Các cường quốc ngày nay – Trung Quốc, châu Âu, Nga và Mỹ – chắc chắn sẽ có vai trò trong cuộc xung đột giữa Israel và Hamas. Nhưng liệu bất kỳ quyền lực nào trong số này có thể giải quyết hoặc kiềm chế xung đột đó hay không thì vẫn còn là câu hỏi để ngỏ.
Quan niệm cho rằng cạnh tranh giữa các cường quốc quyết định địa chính trị đã trở nên phổ biến sau khi nó rơi vào quên lãng khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Tuy nhiên, những giả định bất thành văn thời Chiến tranh Lạnh vẫn phủ bóng lên nhiều tuyên bố đương thời về bản chất của cuộc cạnh tranh này.
Các nhà phân tích cho rằng các cường quốc sẽ huy động nguồn lực to lớn để định hình trật tự quốc tế. Những gì họ làm sẽ định hình các vấn đề toàn cầu. Sử dụng sức mạnh tài chính và quân sự của mình cho các cuộc chiến ủy nhiệm, họ sẽ tiếp tục tập trung cao độ vào nhau. Bất cứ một nước có động thái, những nước khác sẽ không chậm trễ hành động.
Đối với cả bốn cường quốc hiện nay, cảm giác rằng cuộc cạnh tranh này định hướng cho họ đã trở thành nền tảng, tích hợp các nỗ lực quân sự, kinh tế, công nghệ và ngoại giao. Ví dụ, cuộc xung đột của Nga tại Ukraine có thể dễ dàng được hiểu là một ví dụ truyền thống về cạnh tranh giữa các cường quốc.
Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, quyết động của ông là hành động chống lại vị thế thống trị của Mỹ ở châu Âu. Cả Nga và các quốc gia phương Tây đều đang tăng cường sự ủng hộ toàn cầu cho điều mà họ coi là cuộc đấu tranh sinh tồn giữa các giá trị và chế độ. Thực tế, cuộc xung đột tại Ukraine đã làm sâu sắc thêm căng thẳng giữa Nga, Mỹ và châu Âu. Và giống như cuộc khủng hoảng Berlin trong những năm đầu của Chiến tranh Lạnh, chiến sự tại Ukraine đã lan rộng ra bên ngoài, tạo ra làn sóng người di cư mới và gây ra lạm phát.
Nhưng ẩn sau khuôn khổ cạnh tranh giữa các cường quốc là những diễn biến mới tinh vi hơn. Các cường quốc không còn là hệ nhị phân nữa. Mỹ và châu Âu bị ràng buộc bởi các liên minh chính thức, trong khi Trung Quốc và Nga có mối quan hệ đối tác lỏng lẻo; hầu hết, các cường quốc làm những gì họ không thể cản trở nhau. Các hình thức cạnh tranh quân sự, kinh tế và công nghệ mới, chẳng hạn như trợ cấp của Mỹ cho công nghệ xanh, khiến châu Âu và Mỹ chống đối nhau, cũng như sự phụ thuộc lẫn nhau sâu sắc về kinh tế của Mỹ và Trung Quốc khiến họ trở thành những đối thủ thiếu kiên quyết. Chính trị nội bộ cản trở tham vọng quốc tế của các cường quốc.
Sự xao lãng của các cường quốc có vẻ là một điều may mắn. Sự cạnh tranh gay gắt giữa Mỹ và Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh đã tạo ra các cuộc chiến tranh ủy nhiệm nối tiếp, mỗi cuộc đều có sức tàn phá riêng. Nhưng sự phân tâm của các cường quốc đang bắt đầu giống một lời nguyền tập thể hơn. Khoảng trống quyền lực đang gia tăng. Ở châu Phi, vùng Balkan, Trung Đông và Nam Kavkaz, các cuộc xung đột cũ đang nhen nhóm lại thành những cuộc khủng hoảng mới. Các cường quốc bậc trung và các chủ thể địa phương đang nỗ lực ngày càng táo bạo hơn. Rất thường xuyên, các cường quốc cuối cùng phải đứng nhìn một cách bất lực.
Trong những tháng tới, nhiều bên bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến Israel-Hamas sẽ trông cậy vào các cường quốc để lãnh đạo. Nhưng họ có thể thấy 4 cường quốc này không đủ khả năng đối phó với cuộc khủng hoảng. Nga phụ thuộc vào Iran về viện trợ quân sự. Mỹ có thể sẽ hỗ trợ đáng kể cho Israel nhưng sẽ gặp khó khăn trong việc đưa người Palestine vào bàn đàm phán. Trung Quốc có thể hào phóng đưa ra những lời tuyên bố về hòa bình nhưng sẽ cố gắng tránh bất kỳ hình thức can dự trực tiếp nào, và châu Âu sẽ thấy mình hầu như không có đòn bẩy. Nếu kịch bản mâu thuẫn này diễn ra, nó sẽ là một mô hình thu nhỏ của trật tự quốc tế thế kỷ 21.
Nút thắt
Mỗi cường quốc hiện tại đều cạnh tranh để giành những "giải thưởng" địa chính trị khác nhau. Nhìn cạnh nhau, nỗ lực hành động hiệu quả của các cường quốc khiến họ giống nhau đến lạ lùng. Hãy lấy Nga làm ví dụ: vào tháng 9, Azerbaijan đã phát động một cuộc tấn công quân sự ở Nagorno-Karabakh, khu vực tranh chấp với dân cư chủ yếu là người Armenia. Nga từng là nhà môi giới ngoại giao và quân sự trong khu vực. Chính quyền Moscow có tầm ảnh hưởng nặng nề đến kết quả của cả hai cuộc chiến tranh hậu Xô Viết trong khu vực, làm trung gian cho các lệnh ngừng bắn giữa Armenia và Azerbaijan vào năm 1994 và 2020. Sau năm 2020, Nga đã cử khoảng 2.000 binh sĩ gìn giữ hòa bình đến Nagorno-Karabakh.
Nếu Nga không đưa quân sang Ukraine vào tháng 2 năm 2022, nước này có thể đã hỗ trợ tốt hơn cho đồng minh Armenia trong cuộc xung đột căng thẳng này. Nhưng ở Ukraine, Nga đã rơi vào bế tắc. Kể từ mùa xuân năm 2022, Nga đã không chiếm được một phần đáng kể lãnh thổ Ukraine; mùa thu cùng năm, Nga bị đẩy ra khỏi vùng Kharkiv và ra khỏi thành phố Kherson.
Chiến dịch quân sự này đã tiêu tốn quá nhiều nhân lực và trang thiết bị của Nga đến mức Moscow sẽ phải mất nhiều năm để xây dựng lại quân đội của mình. Sự bế tắc của cuộc xung đột đã vén bức màn về danh tiếng quân sự đáng gờm một thời, cho thấy quân đội Nga không còn vượt trội về mặt chiến lược và chiến thuật. Trong tương lai, bộ máy an ninh của Nga sẽ phải đối mặt với một nhiệm vụ gần như bất khả thi. Các phương tiện và ngân sách mà Moscow phân bổ cho những tham vọng của mình ở Ukraine đang bị cạn kiệt.
Do thế bế tắc ở Ukraine, phương thức hoạt động của Nga ở Nagorno-Karabakh ngày càng trở nên thụ động trong năm qua. Vào tháng 12 năm 2022, lợi dụng sự mong manh của Nga, Azerbaijan đã thử lấn qua ranh giới đỏ của Armenia bằng cách phong tỏa hành lang Lachin, con đường duy nhất nối Armenia với Nagorno-Karabakh. Sau khi lực lượng gìn giữ hòa bình Nga không giải tỏa được tình hình, Azerbaijan và đồng minh chính của nước này là Thổ Nhĩ Kỳ đã đánh giá đúng rằng tầm ảnh hưởng của Nga trong khu vực không còn như trước.
Cuộc tấn công tháng 9 đã dẫn đến một cuộc di cư hàng loạt của người Armenia khỏi vùng đất này. Từ xa, Nga đã cho rằng những rắc rối của Armenia là do chính họ tự chuốc lấy khi ngả về phương Tây.
Quyền lực mềm, tiềm năng mềm
Châu Âu từ lâu đã tìm cách sử dụng quyền lực mềm đáng kể của mình để đưa các giá trị của mình – pháp quyền và sự cân nhắc kỹ lưỡng – nhằm giải quyết các cuộc khủng hoảng trên thế giới. Tuy nhiên, kể từ khi Mùa xuân Ả Rập và Syria rơi vào thảm họa, châu Âu đã phải vật lộn để hành động theo tầm nhìn của mình.
Đó là một cường quốc bất đối xứng: sức mạnh quân sự của châu Âu không sánh được với sức mạnh kinh tế của nó. Bởi vì lực lượng vũ trang của họ bị phân tán ở một số thực thể khác nhau – các quốc gia có chủ quyền và NATO – nên châu Âu không thể triển khai sức mạnh quân sự nhanh chóng như Nga hay Mỹ.
Nhìn chung, Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh nắm giữ các nguồn lực kinh tế và quân sự to lớn. Người châu Âu, những người đã được hưởng sự ổn định trong nhiều thập kỷ và mong muốn hòa bình trên lục địa này sẽ tồn tại mãi mãi, đã bị sốc trước hành động gây hấn của Nga đối với Ukraine.
Chiến tranh đã quay trở lại cựu lục địa và châu Âu cần phải tự bảo vệ mình về mặt quân sự. Mong muốn chấm dứt cuộc chiến tại Ukraine theo các điều kiện của mình, châu Âu đã giúp duy trì nỗ lực chiến tranh của Ukraine nhưng cũng khiến nước này rơi vào tình trạng bất ổn.
Châu Âu thường tụt hậu so với Mỹ trong việc tăng cường phòng thủ cho Ukraine, và cuộc chiến đã làm lộ rõ những điểm yếu của khối này này với tư cách là một thế lực trên trường quốc tế. Nhiều quốc gia-dân tộc ở EU không thống nhất về lợi ích và ưu tiên chiến lược của họ. Châu Âu là tập hợp các nước "đồng sàng dị mộng": chẳng hạn, Ý lo lắng về tình trạng di cư, trong khi Ba Lan lo lắng về mối đe dọa từ Nga, còn Bồ Đào Nha lo lắng về nền kinh tế của mình. Bối cảnh chính trị của châu Âu cản trở chính sách đối ngoại chủ động.
Trước cuộc tấn công của Azerbaijan và cuộc tháo chạy hàng loạt của người Armenia khỏi Nagorno-Karabakh, căng thẳng gia tăng giữa Kosovo và Serbia, cũng như cuộc nội chiến ở Sudan, châu Âu trở thành người ngoài cuộc hơn là một nhà môi giới hiệu quả. Ở châu Phi, các quốc gia hậu thuộc địa vẫn chưa quên quá khứ. Liên tiếp các cuộc đảo chính xảy ra ở Burkina Faso, Mali, Niger và Sahel đã trục xuất các lực lượng quân sự châu Âu và thậm chí một số đại sứ châu Âu. EU đã không có phản ứng thực sự trước diễn biến tại châu Phi.
Lực cản trong nước
Mỹ có khả năng trở thành một tác nhân quyết đoán hơn. Trong 4 năm cầm quyền, cựu Tổng thống Donald Trump đã thắt chặt chính sách đối ngoại của Mỹ bằng nhiều nút thắt, nhưng Mỹ vẫn là cường quốc thống trị thế giới. Các tài sản chiến lược tổng hợp của nước này, từ nền kinh tế, các tổ chức tình báo đến quân đội, vẫn duy trì quyền lực. Nước này vẫn duy trì sự hiệ diện ngoại giao ở châu Âu hay Trung Đông, và cuộc chiến của Israel với Hamas có thể sẽ kéo Mỹ trở lại khu vực đầy rắc rối.
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã khôi phục sự tập trung vào vai trò quốc tế của Mỹ, chứ không chỉ ở châu Âu. Để cạnh tranh với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, Mỹ đã công bố kế hoạch tại hội nghị thượng đỉnh G-20 gần đây ở New Delhi kế hoạch đầu tư vào một hành lang kinh tế mới nhằm tăng cường liên kết giao thông và thương mại giữa Liên minh châu Âu, Ấn Độ và Trung Đông.
Chính quyền Washington gần đây cũng đã tăng cường quan hệ đối tác của mình ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Nội các của Biden đã nỗ lực đáng kể đằng sau những nỗ lực mới của Israel nhằm bình thường hóa quan hệ với các quốc gia Ả Rập láng giềng, đặc biệt là Ả Rập Saudi. Với sự giúp đỡ của Washington, vấn đề biến đổi khí hậu đang đạt được nhiều tiến bộ.
Nhưng chính sách đối ngoại của Mỹ cũng có sự chênh lệch giữa ý định và khả năng. Cuộc xung đột ở Ukraine đã thu hút rất nhiều sự chú ý của chính quyền Biden, áp đặt những hạn chế về nguồn lực đối với việc cung cấp vũ khí và đạn dược mà giờ đây có thể ảnh hưởng đến Israel hoặc trong tương lai là Đài Loan. Mỹ không đưa ra ranh giới đáng tin cậy nào đối với chính phủ Azerbaijan ở Nagorno-Karabakh, và sự chú ý của họ đến các cuộc chiến tranh và khủng hoảng đang diễn ra ở Tây Phi tốt nhất là theo từng giai đoạn. Giống như Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, ông Biden hoàn toàn mất cảnh giác trước cuộc tấn công gần đây của Hamas.
Nếu Mỹ đang dao động với tư cách một cường quốc, thì đó không phải là do cuộc xung đột ở Ukraine, như một số tiếng nói mang tính chất dân túy trong Quốc hội Mỹ tuyên bố. Đó là vì tình hình chính trị trong nước của Mỹ. Sự phân cực chính trị và sự xa lánh ngày càng tăng giữa các nhánh hành pháp và lập pháp của chính phủ Mỹ đã khiến cho quá trình chuyển đổi chính sách đối ngoại giữa các chính quyền tổng thống trở nên đột ngột và bất hòa.
Do sự phản đối của Quốc hội, nhiều vị trí ngoại giao hàng đầu của Mỹ hiện chưa được bổ nhiệm. Bị phân tâm bởi tình trạng mất đoàn kết, Mỹ để lại cho các quốc gia khác ấn tượng về sự thiếu ổn định, điều này cản trở nước này hành động kiên quyết.
Ảnh hưởng hạn chế
Trung Quốc là nước gây bối rối nhất trong số các cường quốc đương thời. Trong nửa thế kỷ qua, Trung Quốc đã tránh xa các cuộc chiến tranh tốn kém, thực hiện sự thận trọng mà Bắc Kinh coi là dấu ấn của bản sắc dân tộc. Việc tránh chiến tranh này đã làm tăng uy tín của Trung Quốc ở Nam bán cầu và củng cố danh tiếng của nước này như một cường quốc kinh tế - một siêu cường về thương mại chứ không phải là một kẻ khiêu khích địa chính trị.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn chưa có động thái cụ thể với Đài Loan. Trung Quốc có khả năng sử dụng sức mạnh quân sự tập trung hơn so với châu Âu và do sử dụng nó không thường xuyên nên ít bị mở rộng quá mức so với Nga và Mỹ.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn chưa biến sức mạnh kinh tế và danh tiếng chuộng hòa bình của mình thành việc xử lý thành công các vấn đề toàn cầu.
Ví dụ, vào tháng 2, Trung Quốc đã đề xuất một kế hoạch hòa bình cho Ukraine, nhưng kế hoạch này không nghiêm túc: Bắc Kinh đóng vai trò là một trung gian hòa giải trong khi không làm gì cụ thể để chấm dứt chiến tranh. Trên thực tế, Trung Quốc đã giúp kéo dài thời gian đó.
Ngay trước chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, Trung Quốc đã hứa hẹn về mối quan hệ đối tác “không giới hạn” với Nga. Bắc Kinh duy trì mối quan hệ công nghiệp-quốc phòng quan trọng với Moscow và trên các diễn đàn quốc tế, Trung Quốc bảo vệ Nga khỏi những lời chỉ trích. Lập trường không rõ ràng của Trung Quốc về cuộc chiến chỉ nhấn mạnh sự vắng mặt ngoại giao của nước này ở châu Âu.
Tập trung vào lợi ích kinh tế và bị đè nặng bởi những khó khăn kinh tế trong nước, Trung Quốc đã trở thành một trong những nhà hòa giải nhiệt tình nhất nhưng lại kém hiệu quả nhất thế giới. Nước này đã thực hiện những bước đột phá ngoại giao tại Trung Đông, với tiền đề rằng họ sẽ là một nhà môi giới trung lập có thể bàn việc với tất cả các bên.
Vào tháng 3, Trung Quốc đã công bố một thỏa thuận hòa bình giữa Ả Rập Saudi và Iran và tuyên bố mong muốn tạo ra một thỏa thuận tương tự giữa Israel và Palestine. Tuy nhiên, cho đến nay, những nỗ lực của Trung Quốc vẫn chưa góp phần mang lại hòa bình và ổn định lâu dài trong khu vực.
Mặt tối của sự phân tâm
Từ lâu là đấu trường trung tâm của sự cạnh tranh giữa các cường quốc, Trung Đông có thể đại diện cho một điều gì đó mới mẻ. Cuộc nội chiến ở Syria bắt đầu vào năm 2011 là một điềm báo trước.
Quốc gia này đã trở thành chiến địa của nhiều bên: tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (ISIS); Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd; Israel và Iran; chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad; phe đối lập tại Syria; cuối cùng là Nga và Mỹ, hai nước có quân đội cùng sống chung trong khu vực, không liên kết cũng không đối đầu nhau.
Nguy cơ cuộc chiến mới của Israel với Hamas có thể mở rộng thành một cuộc xung đột khó kiểm soát tương tự, nhấn chìm các nước láng giềng như Lebanon và Syria.
Không nên hoài niệm về quá khứ cạnh tranh giữa các cường quốc. Chúng chưa bao giờ có trật tự: sự cạnh tranh giữa các cường quốc đã đẩy châu Âu vào tình trạng thái quá của chủ nghĩa đế quốc thế kỷ 19 và lôi kéo châu Âu vào Thế chiến thứ nhất, khi một sự xáo trộn cục bộ gây ra sự cạnh tranh giữa các cường quốc. Việc Adolf Hitler khao khát coi Đức là một cường quốc đã trực tiếp dẫn đến Thế chiến thứ hai. Trong Chiến tranh Lạnh, Liên Xô và Mỹ cạnh tranh khốc liệt đến mức đi đến bờ vực chiến tranh hạt nhân.
Nhưng tình trạng cạnh tranh và phân tâm hiện nay đặt ra một vấn đề khác, một vấn đề mà thế giới chưa sẵn sàng để giải quyết. Căng thẳng hiện nay xuất phát từ hai nguồn riêng biệt và thường chồng chéo lên nhau: sự va chạm giữa tham vọng của các cường quốc ở châu Âu, Trung Đông và châu Á cũng như sự tê liệt và thụ động của các cường quốc bên ngoài một số điểm nóng.
Do đó, hàng loạt cuộc khủng hoảng đang xuất hiện, trong đó các cường quốc hạng trung, các cường quốc nhỏ và thậm chí cả các chủ thể phi nhà nước va chạm nhau, và các cường quốc không thể ngăn cản hay kiềm chế chúng.
Sự xao lãng của các cường quốc mang lại rủi ro dài hạn đáng kể. Nó mời gọi chủ nghĩa xét lại và sự chấp nhận rủi ro tích cực của các tác nhân khác. Azerbaijan chẳng khác gì một siêu cường: dân số khoảng mười triệu người. Tuy nhiên, nước này vẫn có thể hành động một cách không do dự ở Nagorno-Karabakh. Hamas hoàn toàn không phải là một nhà nước, nhưng tổ chức này đã bạo dạn tấn công một quốc gia có các đối tác quân sự và quốc tế đẳng cấp thế giới, trong đó có Mỹ.
Khi căng thẳng ở Trung Đông sôi sục, cạnh tranh giữa các cường quốc – được hiểu theo cách cổ điển – không thể là tiêu điểm và phương tiện phân tích duy nhất của thế giới. Đây không phải là thời đại củng cố trật tự quốc tế. Nó không chỉ đơn thuần là một kỷ nguyên khác của sự cạnh tranh giữa các cường quốc. Đây là thời điểm quyền lực bị phân mảnh một cách hỗn loạn, thời đại của sự phân tán quyền lực lớn.
Bài viết thể hiện quan điểm của Michael Kimmage - Giáo sư Lịch sử tại Đại học Công giáo Mỹ, Hanna Notte - Giám đốc Chương trình Không phổ biến vũ khí Á-Âu (Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin).