Đi qua ngày COVID-19 – Bài 3: Thảo thơm phố xá!

(Ngày Nay) - LTS: Người ta nói “Sài Gòn dễ sống” nhưng không phải tự nhiên mà lại dễ sống, bất kỳ nơi đâu cũng vậy, cũng phải lao động và tích luỹ. Nhưng khi đứng trước những biến cố không lường trước được thì Sài Gòn vẫn dễ sống, bởi nơi đây còn rất nhiều những thảo thơm mà người ta dành cho nhau một cách đầy trân quý… 
Đi qua ngày COVID-19 – Bài 3: Thảo thơm phố xá! ảnh 1

Sài Gòn, cái gì cũng có. Có những thứ rất đắt nhưng cũng có những thứ hoàn toàn miễn phí...

Bài 3: Thảo thơm phố xá!

Những ngày Sài Gòn chậm lại, bao trăn trở áo cơm vây quanh những con người chật vật mưu sinh, Sài Gòn lại thân thương hơn với những điều tốt đẹp người ta luôn sẵn sàng sẻ chia cho nhau. Sài Gòn, cái gì cũng có. Có những thứ rất đắt nhưng cũng có những thứ hoàn toàn miễn phí. Trà đá miễn phí, đĩa cơm miễn phí, bánh mì miễn phí... Sài Gòn cũng có quần áo miễn phí, có vá xe, có sửa giày miễn phí...

Cơm miễn phí, nước miễn phí, áo quần 0 đồng

Cô Nguyễn Thị Lệ làm nghề nhặt ve (Bài 2: Vỉa hè đói ăn) chia sẻ khi hỏi về việc xoay sở thế nào với bao thứ chi phí giữa mùa Covid-19? Cô cho biết, “Có bếp ăn từ thiện trên đường Đinh Tiên Hoàng (Quận 1, TP.HCM) tôi không nhớ tên, cứ đến giờ trưa ngang qua đó xếp hàng xin cơm. Cơm ăn cũng ngon có tới mấy món và tráng miệng như ở tiệm bình dân, nước uống thì tự mình mang theo… Dành dụm được đồng nào hay đồng đó để gửi về quê vì 2 đứa con đã sắp vào năm học mới, rất nhiều chi phí phải lo”.

Nếu trước đây con đường Phan Xích Long (P.2, Phú Nhuận) sầm uất với những hàng ăn, quán xá, những công ty người người tấp nập ra vào. Những quán xá vỉa hè, những buôn thưng bán gánh cũng nương vào đó để sống. Thì mùa Covid-19, dọc đường bảng hiệu trả mặt bằng, sang quán hoặc đóng cửa im ỉm nằm san sát nhau. Vỉa hè trơ trọi.

Ấm lòng cho người ngang qua con đường này có lẽ là từ ý tưởng phát bánh mì đủ các loại nhân miễn phí cho người nghèo, người khó khăn mùa dịch của bạn chủ tiệm bánh giấu tên. Bạn chia sẻ “Cùng nhau vượt qua dịch, người Sài Gòn bao giờ cũng hào sảng, không bỏ ai lại phía sau. Tiệm bánh nhỏ của mình rất vui được góp một chút công sức trong việc gửi tặng những phần ăn sáng vui vẻ tới mọi người!".

Đi qua ngày COVID-19 – Bài 3: Thảo thơm phố xá! ảnh 2

Bánh mì miễn phí cho người Sài Gòn với thông điệp "cùng nhau vượt qua Covid-19".

Quán cà phê nhỏ của anh Hùng (40 tuổi, Bình Tân) có thùng trà đá miễn phí đặt trước quán, bên cạnh là loại ly dùng một lần để cho người lỡ đường dừng chân giải khát. Với anh, việc làm này cũng nhỏ, cũng dễ và cũng có nhiều người đã làm. Nhưng với một chú bán vé số lê đôi chân trong ngày nắng mỏi, với cụ bà cặm cụi nhặt ve chai, khát lòng mà nhiều lo toan, thì ly trà đá miễn phí cũng làm dịu đi nhiều. Bởi thế, như anh Hùng đã nói, tuy một bình trà đá rất nhỏ nhoi, nhưng mỗi lần qua một con đường, góc phố, bắt gặp một bình trà nước tinh tươm bên vệ đường, tôi luôn thầm cảm ơn những người đã tạo ra điều tốt đẹp ấy.

Tháng 4/2020, tôi và một số bạn bè có đến chùa Vĩnh Nghiêm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (P.7, Quận 3) để xem “phiên chợ 0 đồng”. Đợt ấy thành phố chủ trương giản cách, người nghèo xếp hàng theo thứ tự để được vào chùa mua đồ giá 0 đồng. Trong chùa có khu bày biện hàng hoá như siêu thị với nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ người nghèo, tất cả đều không phải trả tiền. Nơi đây còn có những bữa cơm từ thiện, dìu người khó khăn qua buổi đói lòng. Từng ánh mắt, từng nụ cười của những người được giúp đỡ đều rạng rỡ, “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” có lẽ người Sài Gòn hiểu hơn ai cả.

Đi qua ngày COVID-19 – Bài 3: Thảo thơm phố xá! ảnh 3

Chùa Vĩnh Nghiêm san sẻ nỗi lo với người nghèo bằng "phiên chợ 0 đồng" mùa Covid-19

Những thảo thơm lặng lẽ

Anh Út Bình (47 tuổi, Bình Thạnh) dựng lên một chỗ tạm vá xe ngay ngã tư Phạm Văn Đồng – Nguyễn Xí. Người quen biết anh ai cũng rõ hoàn cảnh anh không khá giả gì, thậm chí đời sống khó khăn do phải nuôi con nằm liệt vì tai nạn giao thông, nhưng điều đó không làm vơi đi tấm lòng hào sảng với những người cùng cảnh ngộ.

Tiệm sửa xe của anh mở từ chiều đến sáng hôm sau. Mùa Covid, khách khi có khi không nhưng anh Út Bình luôn sẵn lòng sửa xe miễn phí cho những khách khó khăn. Có khuya là anh xe ôm ế khách dắt xe đến vá ruột, có hôm là chị mua ve chai tuột xích ghé nhờ anh sửa. Bơm xe cho khách, ai trả vài ngàn cũng được, mà ai nói lời cảm ơn rồi đi... cũng xong.

“Sửa xe khuya mới thấy rõ ai mưu sinh trong đêm khuya đều vất vả muôn phần. Chính tôi cũng vậy, vất vả như nhau mà còn lấy tiền nhau làm gì. Khách có tiền thì tôi vẫn tính công cán đầy đủ, còn người không tiền tôi sửa miễn phí giúp họ, coi như gửi chút phước lành cho con bé nhà tôi đang bệnh”. Anh chia sẻ tâm tư về việc làm của mình.

Đi qua ngày COVID-19 – Bài 3: Thảo thơm phố xá! ảnh 4

 "Ai mưu sinh trong đêm khuya đều vất vả muôn phần..." - Anh Út Bình nói.

Có một nhân vật luôn dặn tôi đừng nhắc đến tên khi viết bài, nhưng vẫn cần có một danh xưng, tôi gọi là cô T. (58 tuổi, Quận 2, TP.HCM). Cô T. không tham gia các hội nhóm từ thiện mà cô tự dùng tiền lương hưu tích cóp nhiều năm qua của mình, mỗi tháng cô sai con mua gạo và các nhu yếu phẩm khác rồi phân thành từng phần tươm tất để trước hiên nhà cho người bán vé số, người nghèo hay người thiếu thốn ngang qua lấy. Cô T. rất ít khi xuất hiện vì sợ người xin thấy, họ ngại. Cô đề dòng chữ nhỏ ghi chú bên cạnh những phần quà “Ai cần xin cứ lấy”.

Đi qua ngày COVID-19 – Bài 3: Thảo thơm phố xá! ảnh 5

Tấm lòng của một nhà giáo về hưu với người khốn khó

Là dân Sài Gòn “chính hiệu”, chứng kiến bao đổi thay của thành phố này, tươi mới cũng từng, khó khăn cũng từng nhưng nếu được sắp xếp những sự kiện ảnh hưởng đời sống kinh tế người dân nhất, tôi chọn trận dịch Covid-19. Trước hiên nhà tôi, từng mảnh đời khó khăn đi qua lấy một phần gạo, từng mảnh đời khốn khổ đi lại lấy một phần tương… chỉ là con đường nhỏ, mái hiên nhỏ này thôi, nếu mở rộng ra cả thành phố thì biết là đời sống chật vật, bế tắc thế nào cho những người nghèo. Mình có điều kiện hơn, chia sẻ một chút, không có gì đáng kể để được nhắc đến tên. – Cô T. nói lên suy nghĩ.

Những công nhân phụ công trình ở QL.13 (Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức) sẽ luôn nhớ đến hành động thơm thảo của mẹ con em Lệ Thu bởi những điều mà mẹ con em dành cho những người lao động chân tay nơi này.

Từ sáng sớm, mẹ của Thu (61 tuổi) dậy sớm nấu trà, Thu sẽ phụ mẹ pha loãng làm 2,3 bình đặt trước hiên nhà kề bên công trình cho các chú, cô phụ hồ, nhân công uống. Và đương nhiên, hoàn toàn miễn phí.

Không chỉ trà, mỗi lần đi chợ nấu ăn cho gia đình, mẹ con Thu đều mua nhiều thực phẩm, mì gói dự trữ và mâm cơm luôn nấu đầy hoặc dư ra để đến giờ cơm, khi các công nhân sang hiên nhà mình trú nắng, ăn trưa đều có thể ăn chung miếng thịt, con cá, húp chung bát canh mà không phải tốn tiền mua.

Thu chia sẻ “Có buổi trưa nọ, nhìn các chú, các anh ghé hiên nhà em ăn trưa, cơm hộp người ta bán 25 ngàn mà chẳng có gì ngon, hạt cơm khô khan nên mẹ em thấy chạnh lòng vì hồi xưa ba mẹ cũng đi làm cực khổ như vậy. Mẹ nói, giúp nhau thiết thực nhất là giúp miếng ăn, miếng uống. Mẹ con em làm việc này từ hồi tháng 3, là cao điểm dịch Covid-19 cho đến bây giờ”.

Đi qua ngày COVID-19 – Bài 3: Thảo thơm phố xá! ảnh 6

"Giúp nhau thiết thực nhất chính là giúp miếng ăn, miếng uống!"

Làm việc ở công trình xây dựng, T. Ngọc (21 tuổi) học hết lớp 10 thì rời quê Bình Thuận vào Sài Gòn làm thợ phụ rồi dần lên thợ chính. Dịch Covid kèm theo những khó khăn, nơi làm việc của Ngọc cũng mấy lần cho nghỉ bớt người, lương phát chậm, 2 tháng nợ lại 1 tháng, đời sống ai cũng bấp bênh.

“Chỗ em cũng vừa nghỉ trốn dịch Covid xong, mới được đi làm lại gần đây thôi. Hồi thất nghiệp, không có tiền ăn, em và một số anh em toàn nương nhờ bữa cơm nhà mẹ con chị Thu. Nếu không thì chỉ mì gói cứu đói qua những ngày thất nghiệp…”.

Và còn rất nhiều tấm lòng trong cơn bão dịch người ta luôn sẵn sàng chia sẻ cho nhau, khi là thùng mì gói, khi là con cá, khi nhúm rau... Có khi chỉ là một lần dừng chân ghé lại bên chân cầu một hôm mưa gió, mua giúp ông cụ một tờ vé số ướt nhèm. Nên phố xá những ngày dịch dã có chậm lại thì những tấm lòng thảo thơm cũng góp một phần doa dịu những mảng đời.

Đi qua ngày COVID-19 – Bài 3: Thảo thơm phố xá! ảnh 7

Phố xá những ngày dịch dã có chậm lại thì những tấm lòng thảo thơm cũng góp một phần doa dịu những mảng đời. Ảnh: Cương Trần.

Thay lời kết!

Đi qua ngày COVID-19... Thấy một mảng đời sống khác lẫn khuất giữa chốn phố xá xa hoa, những vất vả, đánh vật với miếng ăn, chốn ở khắc khoải đến nhường nào. Đi qua ngày COVID-19... Thấy bao tầng lớp, bao thân phận yếm thế, xưa vốn khó khăn nay chống chọi với 2 trận dịch lịch sử càng trở nên khốn cùng...

Giữa những lao đao ấy, họ vẫn cố gắng bươn chải, vẫn hy vọng vào một ngày mai sẽ tươi sáng hơn. Bởi, còn đó phố xá hữu tình, người với người vỗ về nhau trong cơn hoạn nạn là động lực cho những thân phận, những mảng đời, những góc khuất bước tiếp, đi qua những ngày COVID-19 nhiều lo toan.

Bình luận
Sở Văn hóa thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An phối hợp với các chuyên gia đến từ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Viện Trần Nhân Tông tiến hành công tác rập thác bản văn bia Ma Nhai. Ảnh: TTXVN.
Độc đáo bài văn bia được khắc trên núi đá từ 700 năm trước
(Ngày Nay) - Bia Ma Nhai là một chứng tích lịch sử duy nhất còn lại trên mảnh đất Con Cuông, Nghệ An được khắc vào núi đá, có niên đại cách ngày nay gần 700 năm (1335). Năm 2011, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận bia Ma Nhai là Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Một bộ phim kiệm lời về thời chiến
Một bộ phim kiệm lời về thời chiến
(Ngày Nay) - Trong đêm khuya, sau suất chiếu đầu tiên của “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” tại Hà Nội, đồng nghiệp nhắn hỏi: “Phim có hay không?”. Tôi đáp: “Em nghĩ bộ phim sẽ thay đổi cách chúng ta xem chiến tranh. Một tác phẩm kiệm lời về thời chiến”.
Linh hoạt thích ứng với chính sách thuế mới của Mỹ
Linh hoạt thích ứng với chính sách thuế mới của Mỹ
(Ngày Nay) - Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ; trong đó, Việt Nam là một trong những quốc gia bị đánh thuế đối ứng ở mức 46% đối với nhiều nhóm mặt hàng xuất khẩu quan trọng.
Cấy ghép não giúp biến suy nghĩ thành giọng nói
Cấy ghép não giúp biến suy nghĩ thành giọng nói
(Ngày Nay) - Một nhóm nhà khoa học tại California (Mỹ) vừa công bố kết quả đột phá trong lĩnh vực giao tiếp thần kinh: Một thiết bị cấy ghép não có thể giải mã suy nghĩ và chuyển đổi thành lời nói gần như tức thì.