Để củng cố tư tưởng này, một số thanh niên châu Phi quyết định thể hiện sức mạnh của thể thao trước ống kính: một số biểu diễn các kỹ năng điêu luyện của mình, chẳng hạn như tung hứng bóng đá, tập Taekwondo hoặc đấm bốc. Tương tự như vậy, những người khác đang tận dụng những gì sẵn có để tạo ra các cơ sở thể thao đơn giản. Số khác nữa thì thể hiện các kỹ thuật chỉnh sửa video, thực hiện tương tác ảo với bạn bè trong khi chơi thể thao.
Những thanh niên này đã tham gia Chương trình Thử thách thể thao trực tuyến trong bối cảnh COVID-19, được tổ chức bởi Văn phòng khu vực của UNESCO tại Abuja và Nairobi, phối hợp với Mạng lưới Thanh niên liên Phi vì văn hóa Hòa bình (PAYNCoP) và Cơ chế Giám sát Đồng đẳng châu Phi (APRM) của Liên minh châu Phi.
Thử thách này kêu gọi thanh niên châu Phi trong độ tuổi từ 15 đến 35 tự làm video thể hiện kỹ năng và sự sáng tạo đổi mới của mình, tham gia vào bất kỳ hoạt động thể thao tự chọn nào, như một đóng góp để tăng cường sức khỏe và khả năng phục hồi của họ trong thời gian giãn cách. Sau đó, đăng video trực tuyến cho một chiến dịch truyền thông xã hội.
Hơn 130 bài dự thi đủ điều kiện được gửi đến từ tất cả các khu vực của lục địa châu Phi. Ông Ikwelle Johnpaul Ekene, Chủ tịch PAYNCoP cho biết: “Chúng tôi rất hào hứng khi xem các bài dự thi của những người trẻ tuổi trên khắp châu lục. Một số video khiến người xem cảm thấy xúc động, đặc biệt là từ những người khuyết tật.
Thông điệp chúng tôi mong muốn truyền tải qua chương trình là mong muốn nâng cao tâm trạng của những người trẻ tuổi trong cộng đồng, khi cuộc chiến chống lại virus vẫn rất căng thẳng. Thật thú vị khi thấy một điều gì đó bắt đầu rất nhỏ bé, lại có sức lan tỏa và phát triển lớn như vậy. Thông điệp đó đã tiếp cận hàng trăm người trẻ tuổi”.
Sau đó, một hội thảo trực tuyến với chủ đề “Khai thác sức mạnh thể thao trong thời kỳ khủng hoảng: Thu hút thanh niên châu Phi trong cuộc chiến chống lại COVID-19 và hơn thế nữa” được tổ chức với khoảng 150 người tham dự và hơn 1.800 lượt xem phát trực tiếp trên Facebook.
Ngoài việc công bố các bài dự thi đoạt giải, hội thảo trực tuyến này còn có một mục tiêu quan trọng khác là “tạo sự nhận thức rõ ràng hơn cho giới trẻ về các giá trị tiềm năng của thể thao trong thời kỳ đại dịch, ví dụ như ảnh hưởng tích cực của thể thao đối với hành vi, tâm trí, thái độ và tầm quan trọng của thể thao trong việc ngăn chặn các hành vi chống đối xã hội và nguy cơ khác”.
Thể thao cải thiện cuộc sống của con người theo những cách độc đáo: Ngoài việc đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần, thể thao còn là cầu nối để con người hiểu biết lẫn nhau hơn thông qua việc thúc đẩy các giá trị xã hội như khoan dung, công bằng, làm việc theo nhóm và tôn trọng lẫn nhau, dẫn đến sự gắn kết xã hội và hòa bình bền vững.
Trong bài phát biểu khai mạc, bà Ann Therese Ndong Jatta, Giám đốc Văn phòng UNESCO khu vực Đông Phi đã lấy mình làm ví dụ: “Thể thao sẽ là một lĩnh vực mà những người trẻ tham gia để học cách tự kỷ luật và đó là điều kiện tiên quyết để trở thành những nhà lãnh đạo của tương lai…
Tôi tự hào nói điều này bởi vì phần lớn những gì tôi làm được trong đời, tôi nghĩ đều đến từ việc tham gia thể thao. Là một người trẻ, tham gia các hoạt động thể thao về bản chất là nhằm gửi những thông điệp rất mạnh mẽ về cách xây dựng đội nhóm, kỷ luật, tôn trọng và quan trọng hơn là cách truyền tải thông điệp đúng đắn”.
Người thứ tư đoạt giải trong thử thách này, anh Mbah Dieudonne Fon (Cameroon), một người khuyết tật, đã hào hứng đăng trên mạng xã hội của mình sau khi biết rằng anh đã giành được giải thưởng, “Từ bây giờ, tôi sẽ không bao giờ thất bại trong bất cứ điều gì. Tôi đã khám phá ra bí mật - Sự chăm chỉ + sự may mắn = Thành công!”.
Ông Ikwelle Johnpaul Ekene, Chủ tịch PAYNCoP chia sẻ: “Chúng tôi tin rằng thể thao, như một động cơ mạnh mẽ cho sự bình đẳng, đoàn kết và hòa nhập, đặc biệt là đối với những đối tượng chịu thiệt thòi và dễ bị tổn thương nhất trong các cộng đồng, là nền tảng để xây dựng các xã hội lành mạnh và hòa bình...
Ở đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng y tế, mọi người bị kẹt ở nhà và tâm trạng của cả cộng đồng dường như đều chùng xuống. Chúng tôi muốn sử dụng thể thao để nâng cao tinh thần của người dân và kỷ niệm Ngày Quốc tế Thể thao vì Hòa bình và Phát triển năm 2020 (ngày 6 tháng 4) đồng thời quan sát các biện pháp ngăn chặn COVID-19.
Chúng tôi muốn tạo ra một hoạt động sáng tạo, năng động và khác biệt, không theo quy chuẩn của việc tổ chức các sự kiện lớn”.