Thủ tướng: Vun đắp quan hệ bằng quyết tâm, lòng tin và sự chân thành

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Nhân dịp dự Tuần lễ Cấp cao Khóa 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc và hoạt động song phương tại Hoa Kỳ, sáng 19/9 (giờ địa phương), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới thăm và phát biểu chính sách tại Đại học Georgetown ở thủ đô Washington, D.C., Hoa Kỳ - nơi nhiều chính trị gia trên thế giới từng đến thăm và phát biểu chính sách.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Đại học Georgetown. Ảnh: Dương Giang
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Đại học Georgetown. Ảnh: Dương Giang

Mở đầu bài phát biểu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính điểm lại các mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong suốt chặng đường lịch sử vừa qua; cho rằng việc hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, thể hiện tinh thần gác lại quá khứ, hướng đến tương lai, vì hoà bình, hợp tác và phát triển bền vững; hiện thực hoá tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Thư gửi Tổng thống Harry Truman ngày 16/2/1946 đã bày tỏ mong muốn thiết lập quan hệ đầy đủ với Hoa Kỳ.

Trong bài phát biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định bước vào thập niên thứ ba của thế kỷ 21, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là nguyện vọng thiết tha của nhân dân thế giới. Cách mạng công nghiệp 4.0 với trí tuệ nhân tạo và xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo tiếp tục mở ra những cơ hội phát triển mới. Trí tuệ sáng tạo của con người là không giới hạn. Song nhân loại cũng đang đứng trước thời điểm khó khăn kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, cạnh tranh địa chính trị, địa kinh tế, gia tăng vũ trang, sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang nổi lên.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định: “Thế giới Tổng thể là hoà bình - cục bộ có chiến tranh; Tổng thể là hoà hoãn - cục bộ có xung đột; Tổng thể là ổn định - cục bộ có căng thẳng. Ranh giới giữa chiến tranh và hoà bình, giữa phát triển và tụt hậu, giữa độc lập và phụ thuộc trở nên mong manh”.

Cũng theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, những thách thức già hoá dân số, an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, lương thực, nguồn nước, năng lượng và tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm mạng diễn biến ngày càng gay gắt, đa chiều, gây hậu quả nặng nề. Kinh tế toàn cầu đang chứng kiến nhiều cơn gió ngược. Ngân hàng Thế giới (WB) đã phát đi cảnh báo về một “thập kỷ mất mát”. Nhiều Mục tiêu Phát triển Bền vững bị đẩy lùi, khó có thể hoàn thành vào năm 2030.

Theo Thủ tướng, thế giới đứng trước 2 sự lựa chọn: Một là, thụ động hứng chịu những thách thức, nguy cơ với cái giá phải trả rất đắt; Hai là, chủ động thích ứng, tranh thủ cơ hội, hoá giải thách thức, lấy hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển làm mục tiêu, lấy Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế làm nền tảng, lấy đối thoại và hợp tác làm công cụ. Trong đó, Việt Nam chọn con đường thứ hai và mong muốn các đối tác cũng có sự lựa chọn này.

Theo đó, Việt Nam lựa chọn các nền tảng cơ bản để phát triển đất nước, với mục tiêu lấy dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh vừa là mục tiêu tổng quát, vừa là động lực để phấn đấu đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Thủ tướng chỉ rõ một số bài học kinh nghiệm để đi tới thành công như: Kiên định con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; Nhân dân làm nên lịch sử; sự nghiệp cách mạng là của toàn dân, do dân, vì dân; Đoàn kết, đại đoàn kết; Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định sự thắng lợi của Cách mạng Việt Nam.

Để đạt được những mục tiêu đề ra, Việt Nam thực hiện đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền định hướng xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Cùng với đó, Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hoá, đa phương hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và có hiệu quả, là bạn, đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Việt Nam thực hiện các biện pháp đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân - xây dựng thế trận an ninh Nhân dân - xây dựng thế trận lòng dân vững chắc; kiên trì chính sách quốc phòng “bốn không” gồm: không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Đặc biệt, xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh, trong đó quan trọng nhất là Đảng phải xây dựng đường lối đúng; xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định xuyên suốt quá trình đó, con người làm trung tâm, chủ thể, động lực, nguồn lực quan trọng nhất và là mục tiêu của sự phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, không hy sinh bảo vệ môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Hiện nay, Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Nhờ đó, Việt Nam đạt được kết quả bước đầu, chứng minh sự đúng đắn của chính sách. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá và bao vây cấm vận. Việt Nam đến nay đã thuộc Top 40 nền kinh tế có quy mô Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lớn nhất thế giới và Top 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). GDP năm 2022 đạt gần 410 tỷ USD; tổng kim ngạch thương mại đạt hơn 723 tỷ USD. Giá trị thương hiệu quốc gia đứng thứ 32 trên Top 100 giá trị thương hiệu quốc gia cao nhất thế giới trong giai đoạn 2020 - 2022.

Chính trị, xã hội ổn định, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 192 quốc gia; hơn 30 đối tác có quan hệ từ Đối tác toàn diện trở lên; đã ký kết 16 Hiệp định Thương mại Tự do (FTA). Việt Nam đã hoàn thành các Mục tiêu Thiên niên kỷ; là hình mẫu quan hệ với Liên hợp quốc và xoá đói giảm nghèo.

Phần phát biểu được các giáo sư, sinh viên Đại học Georgetown hết sức quan tâm, đó là Việt Nam - Hoa Kỳ phải làm gì để hiện thực hóa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện trong thời gian tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại việc nhân chuyến thăm cấp Nhà nước Việt Nam ngày 10-11/9 vừa qua của Tổng thống Joe Biden, hai nước đã nâng cấp khuôn khổ quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững, mở ra giai đoạn phát triển mới cho hợp tác song phương. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Khuôn khổ mới cũng đòi hỏi chúng ta phải có tư duy mới, cách thức mới để tạo ra những đột phá mới, và đạt được những thành quả mới”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng hai bên cần tập trung cụ thể hoá việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững thành những chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động, dự án, hoạt động hợp tác kinh doanh cụ thể. Trong đó, tiếp tục quan tâm và ưu tiên dành nguồn lực để hiện thực hóa các cam kết trong Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ giữa hai nước. Việt Nam mong muốn Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam thực hiện thành công ba đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực, và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; qua đó góp phần hiện thực hoá định hướng xây dựng “một Việt Nam mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng” như hai bên mong muốn.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, hai nước cần tăng cường hiểu biết lẫn nhau, xây dựng và củng cố tin cậy chính trị giữa lãnh đạo, chính giới và nhân dân hai nước. Tăng cường trao đổi, tiếp xúc cấp cao thường xuyên hơn, giữa các kênh nghị viện, giữa các chính đảng, mở rộng trao đổi, đối thoại trên các lĩnh vực cùng quan tâm; thúc đẩy hơn nữa hợp tác địa phương, giao lưu nhân dân.

Hai bên cần xác định hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư là động lực chủ yếu và là “động cơ vĩnh cửu” thúc đẩy quan hệ song phương. Hoa Kỳ sớm thúc đẩy lộ trình công nhận Quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam và mở cửa thị trường hơn nữa cho hàng hóa của Việt Nam trên cơ sở bảo đảm cân bằng, bình đẳng, cùng có lợi.

Hai bên tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả thực hiện Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA) để thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác cụ thể, tăng cường kết nối giữa hai nền kinh tế và kịp thời giải quyết các vấn đề vướng mắc phát sinh.

Hoa Kỳ cần quan tâm hơn nữa, hỗ trợ thiết thực các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư phát triển các dự án lớn, nhất là công nghiệp chế tạo và mở rộng chuỗi cung ứng tại Việt Nam.

Về phần mình, Việt Nam sẵn sàng trao đổi, phối hợp để tạo những điều kiện thuận lợi cho hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư của Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho rằng hai bên cần sớm hoàn thiện các khuôn khổ hợp tác mới, làm cơ sở thúc đẩy, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác. Xác định khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ là lĩnh vực mang tính đột phá, không giới hạn. Tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên, trọng tâm: nền tảng công nghệ số, hệ sinh thái bán dẫn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi năng lượng, công nghệ sinh học, y tế, dược phẩm; đào tạo sinh viên và nguồn nhân lực chất lượng cao… Đáng lưu ý, hai bên cần tiếp tục hợp tác hiệu quả về quốc phòng, an ninh; tiếp tục thúc đẩy khắc phục hậu quả chiến tranh làm điểm sáng trong hợp tác giữa hai nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam sẵn sàng đóng vai trò cầu nối trong thúc đẩy hợp tác nhiều mặt giữa ASEAN, giữa các nước tiểu vùng Me Kong với Hoa Kỳ và các đối tác khác; đóng góp vào các nỗ lực chung về trung gian hòa giải, đối thoại, giải quyết hòa bình các tranh chấp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng trong những thập kỷ tới và xa hơn nữa, với tinh thần quyết tâm, lòng tin và sự chân thành, quan hệ giữa hai nước sẽ tiếp tục được củng cố và vun đắp; các thế hệ tương lai của hai dân tộc sẽ luôn là những người bạn tốt và chân thành của nhau.

Kết thúc bài phát biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại câu nói của Tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln để nhấn mạnh quan điểm của mình: “Luôn nhớ rằng quyết tâm thành công của chính bạn quan trọng hơn bất cứ điều gì khác”.

Bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính được Hiệu trưởng trường Đại học Georgetown Joel Hellman và các giáo sư, sinh viên nhiệt liệt hưởng ứng; đồng thời đặt thêm nhiều câu hỏi dành cho Thủ tướng.

Trả lời câu hỏi liên quan việc Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định lại đường lối đối ngoại của Việt Nam và nhấn mạnh, việc nâng cấp quan hệ hai nước phụ thuộc lợi ích, mong muốn của nhân dân hai nước; có lợi cho hòa binh, hợp tác, phát triển trong khu vực và thế giới. Việt Nam và Hoa Kỳ xây dựng các chương trình cụ thể để triển khai, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, đầu tư, thương mại và giáo dục, đào tạo, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo…

Đối với câu hỏi về sự tham gia của Việt Nam trong chống biến đổi khí hậu, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đây là vấn đề toàn cầu, toàn dân nên có cách tiếp cập toàn cầu, toàn dân. Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện vấn đề này, trong đó đã cam kết và thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và người dân vừa là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực và nguồn lực trong thực hiện chống biến đổi khí hậu.

Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).