Đánh giá cao nỗ lực phát triển kinh tế của toàn vùng, song ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI khẳng định, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang đứng trước nhiều thách thức lớn có dấu hiệu làm cho kinh tế của vùng bị chững lại. Tăng trưởng của vùng chỉ đang ở mức ngang bằng cả nước.
Ông Đặng Vũ Trân, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng khẳng định, tăng trưởng kinh tế của vùng đang có xu hướng lùi lại. Giai đoạn 2016 - 2018 chỉ ngang mức bình quân cả nước, trong khi những năm 2011 - 2015 gấp khoảng 1,5 lần. Dẫn chứng cho tình trạng kinh tế vùng bị chững lại, ông Đặng Vũ Trân cho hay, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chỉ có 1% tổng số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Trong đó, 90% là doanh nghiệp vừa vào nhỏ với số vốn đầu tư dưới 10 tỷ.
Trước tình trạng tăng trưởng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bị chậm lại nhiều chuyên gia kinh tế và lãnh đạo các tỉnh băn khoăn và chỉ ra các điểm yếu. Theo đó, hầu hết ý kiến cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến sự yếu kém là để tồn tại khoảng trống trong liên kết vùng.
“Các địa phương hãy hội nhập với nhau. Chúng ta nói nhiều đến các hiệp định thương mại song phương và đa phương nhằm hội nhập quốc tế nhưng nghịch lý trong nước lại không liên kết với nhau. Muốn hội nhập quốc tế tốt, các địa phương phải hội nhập với nhau, đặc biệt trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”, ông Vũ Tiến Lộc chia sẻ.
Đại diện VCCI khẳng định, để vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thật sự phát triển, cần phải có tầm nhìn, chương trình hành động. Trong đó, vai trò dẫn dắt của nhà nước hết sức quan trọng. Nhà nước không chỉ đưa ra luật chơi, làm trọng tài mà phải có mô hình, định hướng cụ thể. Doanh nghiệp phải là động lực chung tâm, doanh nghiệp nhỏ và lớn phải liên kết để hình thành hệ sinh thái phát triển theo chuỗi chứ không thể “đánh du kích” như ngày xưa.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, thời gian tới cần thiết lập ngay một hội đồng doanh nghiệp vùng trên cơ sở liên kết với cộng đồng doanh nghiệp vùng nhằm xây dựng logistics, nguồn nguyên liệu, nguồn nhân lực,… như thế nào. Đồng thời, tích hợp với nhau hình thành chuỗi giá trị tốt, thành cụm công nghiệp, phát huy lợi thế của vùng như công nghiệp, nông nghiệp. Sức mạnh hiện nay thể hiện rõ ở sự liên kết.
TS Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn Chính phủ cho hay: “Từ trước chính sách đã khẳng định đây là vùng kinh tế động lực, nối kết giữa Đông Nam bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy, kinh tế tỉnh phải dựa trên kinh tế vùng. Trong quy hoạch những gì kiên kết vùng phải hiện lên trên quy hoạch. Chính sách tốt chắc chắn doanh nghiệp sẽ liên kết được, còn làm riêng lẻ thì không ổn”.
Mong muốn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thật sự phát triển, TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fullbright Đại học Fullbright Việt Nam nêu quan điểm, Trung ương, vùng, địa phương lẫn doanh nghiệp đều phải cộng sinh. Nếu vùng phát triển, từng địa phương sẽ phát triển từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp có thêm cơ hội mở rộng sản xuất, đóng góp cho kinh tế, kinh doanh, giao thương tốt hơn. Tất cả hiệu ứng ấy sẽ tạo sức mạnh cho kinh tế cả nước ở cả đóng thuế, kim ngạch xuất nhập khẩu.