Đề cập đến chi phí làm đường cao tốc của Việt Nam, đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) bày tỏ sự băn khoăn khi suất đầu tư luôn cao gấp 2-4 lần các quốc khác nhưng chất lượng lại hạn chế. Tương tự, theo tính toán, đường sắt cao tốc của Việt Nam nếu làm thi chi phí đầu tư cũng cao gấp 2,5 lần của Thái Lan và một số nước trên thế giới.
“Trong điều kiện nguồn lực có hạn, Bộ trưởng có giải pháp gì để giảm suất đầu tư các tuyến hạ tầng giao thông mà vẫn nâng cao được chất lượng”, đại biểu Nhường nêu câu hỏi.
Một số đại biểu cũng nêu câu hỏi chất vấn về những bất cập trong việc đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, nhất là việc “hầu hết các dự án đều thực hiện theo hình thức chỉ định thầu”.
Với những câu hỏi trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Trương Quang Nghĩa “chia lửa” với Bộ trưởng Bộ KH-ĐT.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa, Thủ tướng rất quan tâm và cũng đã chỉ đạo các bộ nghiên cứu, tính toán những vấn đề liên quan đến suất đầu tư cao tốc. Hiện Bộ GTVT và Bộ Xây dựng đang phối hợp để đánh giá lại vấn đề này.
Thông tin về đơn giá, ông Nghĩa cho biết, suất đầu tư làm cao tốc 6 làn xe của Việt Nam vào 200 tỷ đồng/km, chưa tính đến giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, chi phí này liên quan đến đặc điểm là một số khu vực, vùng miền nên mức giá cũng rất khác nhau.
Qua tổng hợp báo cáo của Bộ Xây dựng, thì suất đầu tư đường bộ cao tốc ở khu vực trung du, miền núi, Bắc bộ rơi vào khoảng 7,4 triệu USD/ km, còn ở khu vực Tây Nam Bộ là 17,2 triệu USD. “Giá thành phụ thuộc nhiều vấn đề nhất là địa chất, vật liệu”, ông Nghĩa nói.
Ông Nghĩa cũng cung cấp thông tin về chi phí làm đường bộ cao tốc trên 1 km của các nước trên thế giới, trong đó ở Đức là 10,9 triệu USD, Bồ Đào Nha 12,1 triệu, Mỹ 12,8 triệu - 40,8 triệu, Trung Quốc 10,5 triệu - 13,6 triệu. Riêng đường bộ cao tốc Bắc- Nam hiện theo tính toán thì rơi vào khoảng 9,5 triệu USD/km.
Về chi phí làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam, theo ông Nghĩa, con số tổng mức đầu tư 50 tỷ USD mới là dự kiến mà đơn vị tư vấn đưa ra. “Trong năm 2018 khi trình ra Quốc hội, chúng tôi sẽ báo cáo cụ thể về dự án này và sẽ có số liệu chính xác hơn”, ông Dũng cho biết.
Về tình trạng chỉ định thầu BOT, ông Nghĩa thừa nhận đúng là có việc đó. Theo đó, trong giai đoạn năm 2011- 2015 đã huy động được hơn 170 nghìn tỷ thực hiện các dự án BOT. “Hiện Quốc hội cũng đang giám sát nội dung trên và chắc chắn sẽ có báo cáo đầy đủ. Chúng tôi cũng mong muốn và có kiến nghị để dự án BOT làm sao được minh bạch, rõ ràng”, ông Nghĩa nói.