Thật khó có thể hình dung, dưới vỏ bọc mỹ miều của một trung tâm đào tạo ‘trẻ tự kỷ thành kỷ lục gia’ nhằm tạo niềm tin ở những bậc phụ huynh tuyệt vọng, người ta đã cư xử với những đứa trẻ tự kỷ như vậy.
Hãy nghe một phụ huynh phản ảnh với chúng tôi: “Tôi đón cháu về, cháu đã thân tàn ma dại. Lúc này, sức khỏe cháu suy kiệt, mặt mũi sưng húp, tất cả phần da không có quần áo che bị chi chít hàng trăm vết muỗi đốt. Mỗi bước đi, cháu đều ôm bụng, gào khóc. Cháu sụt 4 kg”.
Những trường hợp thương tâm như cháu bé kể trên không phải cá biệt, mà được lặp đi, lặp lại trong thời gian dài trong môi trường sinh hoạt, ‘đào tạo’ hà khắc. Song, vấn đề đã vượt quá mọi giới hạn khi đã có trẻ em chết ở Trung tâm.
Người mẹ đã quyết định lên tiếng sau khi xem loạt phóng sự điều tra về trung tâm đào tạo kỷ lục gia Tâm Việt trên Vietnamnet: “Người ta bế con từ giường sang cáng để chuyển về Hà Nội, người con cứng đơ. Tôi không biết con mình tử vong lúc nào mà cứng như thế”.
Một vụ chết người thương tâm, đầy nghi vấn như vậy mà Tâm Việt “không một lời giải thích”. Cũng vẫn vị phụ huynh chia sẻ: “Sau khi con tôi mất, ông Phan Quốc Việt không hề giải thích điều gì. Gia đình hỏi ông ấy chỉ chắp tay, không nói câu gì”.
Phản ứng như vậy, chỉ xét riêng về cái tình, là không thể chấp nhận được chứ chưa nói về lý lẽ, luật pháp.
Sau khi loạt bài được công bố, báo VietNamNet nhận được rất nhiều quan tâm của dư luận, của bạn đọc và của nhiều phụ huynh có con tự kỷ. Tất cả đều muốn chúng tôi đi đến cùng sự việc này để giúp gióng lên môt tiếng chuông cảnh báo đến việc chăm sóc, đào tạo trẻ tự kỷ, lĩnh vực còn chưa được quan tâm trong các thiết chế chính sách hiện nay.
Một mặt, trẻ tự kỷ và gia đình nhiều khi bơ vơ khi chưa được pháp luật bảo vệ. Khi soạn thảo Luật Người khuyết tật cách đây gần một thập kỷ, đã có ý kiến gợi ý nên đưa những người tự kỷ vào luật nhưng rất tiếc là không được tiếp thu.
Đến các luật sau này như Luật Trẻ em, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Giáo dục…, lại tiếp tục không đề cập đến trẻ tự kỷ.
Một học sinh của Tâm Việt với đôi chân mưng mủ do muỗi đốt |
Thiếu vắng các hành lang pháp lý đã dẫn đến nhiều bậc phụ huynh cha mẹ trở nên bơ vơ, những đứa trẻ tự kỷ trở nên lạc lõng trong cộng đồng. Vì thế, những trung tâm như Tâm Việt là nơi mà họ muốn bấu víu, nương tựa.
Chỉ có điều, những gì diễn ra ở đó, như chúng tôi phản ánh, đã phản bội lại niềm tin của họ, những người thực sự đáng thương.
Ngày nay, căn bệnh tự kỷ đang ngày càng phổ biến. Những gia đình, phụ huynh có con tự kỷ là những người thấm thía nhất căn bệnh này khi họ sống cạnh con. Ai cũng thấy đất trời sụp đổ dưới chân khi nhận ra con mình mắc bệnh. Ai cũng xót xa như xát muối vào lòng khi chăm bẵm con hàng ngày. Họ gửi con vào các trung tâm với hi vọng đưa con hòa nhập với xã hội, cộng đồng ngày một tốt hơn.
Tâm Việt là một doanh nghiệp nên họ phải làm ăn có lãi, có lời. Chỉ đau xót là cái lãi, cái lời đó lại dựa trên nền tảng trẻ khuyết tật, những người yếm thế nhất trong xã hội.
Tại buổi làm việc của báo Vietnamnet với Phòng lao động thương binh xã hội, huyện Đông Anh – nơi trung tâm Tâm Việt đang đóng, vị trưởng phòng cho biết, Tâm Việt chuyển về địa bàn hoạt động nhưng không báo cáo, phòng cũng không nắm được.
Sau khi bị trường ĐTTD Từ Sơn, Bắc Ninh từ chối không cho thuê địa điểm, Trung tâm Tâm Việt chuyển về hoạt động trên địa bàn Đông Anh. 64 con người của Tâm Việt (bao gồm 45 người khuyết tật, trẻ tự kỷ; 4 giáo viên và 15 tình nguyện viên địa bàn hơn 1 tháng nhưng các cơ quan ban ngành Đông Anh không hề hay biết!
Chỉ đến khi báo Vietnamnet phản ánh sự thật đáng sợ bên trong trung tâm đào tạo kỷ lục gia này, Phòng Lao động thương binh – xã hội của huyện Đông Anh mới biết đến sự tồn tại của nó.
Ai cấp phép cho họ? Vì sao khi thấy vấn đề nghiêm trọng như vậy nhưng đến khi nào mới có sự thanh tra toàn diện của cơ quan chức năng? Cơ quan nào sẽ xử lý vấn đề này? Có xử lý không? Bao giờ thì xử lý? Chúng tôi vẫn đau đáu với những câu hỏi đó với mong muốn sự công bằng cần được đảm bảo, công lý được thực thi để góp phần nâng cao nhận thức chung của xã hội về căn bệnh đang ảnh hưởng đến cả triệu người này.
Văn bản của Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam yêu cầu: “Chúng tôi mong muốn các cơ quan quản lý y tế, giáo dục, lao động thương binh xã hội, các nhà chuyên môn được đào tạo các lĩnh vực thần kinh học, vận động trị liệu, tâm lý, giao tiếp, hành vi, giáo dục đặc biệt, các hội về người khuyết tật, về trẻ em… cùng xem xét vấn đề”.
Lời đề nghị khẩn thiết của lương tri đó sẽ được cơ quan nào tiếp nhận, xử lý?