“Vỉa hè ế!”, “vỉa hè chán!”
Cuối tháng 8, Sài Gòn đổ những cơn mưa bất chợt. Vỉa hè luống cuống tạm gấp lại gánh mưu sinh… Mưa không phải là nguyên nhân khiến bao thân phận bám vào vỉa hè thấp thỏm lo đói ăn, mà nỗi lo lớn nhất của họ là trận đại dịch Covid-19 bao giờ đi qua?
Chị chủ xe sinh tố trái cây bên vỉa hè đường Bình Quới (P.27, Bình Thạnh) vội vã dọn bàn ghế, vơ vội những ly tách trên bàn rồi đẩy xe vào mái hiên trú mưa. Quán vắng, không có một khách nào. Cơn mưa nhanh qua, chị lại đẩy xe ra, lại bày biện bàn ghế và chờ khách. Chị tên Hiền (39 tuổi) quê ở Khánh Hoà vào Sài Gòn hơn 7 năm bám trụ, nuôi gia đình bằng xe sinh tố trái cây.
Ngần ấy năm bán sinh tố vỉa hè, trừ vốn luyến, vài thứ chi phí lặt vặt chị Hiền vẫn còn dư chút đỉnh đóng học phí cho con. Nhưng nay thì khó khăn hơn rất nhiều, khách uống sinh tố lưa thưa nên bán buôn không thấm vào đâu, tiết kiệm hết cỡ cũng chỉ đủ đóng tiền nhà trọ, tiền ăn uống sinh hoạt cũng phải rất tằn tiện. Bán sinh tố, chị còn tranh thủ nhặt ve chai dồn lại bán kiếm thêm, được đồng nào hay đồng nấy.
Hỏi chị bán thế nào, gượng cười chị đáp “Một chữ “ế” thôi! Hồi chưa dịch bán ngày mấy chục hoặc cả trăm ly, giờ mỗi ngày bán được 5,10 ly sinh tố là mừng lắm rồi”.
Chị Hiền chủ quán sinh tố vỉa hè chia sẻ: "Một chứ ế thôi!" |
Cũng bên vỉa hè cách đấy không xa, không một khách đi đường nào dừng lại nên gánh hàng rong của cô Hường (55 tuổi, quê Quãng Ngãi). Vỉa hè vắng hoe, cô Hường ngồi lọt thỏm bên vệ đường, giữa quang gánh bánh tráng nướng, mạch nha. Cô Hường cho biết đã nhiều ngày rồi không bán được, nhưng nếu nghỉ ở nhà thì càng chán hơn, nên cô vẫn quẫy gánh ra đường, đôi chân đi bộ qua các con đường rồi đến ngồi bên công viên Thanh Đa (Bình Thạnh).
Cô Hường bên gánh hàng rong, không một khách nào ghé lại... |
“Chán lắm, tiền không được bao nhiêu thậm chí cả tuần nay bán cộng lại chưa tới 100 ngàn. Cô bán nhiều năm rồi, chưa năm nào chán như năm nay, từ đầu năm đến giờ gia đình sống trông vào tiền chạy xe ba gác của chồng, còn gánh hàng rong này vật vờ lắm, nếu vậy hoài cô phải nghỉ kiếm việc khác làm, nhưng cũng không biết làm gì nữa…” Cô Hường chia sẻ với người khách đầu tiên trong một chiều muộn là tôi, với chiếc bánh mạch nha có giá 10 nghìn đồng.
Rất khuya, xe hủ tiếu gõ bên đường Nguyễn Xí (P.26, Bình Thạnh) chỉ lưa thưa khách. Đứng bán quán là em trai tên Tuấn mới 17 tuổi. Tuấn cho biết, trước đây thì ba mẹ em bán, em đi học. Nhưng mấy nay ế quá, ba em xin đi làm bảo vệ rồi, mẹ em bán mấy hôm chán tính nghỉ mà em sợ mất khách nên em ra coi quán cho mẹ. Đợi hết dịch sẽ ổn thôi, em mong là vậy nên dù ế vẫn cố gắng …”
"Đợi hết dịch sẽ ổn thôi..." - Tuấn nói |
Ve chai hiếm… vỉa hè đói ăn
Một mảng đời khác sống bám trụ vào vỉa hè là nghề nhặt ve chai, những ngày này mọi thứ càng trớ trêu hơn. Kinh tế khó khăn mùa Covid, rất nhiều quán xá đóng cửa hoặc mở cầm chừng, lon bia, nước suối và các loại rác khác ít dần đi đồng nghĩa với thu nhập nghề này đã thấp lại càng thấp hơn. Bươn chải nắng mưa, đánh vật chốn cạn cùng để mưu sinh mà covid cũng khiến họ lận đận, lao đao.
Loanh quanh đẩy xe ve chai đi khắp các hẻm cùng, ngỏ cụt. Từ Thủ Đức đẩy bộ sang Bình Thạnh rồi qua các quận lân cận mà chiếc xe nhỏ vẫn chỉ vọn vẹn một ít chai nhựa, một ít giấy bìa. Cô Nguyễn Thị Lệ (52 tuổi, quê ở Long An) chia sẻ “Ve chai giờ đã hiếm mà người đi nhặt, đi thu mua thì nhiều. Hiện tại một phần quán nhậu thưa khách, đóng cửa, một phần thì nhân viên, bảo vệ dồn lại bán chứ không bỏ như trước nữa…”
"Ve chai ngày càng hiếm bởi nhà hàng, quán xá các nhân viên, bảo vệ dồn lại để bán" |
“Xoay sở thế nào hả? Có biết xoay sở thế nào đâu, thì cứ đẩy xe đi. Có nhiêu nhặt nhiêu, ai bán thì mua. Nhưng mua đi bán lại thì chẳng được bao nhiêu tiền. Đã khổ, nay còn khổ hơn nhưng biết phải làm sao giờ, mong trời thương mà mau hết dịch…”
Bà cụ bán vé số trong buổi chiều luống cuống giữa cơn mưa, sắp đến giờ xổ số mà xấp vé số trên tay còn quá nhiều. Bằng giọng nói gần như van lơn khách trong quán cà phê mua giúp. Có người thương, mua cho được vài tờ.
Cụ kể, cụ ở trọ trong “xóm vé số” Hiệp Bình Chánh (Thủ Đức) cùng chồng làm nghề vá xe vỉa hè. Hai nghề trước thu nhập đã thấp nay lại càng bấp bênh khi ai cũng mải lo những nổi lo riêng trong mùa dịch. Độ giãn cách xã hội rồi dừng hoạt động bán vé số, không riêng gì cụ mà cả xóm ai cũng rơi vào bế tắc. Khó khăn lắm mới được đi bán lại để còn có đồng ra đồng vô chi tiêu hai vợ chồng. Nhưng ai bán vé số đều biết, từ khi có dịch bán được ít lắm, hình như người ta không quan tâm nữa. Chưa kể, nhiều người hình như còn lo sợ cầm vô vé số thì mình sẽ lây con covid cho họ…
Bà cụ bán vé số trong buổi chiều luống cuống giữa cơn mưa... |
Cụ ông tên Đàm Văn ngoài 80 tuổi, sống một mình không con cái ở một nhà trọ tồi tàn cạnh kênh Tân Hoá (Tân Phú) mưu sinh bằng cách xem tử vi. Trước đây khách lai rai đến xem rồi cho tiền cụ cũng đủ sống qua ngày và trả tiền nhà. Mùa dịch covid, khách không còn tìm đến cụ nữa nên cụ dọn ra vỉa hè cạnh một ngôi chùa để hành nghề nhưng cũng vắng vẻ.
“Có lẽ ai cũng khó khăn nên không ai còn nghĩ đến chuyện xem tử vi nữa. Từ khi có dịch tôi không có thu nhập được một ngàn nào đành dọn ra vỉa hè ngồi, sống nhờ tình thương người qua đường”. – Cụ chia sẻ.
Bên chiếc xe đạp là vốn luyến duy nhất, cụ Đàm Văn ngồi từ sớm đến trưa, sang chiều tối, rồi khuya lặng lẽ trở về nhà trọ tắm rửa, thay đồ, sáng sớm lại đi. Bởi, nếu về sớm, đi muộn chủ nhà sẽ phát hiện ra và hỏi tiền nhà. Cụ nợ tiền nhà đã 3 tháng rồi chưa trả. Hỏi cụ ăn uống thế nào? Cụ trả lời, cụ xin cơm trong chùa, hoặc khi có người đi qua thương cho ít tiền hay cho hộp cơm, ổ bánh mì qua bữa…
Mất hết khách xem tử vi, cụ Đàm Văn ra vỉa hè ngồi, sống nhờ lòng hảo tâm của mọi người |
Chưa bao giờ tôi phải trò chuyện và chứng kiến nhiều suy tính, lo âu, đánh vật với kinh tế đầy trăn trở đến vậy. Người ta nói “Sài Gòn dễ sống” nhưng không phải tự nhiên mà Sài Gòn lại dễ sống. Sài Gòn dễ sống bởi tình người với người những khi hoạn nạn, bởi luôn còn có những thảo thơm nơi phố xá mà người ta dành cho nhau một cách đầy trân quý.
(Bài 3: Thảo thơm phố xá!)
Trao đổi với ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở Lao Động Thương Binh Và Xã Hội TP.HCM, ông Tấn cho biết: “Đợt Covid-19 lần 1 vào tháng 4, Sở đã thực hiện theo chủ trương Chính Phủ hỗ trợ, thăm hỏi trao quà tận nơi cho nhiều hộ lao động nghèo, người bán vé số, người thu nhập thấp trong thành phố. Hiện tại, Sở đã có trình đề xuất lên Thủ Tướng Chính Phủ và đang chờ chủ trương, cân đối nguồn quỹ hỗ trợ Covid, phối hợp với Uỷ ban Mặt Trận Tổ Quốc TP.HCM chung tay giải quyết khó khăn cho các hộ cận nghèo, người lao động thu nhập dưới 3 triệu, người bán hàng rong và người bị mất thu nhập do ảnh hưởng dịch Covid lần 2.
Đợt ảnh hưởng Covid-19 lần này, ngoài tầng lớp lao động yếm thế thì thành phố còn tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp để không lâm vào phá sản, gây mất việc làm, thất nghiệp cho rất nhiều người lao động khác”.