Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.543.059 ca mắc, trong đó có 10.616.725 bệnh nhân đã được điều trị khỏi. Số bệnh nhân nặng hiện có 123 ca trường hợp, trong đó 90 ca thở oxy qua mặt nạ; 8 ca thở ô xy dòng cao HFNC, 1 ca thở máy không xâm lấn và 24 ca thở máy xâm lấn. Trong ngày 22/4 đã ghi nhận 1 ca tử vong tại Hà Nội, như vậy tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam là 43.187 trường hợp. Tính đến nay đã có hơn 266 triệu liều vaccine COVID-19 được tiêm cho người dân.
Chủ động chuẩn bị, ứng phó nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp
Chiều 17/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã chủ trì cuộc họp với các đơn vị chuyên môn về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Báo cáo tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Phan Trọng Lân cho biết, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), biến thể Omicron đang lưu hành chủ yếu trên thế giới với một số biến thể phụ như BA.2.75, CH.1.1, BQ.1, XBB, XBB.1.16, XBB.1.9.1, XBB.1.5, XBF. Trong đó biến thể phụ XBB.1.5 đã phát hiện tại 95 quốc gia. Đến nay, qua kết quả giám sát giải trình tự gene cho thấy, các biến thể phụ phổ biến trên thế giới đều đã ghi nhận tại Việt Nam.
Cũng trong ngày 17/4, Bộ Y tế đã có văn bản về tăng cường công tác thu dung, điều trị ca bệnh COVID-19 gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Giám đốc Bệnh viện, Viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế; Thủ trưởng Y tế các Bộ, ngành.
Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc các Bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ, Thủ trưởng Y tế các Bộ, ngành rà soát, đánh giá và khẩn trương triển khai một số giải pháp để chủ động ứng phó với tình hình dịch bệnh, bảo đảm thực hiện tốt việc thu dung, cấp cứu, chăm sóc, điều trị hiệu quả cho người bệnh COVID-19, phát hiện sớm tình trạng chuyển nặng, xử trí kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong,
Các Sở Y tế, bệnh viện, viện rà soát, cập nhật kế hoạch thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 của tỉnh, đơn vị theo nguyên tắc 4 tại chỗ; phân công số giường bệnh điều trị bệnh nhân COVID-19 cụ thể tới từng đơn vị; bố trí nhân lực để theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh COVID-19 khi có chỉ định nhập viện; dự trù thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế phù hợp với các phương án thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 khi dịch bệnh có thể xảy ra diễn biến phức tạp.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở điều trị tăng cường biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm, hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh trong bệnh viện, đặc biệt tăng cường bảo vệ người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao (phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi,…), khu hồi sức tích cực, tim mạch, thận nhân tạo, phẫu thuật…. Đồng thời, các cơ sở y tế tăng cường vệ sinh ngoại cảnh, vệ sinh bệnh phòng, bố trí sắp xếp khoa phòng thuận tiện, phù hợp tình hình dịch và bảo đảm môi trường xanh, sạch đẹp.
Đối với các ca bệnh nặng, ca bệnh nghi ngờ COVID-19 nằm tại các bệnh viện, khi kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh âm tính nhưng vẫn nghi ngờ cần được thực hiện xét nghiệm PCR để chẩn đoán mắc COVID-19 chính xác, tránh bỏ sót ca bệnh để dịch bệnh lan rộng. Các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến cuối điều trị COVID-19 cần theo dõi, đánh giá lâm sàng các ca bệnh COVID-19 nặng nhập viện hiện nay và gửi xét nghiệm giải trình tự gene để đánh giá mức độ nặng, nguy kịch, báo cáo Bộ Y tế để xem xét điều chỉnh các hướng dẫn chuyên môn.
Rà soát, vận động người dân tiêm vaccine phòng COVID-19
Trước diễn biến các ca mắc gia tăng liên tục thời gian gần đây, Bộ Y tế đề nghị đẩy mạnh tiêm vaccine COVID-19, tập trung ưu tiên bảo vệ nhóm nguy cơ cao (người cao tuổi, người có bệnh lý nền, người bị suy giảm miễn dịch và phụ nữ mang thai) là những trường hợp dễ có nguy cơ chuyển biến nặng, có nguy cơ tử vong khi mắc COVID-19.
Liên quan đến công tác tiêm vaccine phòng COVID-19, trong Công văn số 1149/UBND-KGVX ngày 18/4 về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu Sở Y tế phối hợp với chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể triển khai quyết liệt việc rà soát, vận động người dân tiêm vaccine phòng COVID-19, nhất là với các nhóm đối tượng nguy cơ cao. Sở Y tế tổng hợp nhu cầu vaccine của các quận, huyện, thị xã đề xuất với Bộ Y tế để cung ứng kịp thời, đồng thời chỉ đạo đơn vị trực thuộc tổ chức tiêm vaccine theo hướng dẫn và phân bổ vaccine của Bộ Y tế.
Cũng trong ngày 18/4, Sở Y tế Hà Nội đã ra quyết định tiếp tục phân bổ thêm 17.850 liều vaccine AstraZeneca để tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên. Sở Y tế Hà Nội giao Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội tiếp nhận vaccine từ Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương và phân bổ cho Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã. Các đơn vị thực hiện tiếp nhận vaccine tiếp tục thực hiện tiêm liều cơ bản, bổ sung và các liều nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên, bảo đảm tiêm đúng đối tượng, đúng chỉ định theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế, sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí; sử dụng hết vaccine trước hạn sử dụng, không để xảy ra tình trạng hủy vaccine.
Số liệu từ Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, số ca mắc mới COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tăng nhẹ. Trước tình hình dịch COVID-19 có thể quay trở lại do miễn dịch cộng đồng bắt đầu có xu hướng giảm dần (từ 98,7% vào tháng 9/2022 nay giảm xuống còn 94,17%) và sự xuất hiện biến thể phụ XBB.1.5 của Omicron, UBND Thành phố đã chỉ đạo ngành y tế, UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức cần triển khai ngay các giải pháp nhằm bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ.
Cụ thể, UBND Thành phố giao UBND xã, phường, thị trấn thực hiện quản lý nhóm nguy cơ cao trên địa bàn gồm người có bệnh nền, người trên 50 tuổi, phụ nữ có thai, người đủ 18 tuổi trở lên chưa tiêm đủ vaccine phòng COVID-19; chỉ đạo các bộ phận liên quan phối hợp tổ chức rà soát, cập nhật danh sách, chuẩn hóa dữ liệu người thuộc nhóm nguy cơ, đảm bảo các dữ liệu chính xác, cập nhật kịp thời. Cùng đó, ngành y tế rà soát, lập danh sách người thuộc nhóm nguy cơ nhưng chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 hoặc tiêm chưa đủ liều; vận động, thuyết phục người dân đến các điểm tiêm trên địa bàn; tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19, đảm bảo không bỏ sót người thuộc nhóm nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Ngành y tế tổ chức tiêm lưu động tại nhà cho những người không di chuyển được; tổ chức tiêm mũi bổ sung, nhắc lại cho người thuộc nhóm nguy cơ đã tiêm đủ mũi cơ bản, đặc biệt tại các địa phương có tỷ lệ người thuộc nhóm nguy cơ tiêm mũi nhắc lại lần 2 dưới 80%.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng chú trọng việc hỗ trợ người mắc COVID-19 thuộc nhóm nguy cơ theo dõi sức khỏe, điều trị ngay khi phát hiện mắc COVID-19. Các đơn vị chức năng tăng cường truyền thông, tư vấn về chăm sóc sức khỏe cho người thuộc nhóm nguy cơ, hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ biết cách tự theo dõi sức khoẻ, thực hiện tốt thông điệp 2K, đặc biệt là đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người xung quanh, hạn chế đến nơi tập trung đông người...