Đây là những thông tin được đưa ra tại hội thảo “xu hướng mới và cơ hội đầu tư bất động sản nửa cuối 2019” do CafeLand tổ chức sáng nay, 15/5.
Tham gia hội thảo, các chuyên gia kinh tế, tài chính và đại diện từ các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản đã bàn luận sôi nổi về pháp lý condotel, diễn biến thị trường và cơ hội mới dành cho nhà đầu tư.
Condotel trầm lắng vì vướng mắc pháp lý
Tại hội thảo, các chuyên gia và đại diện các doanh nghiệp, các nhà phát triển bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đều xác nhận giao dịch các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng bao gồm Condotel và biệt thự, liền kề đều trầm lắng trong 6 tháng đầu năm. Chỉ có duy nhất đất nền tiếp tục sôi động.
Trong đó, giao dịch Condotel trầm lắng hơn cả.
Theo thống kê chưa đầy đủ, trong năm 2018 có hơn 8.000 căn hộ condotel đủ điều kiện mở bán tại khoảng 12 địa phương, chủ yếu là các địa phương có cơ hội đầu tư du lịch nhiều như là Đà Nẵng, Khánh Hoà, Bà Rịa Vũng Tàu, Kiên Giang, Phan Thiết, Quảng Ninh, đặc biệt là Quảng Ninh chiếm đến 19%, Đà Nẵng 14%, Khánh Hoà hơn 26%.
Lượng giao dịch năm 2018 khá sôi động với hơn 7.800 căn hộ được giao dịch, tỉ lệ hấp thụ hơn 92%. Tuy nhiên, tới quý 1/2019, tỉ lệ này giảm rõ rệt nhất là thị trường từ Đà Nẵng đổ ra phía Bắc. Thị trường ghi nhận, 6 tháng vừa qua số lượng condotel mở bán ở các thị trường phía Nam nhiều hơn phía Bắc, các tỉnh phía Nam đặc biệt là từ Đà Nẵng đổ vào lượng giao dịch nhiều hơn. Nhiều thông tin tỏ ra e ngại cung vượt quá cầu và phân khúc này có thể rơi vào đóng băng. Nhất là mới đây Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra chính sách hạn chế hơn nguồn tín dụng cho thị trường bất động sản. Khung pháp luật đối với các bất động sản đa công năng nói chung và condotel nói riêng vẫn chưa hoàn thiện, đang tạo ra nhiều rủi ro pháp lý.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng tình trạng Condotel giảm giao dịch chỉ là ngắn hạn bởi nếu so sánh tổng các bất động sản du lịch tại Việt Nam so với một số nước mạnh về du lịch ở Đông Nam Á như Thái Lan, thì số lượng của Việt Nam vẫn còn thấp. Trong khi đó, tăng trưởng du lịch của Việt Nam vẫn đang ở mức 30% trên năm, thuộc nhóm đứng đầu thế giới.
“Tôi cho rằng, trên tầm nhìn dài hạn thì cung về condotel ở Việt Nam chưa thể vượt cầu. Tình trạng giảm giao dịch condotel hiện nay chỉ mang tính địa phương và tức thời. Có thể lý do chính làm giảm giao dịch lại chính là những nhược điểm về chính sách, pháp luật”, giáo sư Đặng Hùng Võ nhận định.
Các chuyên gia thảo luận tại hội thảo “xu hướng mới và cơ hội đầu tư bất động sản nửa cuối 2019” |
Đồng quan điểm này, ông Dương Đức Hiển, giám Đốc Bộ Phận Kinh Doanh Nhà Ở, Savills Miền Bắc & Miền Trung cho biết: Chúng tôi cũng đánh gía trong 6 tháng đầu năm nay,tình hình bất động sản nghỉ dưỡng tương đối trầm lắng. Cụ thể, chưa có quá nhiều các dự án mở bán thay vào đó từ đầu năm đến nay các nha đầu tư có xu hướng tìm đến các dự án đất nền, nhà phố tại các thành phố lớn. Cũng các thị trường đất nền thuộc các đô thị vệ tinh, lân cận thành phố lớn nổi lên.
Ông Hiển cũng cho rằng thuận lợi trong bất động sản du lịch của những tháng còn lại trong năm 2019 có nhiều nhưng thị trường đang đối mặt với nhiều khó khăn nhất là vướng mắc về pháp lý chp Condotel và nguồn vốn đầu tư, tín dụng bị hạn chế. “Bất động sản bất động sản du lịch với 1 số sản phẩm như condotel, biệt thự nghỉ dưỡng vẫn là những điểm chắc chắn thu hút và vẫn còn nhiều tiềm năng nhưng sẽ xuất hiện xu hướng đầu tư an toàn và cẩn thận hơn. Địa điểm phát triển BĐS du lịch nghỉ dưỡng sẽ phong phú hơn đặc biệt ở các tỉnh có nhiều tiềm năng”, ông Hiển nói
Giáo sư Đặng Hùng Võ cũng khẳng định: “tăng trưởng du lịch của Việt Nam vẫn đang ở mức 30%/năm, thuộc nhóm đứng đầu thế giới. Do đó, trong tầm nhìn dài hạn thì nguồn cung của condotel ở Việt Nam chưa thể vượt cầu”.
Dòng tiền đầu tư bất động sản chuyển hướng tới các địa điểm mới
Đánh giá về triển vọng các khu vực có thể phát triển bất động sản nghỉ dưỡng trong giai đoạn tới ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục Trưởng Cục Quản Lý Nhà Và Thị Trường Bất Động Sản, Bộ Xây Dựng cho rằng trong ngắn hạn thì bất động sản biển vẫn là điểm đáng lưu tâm, tiềm năng thì các tỉnh mới có nhiều tiềm năng, đặc biệt từ Đà Nẵng trở vào. Các tỉnh này đang có quỹ đất và đang tiến hành kêu gọi đầu tư, như Bình Định, Phú Yên,.. đều có sân bay.
Bà Nguyễn Thị Thùy Dương, giám đốc Cấp cao Truyền Thông và Hỗ trợ Cộng đồng Tập đoàn Novaland cho biết theo quan điểm và nghiên cứu thị trường của đơn vị này thì Phan Thiết, Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục có nhiều tiềm năng. “Ở những nơi phát triển du lịch thì hạ tầng giao thông phải phát triển đồng bộ. Như tại Phan Thiết, hiện nay hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư và đang hoàn thiện với kế hoạch với sân bay quốc tế sẽ đưa vào vận hành năm 2022, kết nối cao tốc khi hoàn thành thì rút ngắn thời gian di chuyển từ TP.HCM đi Phan Thiết chỉ có 1h45 phút, đường thủy đã có rồi, sắp tới còn có đường sắt cao tốc thì sẽ rút ngắn được thời gian nhanh hơn nữa”, bà Dương nói.
Còn theo GS. Đặng Hùng Võ thì “khu vực nào trở thành điểm nóng phụ thuộc vào việc chúng ta sửa luật. nếu luật đất đai sửa loại hình này chỉ 50 năm thì thị trường sẽ chựng lại ngay. Về khu vực, chúng ta quen thuộc với những điểm nóng của thị trường như Đà Nẵng, Nha Trang là các điểm nóng nhưng các thị trường này sẽ bão hòa. Thời gian tới thị trường sẽ chuyển đến các địa điểm khác như Quy Nhơn, Tuy Hòa, Phú Yên sẽ trở thành địa bàn có tốc độ phát triển nhanh hơn. Vì hiện nay Phú Yên được coi như đang ngủ yên và dù tiềm năng nơi đây không kém gì ở Nha Trang. Bên cạnh đó tôi cũng thấy một số điểm có tiềm năng sẽ có tốc độ phát triển nhanh hơn như Phan Rang, Phan Thiết.”
Các nhà đầu tư BĐS nghỉ dưỡng có xu hướng chuyển hướng đầu tư tới các địa điểm mới như Quy Nhơn, Phú Yên... |
Không chỉ xuất hiện những điểm đầu tư mới, ông Dương Đức Hiển, giám Đốc Bộ Phận Kinh Doanh Nhà Ở, Savills Miền Bắc & Miền Trung cho rằng trong thời gian tới, khi các nhà đầu tư hiểu rõ hơn về các phân khúc thì sẽ phân loại ra được các tệp khách hành khác nhau.
Thực tế, phát triển bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng theo phân khúc còn khá mới mẻ ở Việt Nam nhưng các nước tron khu vực đã khai thác từ khá lâu như Singapore phát triển rất mạnh phân khúc du lịch mua sắm với những con phố thương mại sầm uất, gần đây Malaysia cũng đang thu hút khách du lịch về mua sắm với nhiều khu trung tâm thương mại hàng chục ha. Xu hướng ở các nước kế cận còn phát triển bất động sản hưu trí với chính sách thu hút nhà đầu tư sau khi nghỉ hưu có thể được cấp visa thường trú, không được phép kinh doanh gì nhưng được phép đầu tư ở và sinh hoạt, có thời hạn 3 hay 5 năm gia hạn một lần.
“Với Việt Nam còn quá nhiều phân khúc mà chúng ta chưa khai thác hết được, điển hình như du lịch sân golf, cần được các chủ đầu tư có định hướng để phát triển. Bất động sản không chỉ phát triển riêng về du lịch đơn thuần, tất cả các khu vực phát triển nghỉ dưỡng thì có thể phát triển được nhiều loại hình khác”, ông Hiển nói.