Thực tế cho thấy, trong đô thị có nhiều công trình cũ, theo xu thế phát triển sẽ trở nên lạc hậu, không đáp ứng nhu cầu hiện tại. Dù không còn nhiều giá trị về mặt vật thể nhưng các giá trị về phi vật thể (văn hóa, lịch sử, kiến trúc...) lại khá phong phú, bởi nó là biểu trưng cho thời kỳ phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn cũ. Nếu ứng xử với các công trình này theo một góc nhìn nhân văn, chúng sẽ tạo ra dòng chảy văn hóa, từ đó tạo ra các lợi ích về mặt xã hội, đóng góp vào phát triển kinh tế.
Theo Tiến sĩ Vương Hải Long, Trưởng Khoa Kiến trúc - Đại học Kiến trúc Hà Nội, Thủ đô có nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp nằm trong đô thị thuộc diện phải di dời ra khỏi nội đô, sẽ tạo ra quỹ đất rộng lớn.
Nếu các công trình như Nhà máy Công cụ số 1, Nhà máy Dệt 8/3… tiếp tục bị phá bỏ thì rất đáng tiếc. Tái thiết lại các cơ sở sản xuất này thành các tổ hợp sáng tạo sẽ vừa giữ được ký ức, vừa tạo ra những giá trị mới mang lại nhiều lợi ích cho phát triển kinh tế - xã hội.
Tại tọa đàm, các nhà nghiên cứu, kiến trúc sư đã đề cập đến việc tái thiết các nhà máy sản xuất cũ, các khu tập thể, các làng ven đô trong quá trình đô thị hóa. Dù ở hình thái nào, các công trình đều có những giá trị và có thể khai thác tốt cho hoạt động sáng tạo.
Trên góc độ tiếp cận di sản công nghiệp, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đinh Thị Hải Yến cho biết, từ những năm 90, các nước phát triển bắt đầu chú trọng đến các chương trình liên quan đến đánh giá và bảo tồn các di sản công nghiệp.
Tại Hà Nội, dù có nhiều chủ trương, quyết sách liên quan đến việc di dời các cơ sở công nghiệp không còn phù hợp quy hoạch và gây ô nhiễm môi trường, song việc triển khai còn chậm và nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đô thị không ngừng vận động và phát triển, các công trình công nghiệp cũ không chỉ là đối tượng của bảo tồn mà còn là điểm tựa văn hóa, động lực cho phát triển kinh tế. Việc chuyển đổi các công trình công nghiệp cũ nên được triển khai bằng phương pháp phù hợp để đảm bảo đáp ứng nhu cầu trước mắt, lẫn mục tiêu phát triển lâu dài của đô thị.
Còn đối với các khu tập thể cũ, những năm 1965 - 1990 giống như "một tượng đài kiến trúc", chứa đựng không gian, tập quán sinh hoạt của người dân. Đây cũng là biểu tượng của thời kỳ phát triển xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Theo Kiến trúc sư Nguyễn Việt Ninh, việc tái thiết và phát huy giá trị các khu tập thể cũ trong thời kỳ hiện nay là rất cần thiết để bảo tồn các giá trị cũ, đồng thời cần kết nối với hệ sinh thái xung quanh nhằm tạo sự đồng bộ, cũng như đảm bảo lợi ích cho người dân.
Hà Nội đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó có văn hóa sáng tạo. Thành phố đã có những nghị quyết, kế hoạch nhằm đảm bảo phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao. Dù việc chuyển đổi các di sản đô thị, di sản công nghiệp cho hoạt động sáng tạo sẽ là một quá trình lâu dài, từ chuyển biến nhận thức tới hành động, song những lợi ích từ hoạt động sáng tạo mang lại, nhất là thành công bước đầu của một số mô hình tại Hà Nội sẽ mở ra cơ hội lớn cho các di sản khác.