Lãng phí có phải là tội?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) đề cập đến công bố của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), kết luận nhiều thiết bị y tế chưa hết thời gian khấu hao đã hỏng, không sử dụng được, nhiều loại được đầu tư mới, nhưng đắp chiếu hoặc mới dùng đã hỏng. Đặc biệt, cùng một loại, cùng một nhà cung cấp, nhưng lại có sự chênh lệch giá lớn, có loại tới gần 7 lần… Về việc này, Bộ trưởng Tiến giải trình, do ngân sách không đủ, máy chưa hết khấu hao đã hỏng vì công suất quá lớn. Máy đắp chiếu có thể trong thời gian bảo hành, sửa chữa. Còn chênh lệch giá cao gấp 6 - 7 lần, các bệnh viện và cơ sở y tế không đồng thuận với kết luận của KTNN. Vì trang thiết bị y tế có nhiều chủng loại, đa dạng mẫu mã, cùng một sản phẩm của một hãng, nhưng giá lại chênh lệch nhau.
“Quy trình để mua sắm đấu thầu các trang thiết bị tương đối chặt chẽ, phải đi qua các khoa, phòng nêu nhu cầu, có hội đồng khoa học độc lập, tư vấn xem nhu cầu đó có chính đáng không, sau đó giám đốc bệnh viện phê duyệt. Chúng tôi đã phân cấp, phân quyền cho các đơn vị sự nghiệp cũng như các Sở Y tế và họ thực hiện quy trình theo Luật Đấu thầu và nghị định hướng dẫn. Tuy nhiên, trong thời gian tới có lẽ chúng tôi sẽ trình Quốc hội để ban hành luật về quản lý trang thiết bị”, bà Tiến nói.
Chưa hài lòng, ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) tranh luận, mong muốn bộ trưởng phải chỉ thẳng, làm rõ trách nhiệm, vì để như hiện nay sẽ rất lãng phí. Thậm chí, ĐB Hương còn đặt câu hỏi: Đó có phải là tội hay không? Có hay không việc thiết bị cấp từ trên xuống không đạt tiêu chuẩn, không đúng nhu cầu của cơ sở? Trong khi bản thân cơ sở cũng không đủ năng lực, nguồn lực để vận hành, dẫn đến thiết bị đắp chiếu?
ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) thì bày tỏ lo ngại, vì thời gian qua có nhiều tai biến y khoa liên quan việc sử dụng thiết bị y tế. Bộ đã có quy trình rất rõ về chẩn đoán, điều trị nhưng các quy trình về sử dụng, bảo dưỡng, bảo hành trang thiết bị y tế lại chưa được chi tiết, chưa được các bệnh viện tuân thủ chặt chẽ. Theo ĐB Hiếu, quy định về năng lực, trách nhiệm của các công ty vật tư, trang thiết bị y tế cần được rà soát, bổ sung.
Liên quan đến vấn đề tai biến y khoa, Bộ trưởng Tiến cho rằng, đây là chuyện đau lòng, không ai mong muốn. Bộ đã ban hành rất nhiều quy định, quy trình, vấn đề là thực hiện thế nào. Khẳng định sẽ xử lý nghiêm sai phạm, tuy nhiên bà Tiến cũng nói thêm, ngay cả các nước phát triển cũng phải đối mặt với tai biến y khoa.
Nhập thấp bán cao, hưởng lợi kếch xù?
Ghi nhận thời gian qua ngành Y tế đã có nhiều giải pháp tăng cường quản lý giá thuốc, tuy nhiên, ĐB Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) vẫn cho rằng, giá thuốc Việt Nam còn cao hơn so với mặt bằng các nước trong khu vực. ĐB Phương đề nghị bộ trưởng làm rõ vấn đề này. Cùng với đó, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) muốn biết giải pháp của ngành trong quản lý giá thuốc để người bệnh không bị thiệt thòi.
“Cử tri cho rằng, giá nhập khẩu thuốc có khoảng cách chênh lệch khá xa so với giá bán lẻ ở các quầy thuốc, kể cả thuốc ở bệnh viện, nhập vào thì giá thấp, bán ra giá cao gấp nhiều lần nên lợi nhuận mang lại cho doanh nghiệp kinh doanh dược phẩm là kếch xù, còn thiệt thòi thì thuộc về người bệnh và ngân sách nhà nước. Với tư cách là tư lệnh ngành, bộ trưởng có suy nghĩ gì?”, ĐB Hòa chất vấn.
Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, thời gian qua, thị trường thuốc của Việt Nam ổn định và không tăng cao. “Chắc chắn các quầy thuốc khác nhau bán cùng một loại thuốc giá sẽ khác nhau, nếu bán rẻ thì nhiều người mua, bán đắt thì ít người mua, theo quy luật thị trường. Ở các nước quản lý giá rất tốt, đối với quầy thuốc bán lẻ giá sẽ chênh lệch rất nhiều”, bộ trưởng Tiến cho hay. Với quầy thuốc trong bệnh viện, bộ trưởng thông tin, tới đây sẽ điều chỉnh Thông tư 11, áp giá quầy thuốc bệnh viện phải bằng giá bệnh viện đã mua.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại phiên chất vấn ngày 14/6. |
Hơn 7.000 cán bộ y tế bị kỷ luật
Đề cập đến y đức, nhiều ĐB phản ánh tình trạng y tá, điều dưỡng viên có nhiều lời lẽ khiếm nhã, thiếu tôn trọng, không muốn nói là xúc phạm, gây bức xúc cho người bệnh. Theo ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long), vấn đề y đức không mới, mặc dù đã được cải thiện, song vẫn là một tồn tại khi các sự cố y tế xảy ra, có nguyên nhân về y đức. ĐB Thắng chất vấn bộ trưởng giải pháp cụ thể cho thời gian tới là gì?
Dẫn dụ câu nói “con sâu làm rầu nồi canh”, Bộ trưởng Tiến thừa nhận, ở đâu đó vẫn còn hiện tượng cán bộ y tế có thái độ không tốt. Tuy nhiên, thời gian qua, ngành Y tế đã đưa ra chương trình đổi mới toàn diện thái độ, phong cách phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Thời gian qua, hơn 7 ngàn cán bộ y tế trong toàn ngành đã bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo, khiển trách, cảnh cáo toàn bệnh viện cho đến đuổi khỏi ngành. Ngoài ra, ngành cũng kèm theo đổi mới cơ chế tài chính để nâng mức thu nhập của cán bộ nhân viên.
Chúng tôi đi đến các xã miền núi ở tỉnh Điện Biên, hỏi trạm trưởng y tế xã, họ nói tổng thu nhập, bao gồm phụ cấp, được 12 triệu đồng mỗi tháng. Lương bác sĩ mổ tuyến huyện có thể được 12 triệu đồng, tuyến tỉnh 15 triệu đồng mỗi tháng. Tiền trực cũng được cải thiện, trước đây, anh em nói tiền trực mỗi ca không đủ bát phở, nay đã lên mức 25 nghìn đồng. Anh em yên tâm làm việc”, Bộ trưởng Tiến nói.
Kéo dài nằm viện để trục lợi bảo hiểm?
Tham gia giải trình, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết, tình trạng trục lợi BHYT gần đây khá phổ biến, có những bệnh viện còn kéo dài ngày nằm của bệnh nhân. Ví dụ như mổ Phaco, trung bình chỉ cần nằm viện 2 ngày, nhưng có bệnh viện để bệnh nhân nằm tới 7 ngày.
Theo tính toán, năm nay quỹ BHYT đã phải chi khoảng 80 nghìn tỷ đồng, tăng lên khoảng 7 nghìn tỷ đồng so với năm trước. Bà Minh nói, số tăng này “không bình thường”. Tranh luận lại, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) cho rằng, nhìn vào nguy cơ vỡ quỹ BHYT phải nhìn toàn diện, không thể chỉ toàn tiêu cực như vậy. Tiêu cực BHYT có thể xảy ra ở bất cứ đâu, không thể cứ đổ lỗi cho dân và ngành Y tế. Theo bà Lan, muốn không vỡ quỹ phải xem lại bài toán quỹ BHYT, chứ không chỉ có biện pháp siết chi.