Dự kiến, Tổng thống Macron sẽ công bố các biện pháp mới được đưa ra dựa trên phân tích các cuộc tranh luận quốc gia vốn được tổ chức để tìm ra cách thức chấm dứt cuộc khủng hoảng xã hội đã kéo dài suốt 5 tháng qua tại Pháp.
Phe "Áo vàng" biểu tình tại Laval, miền tây nước Pháp ngày 13/4. Ảnh: AFP/TTXVN |
Bộ Nội vụ Pháp thông báo 31.000 người tham gia biểu tình trên cả nước ngày 13/4, cao hơn mức 22.300 người tham gia cuộc biểu tình tuần trước. Riêng tại thủ đô Paris, biểu tình lần này có sự tham gia của 5.000 người, cao hơn mức 3.500 người của tuần trước.
Tuy nhiên, các nhà tổ chức biểu tình khẳng định số liệu thống kê của chính phủ thấp hơn thực tế rất nhiều. Trong cuộc biểu tình ngày 13/4, cảnh sát đã bắt giữ 15 người tại Paris và kiểm tra thông tin cá nhân của 5.885 người. Theo luật mới, người biểu tình Paris bị cấm tới khu vực đại lộ Champs-Elysees, nơi từng chứng kiến bạo lực bùng phát trong một số cuộc biểu tình trước đó.
Thành phố Toulouse, miền Nam nước Pháp, không khí căng thẳng được đánh giá là dâng lên đỉnh điểm khi lực lượng cảnh sát dùng súng hơi cay và lựu đạn khói để ngăn chặn đoàn người biểu tình trong khi những người biểu tình cũng đốt phá nhiều dụng cụ xây dựng và một xe tải. Ở các thành phố Bordeaux và Montpellier, miền Nam nước Pháp, các cuộc biểu tình diễn ra với qui mô nhỏ hơn.
Đây là cuộc biểu tình đầu tiên kể từ khi Tổng thống Macorn ký ban hành luật tăng cường quyền lực cho lực lượng an ninh trấn áp hoạt động biểu tình. Phong trào biểu tình "Áo vàng" được cho là chuẩn bị cho ngày biểu tình hằng tuần tiếp theo vào 20/4 này để thể hiện phản ứng với các biện pháp mà Tổng thống Macron dự định công bố trong vài ngày tới.
Trong số các biện pháp mới có thể sẽ có biện pháp cắt giảm thuế thu nhập hoặc một kế hoạch tăng lương hưu theo tình hình lạm phát nhằm xoa dịu sự bất bình của người dân với kế hoạch tăng thuế nhiên liệu vốn là nguyên nhân khởi phát của phong trào biểu tình "Áo vàng".