Trong chương trình công tác tại tỉnh Hà Giang, chiều 28/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ và thực hiện nghi thức khởi công xây dựng cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang (giai đoạn 1).
Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh; Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.
Dự án tuyến cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang, có tổng chiều dài 104,48km, trong đó đoạn qua tỉnh Tuyên Quang dài 77km; đoạn tuyến trên địa bàn tỉnh Hà Giang dài 27,48km.
Dự án cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang (giai đoạn 1) được khởi công hôm nay là đoạn thuộc địa phận tỉnh Hà Giang (trên địa bàn huyện Bắc Quang) dài 27,48km; dự kiến hoàn thành vào năm 2025.
Dự án có tổng mức đầu tư dự án 3.198 tỷ đồng. Trong đó, phần xây lắp được chia thành 3 gói thầu, với tổng giá dự toán hơn 2.582 tỷ đồng; nhà thầu VINACONEX là đơn vị trúng thầu thi công gói thầu 03-XL có tổng giá trị gần 900 tỷ đồng, thời gian thực hiện 30 tháng.
Phát biểu tại Lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục xác định xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ là một trong ba đột phá chiến lược để đất nước phát triển nhanh, bền vững. Trong đó, đặt ra mục tiêu đến năm 2030 cả nước có 5.000km đường bộ cao tốc.
Như vậy, trong giai đoạn 2021-2030, cả nước phải đầu tư, xây dựng tổng số gần gấp 4 lần số km đường bộ cao tốc đã xây dựng trong giai đoạn 2000-2020.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ khởi công Dự án cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang giai đoạn 1. |
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã dành nguồn lực lớn để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, phân bổ đầu tư có trọng tâm, trọng điểm tại các vùng, miền, địa phương.
Nhiều công trình giao thông hiện đại như đường bộ cao tốc, cảng biển, cảng hàng không được đầu tư xây dựng. Trong đó, cả nước đã, đang và sẽ xây dựng nhiều tuyến đường bộ cao tốc trục Bắc-Nam, Đông-Tây; tạo mạng lưới đường bộ cao tốc rộng khắp cả nước. Qua đó, kết nối các vùng trong cả nước và quốc tế; góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng, tạo diện mạo mới cho đất nước, khai thác hiệu quả hơn nguồn lực đất đai, mở ra không gian phát triển mới; tạo khí thế phát triển mới, với các khu công nghiệp, đô thị, du lịch, dịch vụ mới.
Dự án cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang hoàn thành sẽ tạo hành lang phát triển kinh tế từ trung tâm Thủ đô Hà Nội theo cao tốc Nội Bài-Lào Cai, cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ đến Hà Giang đáp ứng nhu cầu đi lại, vận tải hàng hóa ngày càng tăng cao.
Đồng thời, giải quyết điểm nghẽn về giao thông liên kết vùng, nội vùng giữa hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng-an ninh và hướng tới hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, trong đó có Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính xác định hướng tuyến dự án, quyết định, tham mưu đầu tư, xử lý ách tắc về kỹ thuật liên quan địa chất, vật liệu thông thường...
Thủ tướng yêu cầu tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang tập trung giải phóng mặt bằng, tái định cư nhanh chóng, hiệu quả; đảm bảo cho cuộc sống, lao động, sản xuất của người dân ở nơi ở mới ít nhất phải bằng, phấn đấu tốt hơn nơi ở cũ; đảm bảo cung cấp đủ nguyên vật liệu san lấp trên nguyên tắc giao mỏ vật liệu trực tiếp cho đơn vị nhà thầu dự án khai thác; không để khiếu kiện, mất trật tự an toàn xã hội, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
Thủ tướng lưu ý các nhà thầu dự án không được thông thầu, bán thầu; không để đội vốn bất hợp lý; đổi mới, ứng dụng, cải tiến công nghệ để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình; bảo đảm vệ sinh, an toàn lao động.
Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị người dân tiếp tục ủng hộ dự án, sớm phục vụ lợi ích chung và của từng người dân trong vùng dự án.
Thủ tướng cho rằng kết quả ban đầu là rất đáng khích lệ, tuy nhiên đây mới chỉ là bước khởi đầu.
Để dự án cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng còn rất nhiều việc phải làm, nhiệm vụ còn rất nặng nề và không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; tin tưởng các bộ, ngành, địa phương, đơn vị và người dân thực hiện tốt các yêu cầu trên để dự án sớm phát huy hiệu quả phát triển kinh tế-xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh; mang lại cuộc sống hạnh phúc, ấm no cho nhân dân./.