Bài 1: Pharmacity – Doanh nghiệp thách thức pháp luật
Bất chấp bị xử phạt nhiều lần, hàng loạt nhà thuốc Pharmacity vẫn ngang nhiên bán thuốc kê đơn trái quy định. Việc thượng tôn pháp luật dường như không tồn tại trong khái niệm kinh doanh của doanh nghiệp này. Quan trọng hơn, vì lợi nhuận bán thuốc mà sức khoẻ, tính mạng người dân không được xem trọng.
Hàng loạt nhà thuốc Pharmacity vẫn ngang nhiên bán thuốc kê đơn trái quy định. |
Liên tiếp bị xử phạt
Thành lập tháng 11/2011, hiện chuỗi nhà thuốc Pharmacity của công ty cổ phần Dược phẩm Pharmacity có khoảng 1000 cửa hàng trên toàn quốc. Sau một số thay đổi bộ máy lãnh đạo thượng tầng vào năm 2022, Pharmacity có sự điều chỉnh mạnh về danh mục và mức giá thuốc.
Trong một bài trả lời mới đây trên các phương tiện truyền thông, ông Deepanshu Madan - Tổng giám đốc Pharmacity cho biết: “Pharmacity luôn đặt chất lượng sản phẩm và việc tuân thủ pháp luật lên hàng đầu”. Tuy nhiên, thực tế không giống như những gì ông này nói bởi doanh nghiệp này liên tục bị cơ quan chức năng xử phạt mỗi năm nhưng vẫn cố tình tái diễn sai phạm.
Tháng 8/2024, Chi nhánh Công ty cổ phần Dược phẩm Pharmacity tại Hà Nội (số 233-233A Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa) bị xử phạt 30 triệu đồng do bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc. Trước đó, hàng loạt nhà thuốc của Pharmacity đã bị các Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội, TP. Hải Phòng... kiểm tra và xử phạt hành vi tương tự. Thậm chí, vào hồi tháng 5/2022 Sở Y tế Hà Nội đã ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược của Nhà thuốc Pharmacity số 570.
Cứ ngỡ, sau khi bị xử phạt, Pharmacity sẽ chấn chỉnh hệ thống nhà thuốc của mình và đi vào hoạt động nghiêm túc, đúng quy định, thượng tôn pháp luật. Thế nhưng, chúng tôi tiếp tục ghi nhận được tình trạng bán thuốc kê đơn không cần toa của hệ thống nhà thuốc Pharmacity.
Hộp Zinnat Tab 250 mg được bán tại nhà thuốc Pharmacity. |
Trong vai khách hàng, ngày 3/11/2024, chúng tôi đến nhà thuốc Pharmacity địa chỉ 553 -553A Đỗ Xuân Hợp, khu phố 6, phường Phước Long B, TP. Thủ Đức. Tại đây, sau khi nói muốn mua hộp Zinnat Tab 250 mg thì dược sĩ bán ngay cho chúng tôi mà không hỏi thêm bất cứ thông tin gì, toàn bộ quá trình mua bán thuốc chưa đến 5 phút. Tiếp tục đến nhà thuốc Pharmacity địa chỉ 86 Tô Ngọc Vân, khu phố 3, phường Linh Tây, TP. Thủ Đức, chúng tôi mua hộp Hafixim 100 kids và vẫn như nhà thuốc kia, người mua và dược sĩ không nói với nhau câu nào, cứ đưa tiền là thuốc về tay.
Zinnat Tab 250 mg và Hafixim 100 kids là kháng sinh trị nhiễm khuẩn thường được dùng cho trẻ em, đây là những loại thuốc thuộc danh mục thuốc kê đơn và chỉ được phép bán khi có toa thuốc của bác sĩ. Luật quy định là vậy song không cần toa, không tư vấn, không cần biết người mua mua để làm gì, thuốc kháng sinh cứ được các dược sĩ của nhà thuốc Pharmacity bán vô tội vạ như vậy.
Xem thường tính mạng khách hàng
Theo Bộ Y tế, kháng kháng sinh là một trong những thách thức về y tế lớn nhất toàn cầu. Tình trạng này xảy ra khi các vi sinh vật như vi khuẩn, vi rút, nấm và ký sinh trùng thay đổi theo hướng làm vô hiệu hóa hoặc giảm hiệu quả các loại thuốc được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng.
Việc dùng thuốc kháng sinh vô tội vạ không chỉ có nỗi lo kháng kháng sinh mà trong gần 30 năm trở lại đây rất ít kháng sinh được tạo ra. Sự phát triển các vi trùng kháng thuốc ngày càng mạnh làm cho việc phòng kháng kháng sinh lại ngày càng nghiêm trọng. Vì vậy phải thật thận trọng và sáng suốt khi dùng kháng sinh, đặc biệt là kháng sinh cho trẻ em.
Pharmacity là chuỗi nhà thuốc với mạng lưới phủ khắp cả nước nhưng ngang nhiên vi phạm các quy định bán thuốc kê đơn. |
Luật Dược năm 2016 quy định: Bán lẻ thuốc kê đơn, mà không có đơn thuốc là một trong các hành vi bị cấm; Cơ sở kinh doanh dược có trách nhiệm chỉ được bán thuốc kê đơn tại cơ sở bán lẻ khi có đơn thuốc. Tại điểm đ, khoản 3, Điều 59 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP đã từng quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi này là: Phạt tiền và bị đình chỉ hoạt động trong thời hạn từ 06 tháng đến 09 tháng.
Pharmacity là chuỗi nhà thuốc với mạng lưới phủ khắp cả nước nhưng ngang nhiên vi phạm các quy định bán thuốc kê đơn, đồng thời đã bị cơ quan chức năng xử phạt về hành vi này triền miên từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, chế tài xử phạt có vẻ như chưa đủ để răn đe, ngăn chặn, nên vẫn tiếp tục bất chấp pháp luật và sức khỏe người dân, công khai tiếp diễn tình trạng bán thuốc tùy tiện này.
Nếu việc bán thuốc kê đơn tràn lan khi không có đơn thuốc của dược sĩ tại hệ thống nhà thuốc Pharmacity như một căn bệnh cố hữu, thì loại thuốc nào có thể điều trị được căn bệnh này? - Câu hỏi lớn đang đặt ra đối với các cơ quan quản lý chuyên ngành.
Dù được tự giới thiệu đã trải qua hành trình 12 năm phát triển không ngừng, chuỗi nhà thuốc uy tín hàng đầu, là người bạn tin cậy của hàng triệu người dân Việt Nam, nhưng hệ thống Nhà thuốc Pharmacity lại vẫn ngang nhiên bán thuốc kê đơn, mà không cần có đơn của bác sĩ, và bất chấp đã từng bị xử phạt. Việc làm này mang dấu hiệu coi thường pháp luật, coi thường sức khỏe người dân. Mặc cho những cảnh báo từ công luận và sự can thiệp của cơ quan quản lý, tình trạng vi phạm vẫn ngang nhiên tiếp diễn, rất cần có những biện pháp toàn diện, những chế tài mạnh tay hơn, để bảo vệ quyền lợi, sức khoẻ cho người dân và cộng đồng.
Bài 2: Nhà thuốc Long Châu bán thuốc kháng sinh trẻ em như rau