Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn; lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Hội đồng Thương hiệu Quốc gia; các cơ quan đại diện ngoại giao, thương mại nước ngoài tại Việt Nam; các tổ chức xúc tiến thương mại trong và ngoài nước; các doanh nghiệp và Hiệp hội ngành hàng.
Góp phần xây dựng giá trị thương hiệu Việt Nam
Sự kiện do Hội đồng thương hiệu Quốc gia phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức, nhằm thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc xây dựng các thương hiệu quốc gia, thương hiệu địa phương, ngành và doanh nghiệp theo hướng xanh và bền vững, đáp ứng xu hướng thị trường thế giới đang chuyển dịch mạnh mẽ. Chủ đề của chương trình năm nay nhấn mạnh việc chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng thân thiện với môi trường, đóng góp tích cực vào công cuộc bảo vệ hành tinh xanh và phát triển bền vững.
Việc lựa chọn các doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia được tiến hành 2 năm một lần từ năm 2008 với mục đích khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục chia sẻ và theo đuổi các giá trị của chương trình, nâng cao niềm tự hào đối với các sản phẩm của Việt Nam.
Sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam khẳng định là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn duy nhất của Chính phủ nhằm xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ với chất lượng cao, tăng niềm tự hào và sức hấp dẫn của đất nước và con người Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển ngoại thương và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Trong những năm gần đây, thương hiệu quốc gia Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc. Việt Nam không chỉ lọt vào Top 100 quốc gia có thương hiệu mạnh, mà còn là quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị thương hiệu nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2019-2022. Giá trị thương hiệu của Việt Nam năm 2024 được xếp thứ 32/193 quốc gia được đánh giá, đạt 507 tỷ USD, tăng 1 bậc về thứ hạng và tăng 2% về giá trị so với năm 2023.
Tại sự kiện, Ban Tổ chức đã công bố và trao danh hiệu Thương hiệu Quốc gia năm 2024 cho 359 sản phẩm của 190 doanh nghiệp trong số hơn 1.000 doanh nghiệp có sản phẩm tham gia chương trình đáp ứng hệ thống các tiêu chí của Chương trình.
Phát biểu tại đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ rõ, xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia Việt Nam là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mang tính chiến lược, là sứ mệnh của tất cả chúng ta với sự kiên trì, nỗ lực và sáng tạo không ngừng nghỉ; trong đó việc xây dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia là một trong những nội dung cốt lõi.
Đánh giá cao và nhiệt liệt chúc mừng sự nỗ lực, cũng như những đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là 190 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia năm 2024, Thủ tướng cho rằng đây đều là những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh ấn tượng với tổng doanh thu năm 2023 đạt 2,4 triệu tỷ đồng, tổng nộp ngân sách nhà nước khoảng 150 nghìn tỷ đồng, bảo đảm công ăn, việc làm cho trên 600 nghìn lao động, tích cực tham gia vào các hoạt động an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Điểm lại quá trình hơn 20 năm hình thành và phát triển của Chương trình Thương hiệu Quốc gia, Thủ tướng khẳng định, Chương trình vừa khẳng định chất lượng các sản phẩm, dịch vụ “Made in Viet Nam”, vừa khẳng định năng lực, trí tuệ, bản lĩnh, tính linh hoạt, sức sáng tạo của doanh nghiệp Việt, góp phần tạo dựng vị trí vững chắc tại thị trường trong nước và tô thắm hai chữ “Việt Nam” trên thị trường quốc tế; khẳng định sự đóng góp to lớn của doanh nghiệp Việt trong công cuộc xây dựng Thương hiệu Quốc gia.
Thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng là xu hướng tất yếu; thế giới đang chuyển dần từ mô hình kinh tế tiêu thụ tài nguyên truyền thống sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và trách nhiệm với cộng đồng. Không nằm ngoài xu hướng đó, các doanh nghiệp Việt với khả năng sáng tạo của mình có thể tận dụng cơ hội này để vươn lên, đóng vai trò tích cực trong sự chuyển dịch toàn cầu.
Do đó, các doanh nghiệp với thương hiệu quốc gia của mình không chỉ phát triển các ngành kinh doanh truyền thống, mà còn phải dồn lực để thu hút đầu tư và tạo sự bứt phá cho các ngành, lĩnh vực tiên phong; không chỉ tăng trưởng dựa vào vốn, vào khai thác tài nguyên như trước, mà phải dựa vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; không chỉ là phát huy, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống mà còn phải phát huy được các động lực tăng trưởng mới đến từ kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số.
“Thương hiệu không chỉ là sự khẳng định về chất lượng sản phẩm, mà còn là cam kết về phát triển bền vững để vươn mình tiến vào Kỷ nguyên Xanh", Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, các doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam nói chung cần tiếp tục phát huy những giá trị cốt lõi: Chất lượng - Đổi mới - Sáng tạo - Năng lực tiên phong; tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, gắn bó, vì lợi ích của doanh nghiệp gắn với lợi ích quốc gia, dân tộc, nỗ lực vượt khó, đổi mới sáng tạo, không ngừng nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và từng bước cải thiện vững chắc năng lực cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu, đóng góp cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Các doanh nghiệp nhận Thương hiệu quốc gia 2024. Ảnh: Trần Việt/TTXVN. |
Coi trọng trí tuệ, thời gian, tích hợp giá trị cốt lõi trong mỗi sản phẩm
Thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp không ngừng tập trung khai thác cơ hội từ xu hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; tiên phong trong cuộc cách mạng xanh; tận dụng lợi thế uy tín thương hiệu quốc gia, đồng thời kết hợp xây dựng thương hiệu sản phẩm với thương hiệu quốc gia Việt Nam; tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường quốc tế và tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo Thủ tướng, hình ảnh đẹp của mỗi thương hiệu quốc gia sẽ là hình ảnh đẹp về thương hiệu của đất nước, truyền thống, văn hóa, con người Việt Nam, nhất là trong bối cảnh thế giới đang đẩy mạnh các cam kết về giảm phát thải và chống biến đổi khí hậu, các doanh nghiệp cần chủ động chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh, sử dụng năng lượng tái tạo và công nghệ thân thiện với môi trường.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu không ngừng nâng cao năng lực quản trị hiện đại; áp dụng các tiêu chuẩn quản trị tiên tiến, minh bạch và lành mạnh; chú trọng đến yếu tố bền vững trong sản xuất. Đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, góp phần nâng cao uy tín của thương hiệu, tạo niềm tin vững chắc về chất lượng sản phẩm, dịch vụ đối với người tiêu dùng.
Cùng với đó, không ngừng đổi mới, sáng tạo, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh; tăng cường chủ động hội nhập thực chất, hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh kỷ nguyên số và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; áp dụng các công nghệ tiên tiến, như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, internet vạn vật, điện toán đám mây, tự động hóa trong sản xuất nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, chủ động tiến vào kỷ nguyên xanh; tiếp tục trau dồi bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp; tuân thủ quy định pháp luật; xung kích, đi đầu trên mặt trận phát triển kinh tế - xã hội; có hoài bão lớn và khát vọng phát triển, trở thành hình mẫu của tinh thần doanh nghiệp, kinh doanh liêm chính, nhân văn và có trách nhiệm; tăng cường hơn nữa công tác thông tin truyền thông; bảo vệ bản quyền, giá trị thương hiệu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, các doanh nghiệp phải tập trung đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, tay nghề giỏi, chuyên môn sâu, trình độ quốc tế và làm việc chuyên nghiệp, phục vụ kịp thời yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, hội nhập trên các lĩnh vực; tiếp tục tăng cường kết nối mạng lưới nhân tài, trí thức người Việt ở trong và ngoài nước; chú trọng xây dựng và nâng cao văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân; bảo đảm đầy đủ quyền lợi cả về vật chất và tinh thần cho người lao động.
“Doanh nghiệp phải coi trọng trí tuệ, coi trọng thời gian; tích hợp giá trị cốt lõi của đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội vào chiến lược phát triển dài hạn của doanh nghiệp với công tác bảo vệ môi trường và phát triển cộng đồng; tích cực tham gia các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; phát huy hơn nữa tinh thần dân tộc, lòng yêu nước gắn với văn hóa doanh nghiệp, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, Thủ tướng lưu ý.
Nhấn mạnh, Đại hội XIII đã đề ra nhiệm vụ “Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi…”; cho biết, nước ta đang tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có sự phát triển của doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ kêu gọi các doanh nghiệp tận dụng triệt để hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại nhằm thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hóa đất nước, từ đó phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững.
Cho rằng, sự thành công và phát triển của cộng đồng doanh nghiệp là thước đo sự thành công trong công tác điều hành, quản lý của Nhà nước, Thủ tướng cho biết, Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ, lắng nghe và sẽ tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp phát triển; tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh - coi việc tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản gây khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị quan trọng của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương.
Nhấn mạnh, để đạt các mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, những năm tới Việt Nam phải đạt tốc độ tăng trưởng hai con số, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, với vai trò là cơ quan đầu mối chủ trì thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương tiếp thu các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp; tiếp tục đề xuất, tham mưu kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi, minh bạch, có tính cạnh tranh cao trong khu vực, toàn cầu; xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; ưu tiên các ngành, lĩnh vực mới nổi, tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh.
Cùng với đó, đẩy mạnh các hoạt động phát triển, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa các chuỗi cung ứng, hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài nước, gắn với việc hỗ trợ xây dựng, quản trị và phát triển thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp, ngành và quốc gia, qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, ngành, doanh nghiệp và sản phẩm.
Với tinh thần trách nhiệm cao, với khí thế và niềm tin của cả nước và đội ngũ doanh nhân Việt Nam, Thủ tướng tin tưởng rằng, trong thời gian tới sẽ có thật nhiều doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí của Chương trình Thương hiệu Quốc gia.
Thủ tướng cho rằng, thành công của doanh nhân, doanh nghiệp cũng là thành công của đất nước, góp phần xây dựng hình ảnh Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển xanh, sáng tạo và hùng mạnh trên bản đồ thế giới, đánh dấu kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trong thời đại mới.
Đội ngũ doanh nhân Việt Nam, mà nòng cốt là các doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia cần tiếp tục chung sức, đồng lòng, ra sức thi đua hướng tới mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 như Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Thủ tướng đề nghị, mỗi doanh nhân hãy thể hiện tinh thần đoàn kết, tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng vươn lên bằng hành động cụ thể, cùng nhau đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, bắt kịp xu hướng, chuẩn bị một tâm thế sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, đó là Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.