Trước tình trạng trẻ em bị tự kỷ có xu hướng gia tăng và hoạt động giáo dục, chăm sóc trẻ tự kỷ còn nhiều bất cập, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở có hoạt động giáo dục, chăm sóc trẻ tự kỷ đảm bảo quyền của trẻ em.
Đồng thời kiến nghị các giải pháp tăng cường trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội trong chăm sóc, giáo dục trẻ tự kỷ.
Trước đó, Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam cũng đã có văn bản kiến nghị cơ quan chức năng thẩm định phương pháp của trị liệu "huấn luyện người tự kỷ thành kỷ lục gia" của ông Phan Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm Tâm Việt.
Theo văn bản kiến nghị, ông Phan Quốc Việt, thường xuyên quảng cáo là có phát minh mới, mở ra hướng đi mới trong trị liệu tự kỷ. Tuy nhiên, trên thực tế ông Phan Quốc Việt chưa bảo vệ thành công một công trình khoa học và được công nhận phát minh này, hay phương pháp này ở bất cứ đâu. Có hay không việc trẻ tự kỷ trở thành vật thí nghiệm của phương pháp chưa kiểm định khoa học...
Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam kiến nghị, cơ quan chức năng thẩm định phương pháp này và công bố kết quả thẩm định cho dư luận được biết.
Theo thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 200.000 người, cả trẻ em và người lớn đang mắc chứng tự kỷ. Với riêng trẻ em, tỷ lệ mắc chứng tự kỷ ước tính là 1%.
Đặc biệt, trong khoảng 15 năm trở lại đây, số lượng trẻ ở Việt Nam mắc chứng tự kỷ gia tăng đáng kể và trở thành một vấn đề xã hội rất đáng quan tâm.
Tuy nhiên, việc quản lý các dịch vụ can thiệp tự kỷ, cũng như phương pháp giáo dục trẻ tự kỷ hiện nay còn nhiều vấn đề đáng bàn.
Theo bà Trần Thị Hoa Mai - Phó Chủ tịch Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam, ở Việt Nam, việc đào tạo nhân lực có chuyên môn về tự kỷ là một mảng chưa được chú trọng từ trước đến nay. Trong khi đó nhu cầu của các gia đình, số lượng các cháu tự kỷ chưa được can thiệp sớm và đúng cách lại rất lớn.
Là Phó Chủ tịch Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam nhưng bà Trần Thị Hoa Mai cho biết, chưa tìm thấy qui định pháp luật cụ thể nào về việc thành lập hay quản lý hoạt động của các dịch vụ can thiệp tự kỷ. Các qui định về trung tâm giáo dục hòa nhập thì còn chung chung, chưa sát thực tế.
Theo bà Trần Thị Hoa Mai, môi trường can thiệp tốt nhất đối với con tự kỷ cần có sự kết hợp giữa nhà chuyên môn được đào tạo về tự kỷ và cha mẹ trẻ.
Phương pháp can thiệp tốt nhất là các phương pháp khoa học có kiểm chứng
Trao đổi với báo chí, bà Trần Thị Hoa Mai cũng khuyến cáo, các cha mẹ tự trang bị kiến thức, bằng cách đọc tài liệu, chia sẻ thông tin. Nếu có tin tưởng và gửi con ở cơ sở nào, cũng nên có sự giám sát chặt chẽ hoạt động của cơ sở đó.
"Nên tham gia vào các hoạt động can thiệp cho con của mình, và nên tìm sự tư vấn từ các nhà chuyên môn được đào tạo bài bản về tự kỷ…" - bà Trần Thị Hoa Mai nhấn mạnh.