Theo nhiều nghiên cứu, trong một cốc 100ml trà đá có chứa khoảng 50-100mg chất oxalate và còn có axit tannic - một chất gây khó tiêu và ngăn cản sự tổng hợp sắt.
Việc sử dụng trà đá lúc đang đói cồn cào dễ dẫn đến nguy cơ mắc bệnh dạ dày. Những người bị đau dạ dày nếu vẫn duy trì thói quen uống trà đá sẽ làm cho cơn đau dạ dày tăng lên, thậm chí có thể làm cho bệnh viêm loét dạ dày trở nên nghiêm trọng hơn.
Bên cạnh đó, chất caffein có trong trà sẽ làm suy giảm sự tiết dịch tiêu hóa ở dạ dày, làm chậm lại hoạt động của nhu động ruột. Hậu quả dễ gây táo bón, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Trà đá vỉa hè tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh rất lớn. (Ảnh minh họa).
Trà đá vỉa hè cũng tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh rất lớn. Thực tế, nhiều chủ quá sử dụng nguồn đá bẩn để cho vào cốc trà. Nhiều quán trà đá không sử dụng đá viên tinh khiết mà dùng đá cây đập vụn cho vào hộp xốp bảo quản. Theo quy định những loại đá cây này chỉ được dùng để ướp thực phẩm.
Theo BS Trần Văn Ký (Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn Thực phẩm Việt Nam), các loại nước đá sản xuất kiểu kém vệ sinh sẽ tiềm ẩn nguy cơ bệnh tiêu chảy, dịch tả và ngộ độc.
Nguy hiểm hơn là nước nhiễm hóa chất lấy lên từ lòng đất không được lọc, về lâu dài, độc chất trong nước gây viêm đại tràng mãn tính, ảnh hưởng đến chức năng gan thận.
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên, những bệnh nhân mắc sỏi thận, suy thận là những người không nên sử dụng trà đá và các sản phẩm có chứa nhiều oxalate thường xuyên.
Ngoài ra, trẻ nhỏ dưới 3 tuổi và những người mắc bệnh tiêu hóa không nên uống trà vì 2 chất oxalate và axit tannic sẽ phản ứng với sắt trong dạ dày lâu ngày khiến bạn bị thiếu sắt và ăn uống khó tiêu, cản trở cho sự hấp thụ trao đổi chất ở cơ thể.
Đối với phụ nữ trong thời kỳ mang thai, nếu uống nhiều trà đá sẽ gây nên tình trạng thiếu máu. Điều này ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Ở người già, việc uống nhiều trà đá lại là nguy cơ dẫn đến việc mất ngủ, căng thẳng. Để đảm bảo sức khỏe, các nhà nghiên cứu khuyến cáo rằng, người bình thường chỉ nên uống 1-2 cốc trà mỗi ngày.
P.V