Đi qua ngày COVID-19 – Bài 1: Phấn son thất nghiệp

(Ngày Nay) - LTS: Nơi làm việc đóng cửa tránh dịch, thất nghiệp, không thu nhập, đói ăn, nợ tiền nhà… là hiện trạng chung của một số bộ phận lao động đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Mỗi người mỗi kiểu, muôn cách gắng gượng chờ ngày dịch đi qua.
Quán bar, karaoke… đóng cửa, những PG, phục vụ rơi vào thất nghiệp vì không biết phải làm gì...
Quán bar, karaoke… đóng cửa, những PG, phục vụ rơi vào thất nghiệp vì không biết phải làm gì...

Bài 1: Phấn son thất nghiệp

Mới hôm qua còn má phấn môi son, còn quần là áo lụa dưới sắc đèn màu mà hôm nay đã rơi vào cảnh thất nghiệp. Nhiều thân phận thức dậy không biết sẽ làm gì cho hết ngày, trang điểm lên cũng không biết phải đi đâu, làm gì…, quẩn quanh với miếng ăn, chốn ở, với trăm thứ chi phí... Đó là hiện trạng chung của những PG, phục vụ làm việc tại các tụ điểm bar, vũ trường, karaoke phải đóng cửa mùa COVID-19…

PG, phục vụ... muôn cách tồn tại qua mùa COVID-19

Thanh Nhàn (27 tuổi) đang soạn lại tủ áo quần đồ sộ trong tủ ra để chụp hình đăng lên facebook thanh lý. Em nói “khổ quá, em thất nghiệp theo thời vụ. Dịch tới nghỉ, dịch đi lại làm, giờ dịch tới nghỉ tiếp. Phải thanh lý áo quần mà sống thôi”.

Những váy, đầm đủ kiểu, đủ màu được Nhàn nâng niu ủi lại thẳng thớm. Tôi hỏi em “không mặc vào làm mẫu cho khách dễ hình dung sao?” Em cười, mở điện thoại ra khoe “chị xem, bộ nào ở đây mà em chưa từng mặc, chưa từng chụp ở bar!”.

Lướt qua album ảnh Thanh Nhàn lưu là rất nhiều ảnh của em tự chụp tại nơi làm việc – quán bar X. Có ảnh mặc đầm trắng dịu dàng, có ảnh váy da bó sát, có ảnh cúp ngực gợi cảm, mắt mi kẻ đậm dưới ánh đèn màu. Những bức ảnh xen lẫn khách phía sau, phía trước… mà ai xem cũng hình dung được một thế giới sôi động về đêm, nơi làm việc, mưu sinh rất khác.

“Trước đây một tuần em làm ở nhiều bar, cũng có thu nhập ổn, có đêm trừ hết các phí em còn dư được 1-2 triệu, có đêm hơn. Mỗi tháng kiếm được mấy chục triệu em mới có tiền mua sắm áo quần nhiều vậy, rồi gửi về quê phụ cha mẹ. Nhưng từ khi nơi làm đóng cửa, em cũng hết có thu nhập, thanh lý áo quần mấy đợt rồi, thanh lý hết mà chưa xóa sổ COVID-19 thì em không biết bán gì để sống tiếp!”. Thanh Nhàn cười, nửa đùa nửa thật.

Đi qua ngày COVID-19 – Bài 1: Phấn son thất nghiệp ảnh 1

"Thanh lý hết áo quần mà chưa hết covid thì em không biết bán gì để sống tiếp nữa!”. Thanh Nhàn nói

Hạnh Nhung (25 tuổi, quê ở Đồng Tháp) cho tôi xem một túi vải lớn có in logo một hãng thuốc lá, bên trong là vô số thuốc lẻ, thuốc còn nguyên cây chưa bóc, hộp quẹt và quà tặng kèm theo. Nhung hồn nhiên chia sẻ. “Không thay đổi gì mấy, nếu ngày xưa khi làm phục vụ ở bar, bình minh của em là lúc 4 giờ chiều, thức dậy vệ sinh cá nhân, ăn uống, trang điểm rồi đi làm cho đến 4 giờ sáng hôm sau về ngủ, thì bây giờ, em làm tiếp thị thuốc lá ở các quán nhậu, mà quán nhậu thì mở sớm đóng muộn, có quán mở thâu đêm, em lê lết hết con đường, vỉa hè có các quán nhậu để mời mua thuốc, có khách mua khách không, khách mời rượu, khách hỏi thăm đủ kiểu bông đùa… thiệt ra cũng cực mà từ hồi đợt dịch trước, quán bar, vũ trường, karaoke đóng cửa, em và một số bạn đã làm nhiều việc tương tự nên quen rồi. Phải có tiền mà trang trải sống tiếp chứ, còn việc là còn may”.

Đi qua ngày COVID-19 – Bài 1: Phấn son thất nghiệp ảnh 2

 Thất nghiệp, Hạnh Nhung chọn công việc tiếp thị thuốc lá ngoại để trang trải qua ngày

Phấn son không biết làm gì

Hạnh Nhung nói “còn việc là còn may” quả thật rất đúng, chí ít với nghề mưu sinh dưới ánh đèn màu. Như với cô gái có nickname MyMy (28 tuổi) là quản lý PG và các nữ phục vụ tại một số điểm vui chơi ở TP.HCM. MyMy thuê một căn nhà có 2 phòng trên đường Huỳnh Văn Bánh (P.12, Phú Nhuận) cho mọi người cùng ở. Mỗi tháng cô trả tiền nhà, tiền ăn ở, sinh hoạt điện nước, rồi phát lương cho các PG làm việc theo sự điều phối của mình. Không chỉ ở các quán bar, vũ trường, karaoke mà còn có các nhân viên phục vụ nhà hàng, các PG cho chương trình, sự kiện khi có nơi cần thuê.

Từ đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, rồi các chỉ thị dừng vui chơi, cấm tụ tập đông người, rồi đến chỉ thị giãn cách. Các cô gái trong “ngôi nhà chung” thất nghiệp bởi không nhận được “show”. Mình MyMy phải gồng hết các khoảng chi phí. Tiền tiết kiệm mang ra xài dần đến hết, nợ chủ nhà trọ 2 tháng tiền nhà đồng nghĩa với việc thường xuyên chứng kiến khuôn mặt khó chịu, những lời nói xỏ xiên, những câu nói khiến người nghe không khỏi tủi thân.

“Thuê nhà bao nhiêu năm, tháng nào cũng đóng tiền đủ, lúc vui có gì cũng mang cho nên người ta cũng thương. Ngặt nỗi ai cũng phải sống, mình nợ tiền người ta không có trả phải để người ta nói dăm ba câu khó nghe cho bớt bực bội. Có điều buồn nhất là có lần nghe chủ nhà mắng “Ai cũng đẹp, ai cũng ăn diện lộng lẫy mà nợ tiền dai quá không trả, tiền phấn son trang điểm thôi cũng đủ trả tiền nhà mấy tháng cho tui rồi”.” MyMy ngậm ngùi kể.

Đi qua ngày COVID-19 – Bài 1: Phấn son thất nghiệp ảnh 3

Ở "ngôi nhà chung" các PG tìm niềm vui bằng cách trang điểm đẹp như đi làm rồi chụp ảnh để giết thời gian

Trong “ngôi nhà chung” của MyMy có bạn nữ tên Thuỷ Tiên, là mẹ đơn thân. Thuỷ Tiên năm nay mới 22 tuổi, làm PG ở các quán bar tại TP.HCM hơn 4 năm. Thuỷ Tiên có thai ngoài ý muốn với bạn trai. Không có một đám cưới nào cho cô gái trẻ làm nghề son phấn giúp vui. Bạn trai không nhận con, Thuỷ Tiên lủi thủi một mình về quê sinh con, gửi mẹ chăm sóc rồi quay lại với nghề cũ, hàng tháng gửi tiền về nuôi con.

“Trước đây công việc trôi chảy, em làm cũng có tiền khách cho nhiều, đủ trang trải và nuôi sữa cho con. Nhưng giờ đã không gửi tiền về quê được mà em còn nhờ mẹ mượn tiền ở quê gửi lên sống tạm qua ngày. Hôm rồi em còn bị lừa đi bán hàng đa cấp. Người ta nói vô đứng bán đồng hồ nên em mới đóng gần 2 triệu phí đào tạo, phát thẻ, đặt cọc... Xong em mới biết là bị lừa, người ta đưa cho em một chiếc đồng hồ lạ hoắc, nói em đi tìm thêm người vào mua như em, có người mua thì em sẽ được chia phần trăm. Nghe mấy chị từng bị như mình nói em bị lừa rồi em mới nhận ra, tìm họ đòi lại tiền không được. Hôm trước đói quá mới cầm chiếc đồng hồ ra tiệm bán, người ta nói chiếc đồng hồ này loại dỏm nên không thâu lại, giá trôi nổi của nó chưa đến 300 ngàn đồng em đành đem về đeo luôn”.

Thanh Hằng (25 tuổi, ngụ Gò Vấp, TP.HCM) lại là một trường hợp khác bị thất nghiệp do nơi làm việc đóng cửa trách dịch covid. Mẹ mất sớm, Thanh Hằng là chị cả, cha mắc bệnh xương khớp không làm được việc nặng, dưới Hằng còn 2 em sắp vào năm học mới. Mình Hằng phải vừa làm ở quán bar buổi tối, ban ngày phụ gia đình bán xe nước mía vỉa hè. Từ độ thất nghiệp, cả nhà trông chờ vào xe nước mía là nguồn thu nhập chính.

“Em nghe mọi người lấy mỹ phẩm về livestream bán nhưng không có khách mấy ngoài người quen ủng hộ, nên em đã nghỉ. Giờ chỉ phụ ba bán nước mía chờ ngày đi làm lại. Đây là lần thứ 2 em thất nghiệp, lần 1 còn tệ hơn, cả xe nước mía cũng phải dẹp, em phải vay mượn khắp để lo liệu việc gia đình. Vừa được bình thường lại chưa bao lâu thì tới lần này…”

“Bữa trước, có bạn giới thiệu cho em “đi du lịch” xa với một người quen có trả tiền cũng nhiều nhưng em nghĩ mãi rồi không đi. Làm nghề này cũng như bao nghề lao động mưu sinh khác nhưng lại mắc cái nhìn kỳ thị thậm chí khinh rẻ của một số người. Thôi thì mình làm mình hay, mình giữ cũng cho mình, cho gia đình mình và các em mình nữa. Đợi qua dịch tính tiếp vậy”.

Đi qua ngày COVID-19 – Bài 1: Phấn son thất nghiệp ảnh 4

Vắng khách, xe nước mía của nhà Hằng vừa bán cầm chừng vừa treo bảng "Bán xe"

Những góc khuất khác

Không chỉ má phấn môi son mới bị ảnh hưởng công việc và thu nhập trong giai đoạn này. Các nam quản lý, nhân viên phục vụ tại các tụ điểm vui chơi cũng rơi vào cảnh dở khóc dở cười.

Thành Luân (38 tuổi, Tổng Quản lý bar X.Club Sài Gòn) chuyển sang bán hải sản online từ mối một người quen.  Rời bỏ hình ảnh áo vest thanh lịch hàng đêm, rời bỏ đèn màu, rượu mạnh, tiếng cười xa hoa Thành Luân hàng ngày đăng tải những hàng hoá hải sản có sẵn lên facebook cá nhân, chờ người đặt hàng rồi đi giao. Anh chia sẻ, xa bao nhiêu cũng giao, 1, 2 khách mua cũng giao, mua ít mua nhiều gì cũng giao… bởi không làm thì không biết làm gì nữa. “Bao giờ mới hết dịch đây, bao giờ mới được trở lại công việc bình thường? Bao giờ đây…!”

Ngặt nghèo hơn là trường hợp Hoàng Huy (34 tuổi) cùng vợ tên Thanh (30 tuổi) đều là nhân viên phục vụ một quán bar tại Gò Vấp (TP.HCM). Đợt giãn cách xã hội lần 1 (4/2020) cả hai vợ chồng thất nghiệp, mình Huy phải chạy thêm xe ôm công nghệ để trang trải, nhưng phải đợt giãn cách cả ngày có khi không chạy được cuốc xe nào. Vợ chồng anh phải “bốc bát họ” (một hình thức vay tín dụng đen với lãi suất rất cao - PV) 10 triệu đồng nhưng nhận được 8,1 triệu. Với 8,1 triệu đồng vợ chồng Huy chắt chiu chi tiêu được gần 1 tháng thì hết, lại phải đến hạn trả nên phải xoay đằng này đắp đằng kia, vay của người thân, mượn của bạn bè, nợ nần lên đến mấy chục triệu, hai vợ chồng sáng mở mắt phải đối diện với nợ đòi, tối nhắm mắt phải nghĩ cách trả nợ. Ai giới thiệu việc gì cũng làm, chật vật đi qua hết đợt giãn cách cùng với nợ nần. Vừa đi làm lại, đang lo trả nợ thì chỗ làm tiếp tục đóng cửa tránh dịch Covid lần 2.

“Mất việc, không lo nỗi miếng ăn cho gia đình là hiện trạng thật của mình và nhiều đồng nghiệp khác hiện tại”. Hoàng Huy kết lại câu chuyện của mình bằng cái thở dài chán nản.

Với Lâm lại là một trường hợp khác, cuộc sống nhiều biến chuyển tiêu cực khi dịch Covid tràn về. Quán bar đóng cửa, nguồn thu nhập chính là quản lý, tiếp thị khách ở bar tạm ngưng. Thất nghiệp, không có thu nhập, thời gian rảnh rỗi quá nhiều lại có thói quen tụ tập bè bạn nên những ngày phải ở nhà tránh dịch Lâm sa chân vào cá cược và tệ nạn khác.

Giữa tháng 7/2020, Lâm cùng một số thanh niên khác bị bắt khi đang bay lắc tại một tụ điểm mở chui. Khi bị cơ quan chức năng bắt giữ, trên người Lâm còn phát hiện tang vật là 2 viên thuốc lắc… Hiện tại, Lâm đang đối diện với mức phạt cho hành vi sử dụng và tàng trữ chất ma tuý.

Gia cảnh không khá giả, bạn gái Lâm phải chạy ngược xuôi vay mượn mong có tiền đóng phạt cho bạn trai nhưng dường như bế tắc. Bởi ai cũng biết trong trận đại dịch này, mỗi người có mỗi khó khăn riêng…

*Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi

(Bài 2: Vỉa hè đói ăn)

Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?