Bài 1: Ám ảnh mang tên tìm việc của lao động tuổi trung niên
“Đã tự động viên, tự trấn an mình rồi sẽ ổn nhưng đến nay tôi thật sự nản lòng, mong tìm kiếm một công việc mới phù hợp với chuyên môn, với năng lực, kinh nghiệm của mình, thế nhưng, tôi đã không lường trước hết những khó khăn, vất vả khi đi tìm một công việc mới ở độ tuổi trung niên”.
Đầu tiên là dịch Covid-19, sau đó là tuổi tác
Cũng phải rất lâu rồi tôi mới gặp lại chị Thanh Thuỷ, một đồng nghiệp của tôi tại công ty cũ. Trông chị gầy gò, xanh xao khác hẳn ngày còn làm phó phòng kế toán cách đây hơn 5 năm. Hỏi ra mới biết, chị thất nghiệp đã hơn 1 năm nay, từ độ Covid-19 bắt đầu xuất hiện.
“Covid-19 rồi tới thay đổi sếp, công ty cắt giảm, thay đổi nhân sự hàng loạt gọi là tái cơ cấu, chị và nguyên tổ kế toán nằm trong diện phải ra đi. Nói thật với em, bao nhiêu năm chuyên tâm vào một loại công việc ở một công ty duy nhất, chị không biết bắt đầu lại từ đâu”. Chị vừa kể vừa rơm rớm nước mắt.
Chị Thuỷ năm nay 46 tuổi, có 2 bằng đại học và 1 bằng ngoại ngữ và nhiều chứng chỉ bồi dưỡng kế toán khác. Kinh nghiệm làm việc ở tập đoàn lớn nhưng điều khó khăn nhất là ở độ tuổi này phải bắt đầu lại là đồng nghĩa với việc đối mặt muôn vàn khó khăn, không chỉ riêng chị mà với phần đông phụ nữ trung niên. Bởi các nhà tuyển dụng đều chú tâm điều quan trọng đầu tiên là giới hạn độ tuổi.
Tại một trung tâm giới thiệu việc làm trong thành phố, có rất nhiều người trẻ chen nhau tìm kiếm việc làm. |
Chị Thuỷ tâm sự “Từ tháng 7 năm ngoái, sau đợt giãn cách xã hội, chị nộp đơn và nhờ vả người quen khắp nơi. Chỗ thì khó khăn do Covid-19, chỗ thì chỉ nhận người trẻ dưới 35, không ai nhìn đến phụ nữngoài 40 cả. Chị đã thử xin làm tạp vụ cũng không xong vì mình làm văn phòng bao năm, không khỏe mạnh tháo vát bằng những lao động chân tay, và họ cũng chủ yếu chỉ tuyển lao động có kinh nghiệm. Người thất nghiệp đầy ra, sẵn sàng nhận việc với mức lương mà mình còn suy nghĩ, mình cạnh tranh không nổi.". Tôi hỏi thêm về chế độ bảo hiểm hưởng lương hưu, chị cho biết, "Đã đóng đủ 20 năm, được hưởng 50% lương rồi nhưng tuổi chưa đủ hưởng lương. Còn 10 năm nữa. Rồi biết sống thế nào để chờ hưởng lương? Nhiều bạn chị cũng gặp trường hợp giống như vậy, giá như dừng lúc nào thì hưởng theo phần trăm đóng lúc đó thì cũng đỡ một phần nào".
Với người trung niên ngấp nghé tuổi hưu thật khó xin việc, trẻ chưa qua, già chưa tới, không biết phải sống sao. Bởi ngay cả khi có hưởng lương hưu cũng chưa chắc đủ sống, huống hồ...".
Tôi cũng không biết phải nói gì thêm, chỉ biết động viên chị cố gắng và tiếp tục tìm việc mới dù trong lòng cũng cảm thấy lo lắng cho chị. Đúng như chị nói, thật khó khăn cho phụ nữ tuổi trung niên tìm việc làm, nhất là trong năm nay do ảnh hưởng dịch bệnh, người thất nghiệp tràn lan, một vị trí có hơn mấy mươi bộ hồ sơ chờ đợi, thật khó cho chị biết bao.
Hôm qua là giám đốc, hôm nay chạy xe ôm
Anh Huỳnh Đình Trung (50 tuổi, ngụ Biên Hoà, Đồng Nai) trước đây công tác trong ngành du lịch và là một người quen của bạn tôi, hiện nay đang chạy xe ôm vì thất nghiệp. Anh đón tôi tại nơi đang đứng đợi khách bởi trót hứa với người bạn rằng sẽ trao đổi về câu chuyện ảnh hưởng dịch bệnh, thất nghiệp suốt nhiều tháng dài. Giờ đây, mỗi ngày anh chạy được 2,3 cuốc khách gần xa, trang trải gạo cơm.
Trong một tối muộn, anh Trung vẫn thói quen "ăn-ta-ni" gọn gàng như ngày còn làm lữ hành du lịch, đậu xa ở công viên chờ chở khách. |
Anh Trung là bố đơn thân, vợ mất hơn 4 năm, anh một mình nuôi 3 con đủ 3 độ tuổi cấp 1, cấp 2 và cấp 3. Những năm trước, anh hùn vốn cùng bạn mở một công ty du lịch ở thành phố Biên Hoà, công ty chuyên bán tour và kết nối đặt dịch vụ nhà hàng, khách sạn, cho thuê xe cho khách có nhu cầu đi du lịch. Công ty du lịch không lớn, lại làm theo kiểu gối đầu và “cuốn chiếu”, nhận khách, nhận cọc, đặt dịch vụ, lời cũng không nhiều, chủ yếu được chia phần trăm từ các dịch vụ. Khốn khó thay cho toàn ngành khi Covid-19 tràn về, khách thưa thớt rồi vắng hẳn, không kiếm ra tiền trang trải chi phí vận hành và đủ trăm loại chi phí khác cho công ty, anh và người bạn đành đóng cửa tạm thời, cho nhân viên nghỉ không lương đợi qua dịch.
Đợi mãi, từ tháng 2/2020 đến tháng 10/2020 khi mọi thứ tạm lắng, các địa phương cũng kích cầu du lịch trở lại, anh lại xoay xở vay tiền để công ty hoạt động lại, nhưng chưa đâu vào đâu, du lịch vẫn vắng vẻ, khách không còn mấy tha thiết với du lịch tour, quyết định giải thể công ty sau trước Tết Nguyên đán 2021 sau khi cố hết mức để trả lương cho nhân viên và một phần tiền chi phí còn nợ các đối tác, anh Trung thất nghiệp.
Với tấm bằng tiếng Trung, anh bắt đầu công cuộc xin việc nhưng với độ tuổi hiện tại, anh không cạnh tranh được với lớp trẻ năng động cũng đang tìm việc giai đoạn này, phần nữa bởi đa số các doanh nghiệp đều đang trong tình trạng cắt giảm bớt nhân sự chứ ít nơi cần tuyển thêm. Xin cộng tác làm nhân viên sales bất động sản thì cũng không tìm được khách, không ai có thể tin một giám đốc công ty du lịch trước đây, từ sau Tết đến nay với chiếc xe ware cũ anh Trung hành nghề chạy xe ôm, anh vẫn đứng chờ khách bên công viên Biên Hùng (Biên Hoà, Đồng Nai).
"Đã tự động viên, tự trấn an mình rồi sẽ ổn nhưng đến nay tôi thật sự nản lòng, mong tìm kiếm một công việc mới phù hợp với chuyên môn, với năng lực, kinh nghiệm của mình, thế nhưng, tôi đã không lường trước hết những khó khăn, vất vả khi đi tìm một công việc mới ở độ tuổi trung niên". Anh tâm sự với giọng buồn bã.
Nghe câu chuyện của anh, tôi mới hiểu vì sao người bạn mình giới thiệu anh trò chuyện với tôi khi tôi hỏi thăm về những lao động mất việc và khó xin được việc làm độ đầu năm nay. Bởi những người quen biết anh, đều rất thương cảm cho hoàn cảnh, nhưng không biết phải giúp đỡ làm sao, khi để tự chủ kinh tế, việc làm trong thời buổi này thật sự là một khó khăn với mỗi người.
Có hàng trăm thứ chi phí cần trang trải mà những người thất nghiệp đau đáu lo lắng khi không thể xoay xở. |
Khốn khổ những trung niên không trình độ
Nếu như chị Thuỷ và anh Trung kể trên đều là những lao động có trình độ chuyên môn cao, có đủ bằng cấp và ngoại ngữ thì câu chuyện của tôi với anh Võ Đình Tú (58 tuổi, ngụ Tân Uyên, Bình Dương) lại khác hẳn. Anh Tú không có bằng cấp chuyên môn, nhiều năm làm bảo vệ tại một công ty bảo vệ tư nhân, anh là lao động chính nuôi gia đình 4 miệng ăn. Tháng 5/2020 trên đường đi làm việc về, anh Tú bị tai nạn giao thông gãy chân trái phải điều trị hơn 4 tháng. Quay lại công ty, anh Tú bị đơn phương chấm dứt hợp đồng cùng một số tiền tượng trưng. Một chân yếu, lại không có trình độ, anh Tú đành chọn lựa bán vé số mưu sinh.
“Vợ tôi bán rau củ ở chợ, tôi rong ruổi bán vé số kiếm cơm qua ngày. Có một đứa con gái, nó lấy chồng sinh được 2 cháu thì ly hôn, gửi con về cho vợ chồng tui nuôi luôn". – Anh nói.
Một ít rau củ và trứng bày tạm ở mép, hai vợ chồng anh Tú trang trải 4 miệng ăn. |
Chị Lê Thị Mỹ Hà (39 tuổi) cùng chồng là anh Trần Văn Hạnh (44 tuổi) cùng là công nhân dệt may tại quận Tân Phú (TP.HCM) nằm trong diện công ty chấm dứt hợp đồng khi hết hạn. Lý do cũng bởi thời buổi khó khăn, đơn hàng không có, công ty sản xuất cầm chừng.
“Cũng phải thông cảm cho công ty thôi, họ cũng vất vả cầm cự lắm rồi”. – Anh Hạnh chia sẻ.
- Từ tháng 12 năm ngoái đến nay anh chị làm gì để trang trải cuộc sống? – Tôi hỏi.
- Vợ tôi đi xin việc ở một, hai công ty trong thành phố nhưng không được đành ở nhà chăm con và nhận hạm cườm về xâu. Không được bao nhiêu tiền nhưng do rảnh rỗi nên làm tạm. Còn tôi cũng thất nghiệp từ đó đến nay, sau khi nghỉ Tết vào tôi đến nhiều trung tâm giới thiệu việc làm mong kiếm được một công việc phù hợp, nhưng nộp hồ sơ lâu rồi vẫn chưa thấy liên hệ lại. Tết vừa rồi, gia đình đâu có tiền về quê đâu. – Anh Hạnh trả lời.
Những ngày tôi đi tìm hiểu, gặp gỡ và ghi chép, các nhân vật trong cuộc trò chuyện đều mang một vẻ mỏi mệt, lo lắng cho tương lai, cho gia đình, con cái và đôi phần hao hụt niềm tin vào cuộc sống. Nếu tình trạng này kéo dài, thật sự là quá khó khăn với họ. Mọi sự an ủi lúc này đều đáng quý nhưng không thể giúp họ vượt qua được nỗi lo con cái học hành, kinh tế, cơm áo gạo tiền.
*Tên một số nhân vật đã được thay đổi theo yêu cầu!
Bài 2: Người trẻ xin việc và những cái lắc đầu.