Sau sự cố chạy thận nhân tạo của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình xảy ra từ tháng 5/2017, đến nay các chuyên gia về thận nhân tạo vẫn liên tục lên tiếng cảnh báo về hệ thống nước RO trong chạy thận nhân tạo là “sống – còn” với bệnh nhân.
Tại hội thảo khoa học an toàn trong thận nhân tạo "Ứng dụng nước RO - dịch lọc trung tâm" ngày 31-10, bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng Khoa thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết nước có vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình chạy thận nhân tạo.
Nước RO trong Thận nhân tạo quan trọng vô cùng. Người bình thường cần 2 lít nước mỗi ngày cả tuần mới chỉ có 15 lít nước nhưng bệnh nhân chạy thận trong 4h/lần chạy tiếp xúc với 120 lít nước. Mỗi tuần bệnh nhân chạy 3 lần tương đương với 360 lít nước.
Trong khi đó, với người chạy thận nhân tạo nước tiếp xúc với máu trực tiếp và bất cứ thay đổi nào ở dịch lọc thận có thể gây nguy hiểm nên nước RO vô cùng quan trọng.
Trong dịch lọc, ngoài 120 lít dịch lọc thì bệnh nhân còn tiếp xúc từ 15 – 27 lít truyền thẳng vào máu nếu nước RO không đảm bảo sẽ gây sốc phản vệ.
Theo báo cáo của TS Dũng, trung bình 15-20% mẫu nước và dịch lọc trong chạy thận nhân tạo bị nhiễm khuẩn nặng. Nguyên nhân chủ yếu do chưa tuân thủ đúng các quy trình sát trùng hệ thống xử lý nước, máy thận và hệ thống ống phân phối nước.
Do vậy, để đảm bảo an toàn trong lọc thận nhân tạo, hạn chế hậu quả do nhiễm khuẩn nước và dịch lọc, bác sĩ Dũng khuyến cáo các bệnh viện cần phải có người chuyên trách về hệ thống xử lý nước và người này cần được đào tạo liên tục.
Cùng đó, định kỳ thử test nước và dịch lọc tại các vị trí quy định, định kỳ khử khuẩn hệ thống ống dẫn nước, ghi chép đầy đủ vào sổ nhật ký nước…