Tại huyện miền núi Ngọc Lặc có 168 công trình hồ chứa nước, đập tràn. Trong đó, huyện quản lý 158 hồ đập; 10 hồ đập do Công ty Thuỷ nông sông Chu quản lý. Trong 158 công trình hồ đập thì chỉ có 30 công trình được đầu tư, vận hành ổn định; 5 đến 7 công trình làm xong hư hỏng không có nguồn vốn sửa chữa đang dừng sử dụng; số còn lại là những công trình được xây dựng từ những năm đầu thập kỷ 80 cũng đã xuống cấp…
Những công trình được xây dựng cách đây hàng chục năm như hồ chứa Bai Cô, hồ Đồng Gia (xã Thuý Sơn); hồ Hón Nang, vùng Thổ (xã Minh Tiến); hồ Chàng Vàng (xã Nguyệt Ấn); hồ Khán Đa (xã Phúc Thịnh)… huyện Ngọc Lặc mặc dù đã xuống cấp nghiêm trọng từ nhiều năm nay nhưng đến nay vẫn chưa được đầu tư xay dựng.
Riêng đường tràn Bai Căng, xã Ngọc Khê vừa mới đưa vào sử dụng từ cuối năm 2011 do UBND xã Ngọc Khê làm chủ đầu tư, xây dựng từ nguồn vốn giao thông nông thôn nhưng cũng đã có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng. Qua quan sát hệ thống ta luy của công trình đập tràn đã bị gẫy vỡ; thân đập bị xoáy lở, hở “hàm ếch” ăn sâu vào công trình; những tấm bê tông ta luy không được gia cố ngổn ngang…
Nhiều hồ, đập sạt lở nghiêm trọng sau mưa lũ. |
Trước thực trạng đó, UBND xã Ngọc Khê đã phải tổ chức cho 2 hộ dân di dời nơi ở khác, những hộ dân ở lại thì luôn trong tình trạng phập phồng lo sợ mỗi khi mùa lũ tới gần. Con đường dân sinh thôn Ngọc Lan cũng đã bị sạt ở hoàn toàn do đó.
Ông Đỗ Ngọc Thịnh - Phó phòng nông nghiệp huyện Ngọc Lặc cho biết: Tình trạng các công trình hồ, đập bị sạt, lở xuống cấp à do thiết kế không hợp ý. Cụ thể như: cống đập phải làm xuôi thuận theo chiều của dòng chảy nhưng ở đây dòng nước từ cống đập lại bị bẻ gấp khúc, đập thẳng vào phần đất liền không được kè chống an toàn dẫn đến dòng nước bị quẫn, thúc trở lại thân đập gây xói mòn, sạt lở đất đai.
Tại Bá Thước, địa phương có tới 179 công trình hồ, đập thì có hơn 60 công trình hồ, đập bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo phục vụ sản xuất và sinh hoạt, cũng như nỗi lo mất an toàn về tài sản và tính mạng của nhân dân vùng hạ du.
Đa phần các hồ chứa nước đã xây dựng từ rất lâu, nên khả năng vận hành và tích nước rất hạn chế. |
Huyện Cẩm Thủy với hơn 100 công trình hồ, đập cũng chung tình trạng đó. Cụ thể là hồ Làng Lụt (xã Cẩm Yên) đang là mối lo sợ của 300 hộ dân phía hạ du. Được xây dựng từ năm 1978, có dung tích 0,33 triệu m3, diện tích phục vụ tưới 40 ha. Thế nhưng nhiều năm nay do kinh phí tư sửa, bảo dưỡng quá ít nên hệ thống cống hư hỏng, mái đập, thân đập bị rò rỉ, không tích được nước.
Toàn huyện Như Thanh có khoảng 100 công trình hồ đập đã được xây dựng từ hàng chục năm cũng trong tình trạng xuống cấp. Trong đó, có 27 công trình hồ đập xuống cấp nghiêm trọng bức thiết cần được tu sửa. Có mặt tại hồ Chẫm Khê (xã Yên Thọ) cán bộ nông lâm xã này không khỏi lo lắng khi hồ có diện tích tưới thiết kế lên tới 150 ha, thế nhưng qua nhiều lần tu sửa từ nguồn thủy lợi phí ít ỏi, đến nay công trình đã xuống cấp nghiêm trọng.
Ngoài Ngọc Lặc, Bá Thước, Cẩm Thủy, Như Thanh thì nhiều huyện khác như: Lang Chánh, Thạch Thành, Tĩnh Gia là những huyện vùng có nhiều công trình hồ đập xuống cấp, không đảm bảo an toàn.
Nguyên nhân các hồ, đập xuống cấp là do đã xây dựng từ lâu, trong khi đó kinh phí để nâng cấp, sửa chữa hàng năm rất ít chỉ đủ để thực hiện công tác quản lý, vận hành và sửa chữa, bảo dưỡng nhỏ, các hư hỏng lớn không có đủ kinh phí sửa chữa kịp thời, dẫn đến các công trình hồ đập bị xuống cấp, hư hỏng.
Phương án được các địa phương áp dụng khi không có nguồn vốn nâng cấp, tu sửa là những bó cọc tre, những bao bì cát, đá tập kết sẵn tại hồ đập, khi xảy ra bão lũ, xã cùng huy động người dân gia cố, chống chọi tạm thời.
Mùa mưa lũ đang tới gần, hàng loạt hồ, đập trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, khiến hàng nghìn hộ dân vùng hạ lưu sống trong thấp thỏm lo sợ, không biết khi nào quả bom nước sẽ dội xuống.
Theo Báo Tài Nguyên và Môi Trường