn Hà
Và chính sự non nớt, thiếu kỹ năng sống mà đã vội bước ra ngoài xã hội bươn trải mới dẫn đến bi kịch sau này của một đứa trẻ. Có một người tên là Hạnh đã rủ rê, lôi kéo Hà cùng đi cướp tiệm vàng để lấy tiền ăn tiêu.
Cụ thể, theo cáo trạng của VKSND tỉnh Tuyên Quang, khoảng tháng 7/2011, Đặng Hữu Hạnh (37 tuổi, quê Tiền Giang) chung sống như vợ chồng với chị Lương Thị H. (41 tuổi, trú xã Kiến Thiết, Yên Sơn, Tuyên Quang). Do phải trả nợ ngân hàng và không có tiền chi tiêu cá nhân nên Hạnh đã rủ Trần Văn Hà đi cướp tiệm vàng. Hạnh mua một khẩu súng săn tự chế và sáu viên đạn, sau đó cưa ngắn nòng và báng súng để tiện cho việc cất giấu.
Sáng 10/4/2012, Hạnh quan sát thấy tiệm vàng T.A2 của anh N.M.D (trú tại phường Tân Quang, TP. Tuyên Quang), có nhiều vàng và đồ trang sức, lại vắng người nên gọi điện cho Hà, bàn kế hoạch đi cướp. Gặp nhau tại phòng trọ, Hạnh phân công Hà cầm dao còn mình thì cầm súng.
Sau khi vào tiệm vàng Hà sẽ dùng dao khống chế chủ tiệm để Hạnh lấy vàng. Sau đó Hạnh mang vàng đi tiêu thụ còn Hà sẽ mang xe máy về trả cho chị H., khi nào bán được vàng, Hạnh sẽ chia cho Hà.
Bàn kế hoạch xong xuôi, đến khoảng 13h cùng ngày, cả hai bịt mặt đi tới tiệm vàng T.A2. Lúc này, tại tiệm chỉ có anh N.M.D nên cả hai lao vào uy hiếp như kế hoạch đã bàn. Sợ hãi, anh N.M.D bỏ chạy về phía sau nhà thì bị Hà chạy theo đâm nhiều lần khiến anh này gục tại chỗ. Riêng chị Đ.T.L (vợ anh D.) thấy chồng bị thương liền chạy sang nhà hàng xóm kêu cứu.
Sự việc bại lộ, Hạnh và Hà nhanh chân bỏ chạy nhưng Hạnh bị người dân vay bắt tại chỗ, còn Hà nhanh chân chạy thoát. Tuy nhiên, trước sự truy đuổi gắt gao của cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tuyên Quang, rạng sáng ngày 11/4/2012, Hà đã ra đầu thú khi đang lẩn trốn tại nhà người thân ở tỉnh Hà Giang.
Với hành vi dùng súng bắn trả nhiều người khi tìm đường tẩu thoát của Hà và Hạnh cho thấy tính chất nguy hiểm và hậu quả nghiêm trọng, gây mất trật tự an ninh, làm hoang mang lo sợ cho người dân.
Chính vì vậy, ngày 5/11/2012, TAND tỉnh Tuyên Quang đã đưa vụ án ra xét xử, tuyên phạt Đặng Hữu Hạnh (37 tuổi, quê Tiền Giang) án tử hình với tội danh Giết người và Cướp tài sản. Còn Trần Văn Hà (24 tuổi) cũng phải nhận bản án chung thân cho cùng tội danh trên.
Lời sám hối và giấc mơ ngày tự do
Gần 3 năm sau ngày gây án, chúng tôi trở lại Trại giam Quyết Tiến (Sơn Dương, Tuyên Quang) để gặp Hà. Lúc này, Hà không còn than vãn về bản án Chung thân của mình, mà thay vào đó là thái độ hối cải, thành tâm cải tạo để chuộc lại lỗi lầm.
Câu chuyện vẫn tiếp diễn, nhưng có sự trùng xuống khi Hà nhắc tới người mẹ thân yêu của mình. Đôi mắt của Hà hơi ngân ngấn: “Ngày mẹ xuống trại thăm em, em thấy mẹ gầy đi nhiều, người chỉ còn da bọc xương”.
Cũng như bao phạm nhân khác, phải chịu sự trừng phạt của pháp luật và có thời gian trong trại suy ngẫm, Hà mới nhận thức được hành vi của mình là sai trái và vô cùng ân hận: “Em ân hận lắm, em muốn nói lời xin lỗi mẹ mà không nói được. Chỉ vì nghe lời rủ rê, không hiểu biết nên khiến mẹ khổ, gia đình người ta đau đớn, lúc đó em chỉ biết cầm tay mẹ khóc như đứa trẻ con”.
Mấy năm Hà đi trại thụ án, là chừng ấy năm người mẹ tích góp từng xu, từng nghìn lẻ để xuống thăm con. Nhưng do cuộc sống khó khăn, số lần mẹ Hà đến thăm con cùng chỉ được 3 - 4 lần.
Thời điểm xét xử và nghe tòa tuyên bản án chung thân, Hà vô cùng suy sụp và hối hận. Lúc đó, Hà nghĩ nhiều về gia đình, về người mẹ tảo tần sớm hôm đã nuôi anh em Hà, nhưng tất cả đã quá muộn. Những ngày đầu vào trại, cứ nghĩ đến bản án chung thân dành cho mình là Hà thấy tuyệt vọng, coi như cuộc đời đã chấm hết.
Nắm bắt được tâm lý những phạm nhân cùng với việc làm công tác tư tưởng nên các cán bộ trại giam đã động viên tinh thần để Hà lấy lại được thăng bằng, giúp Hà vượt qua được những mặc cảm, tội lỗi của mình.
Khi phạm sai lầm và phải trả giá bằng những năm tháng ngục tù, con người ta mới thấm thía được hai chữ “tự do”.
“Nhiều đêm em mơ về cuộc sống lúc chưa bị bắt vào trại, em mơ được đi về nhà nhưng lại bị bắt lại. Sợ quá em giật mình tỉnh dậy thì thấy mình đang nằm trong phòng giam”, Hà kể.
Chia tay chúng tôi để đi về buồng giam, Hà vẫn nói với chúng tôi rằng: “Nếu em được làm lại tất cả, em sẽ không bao giờ rời xa mẹ và gia đình. Em sẽ làm công việc lương thiện để phụng dưỡng, đền đáp công ơn của mẹ. Nhưng bây giờ nói vậy cũng quá muộn. Em chỉ biết cố gắng cải tạo tốt mong một ngày không xa được thực hiện những điều đó”.
Chỉ một phút lầm lỡ mà Hà chấm dứt mọi thứ ở tuổi 20, cái tuổi mà đáng lẽ Hà đang cắp sách tới trường với bao ước mơ, hoài bão. Nhưng rồi, có tội phải đền tội, đó là cái giá phải trả với những gì Hà đã gây ra…
Yến Nhi