Sức mua giảm mạnh
Từ Tết ông Công ông Táo (23 tháng Chạp) trở đi là thời điểm người dân mua sắm nhộn nhịp. Nắm bắt tâm lý của người dân, các tiểu thương tích trữ hàng hóa từ trước Tết cả tháng. Năm nay, nhiều tiểu thương muốn bán hàng bù lại trong một năm vắng khách. Nhưng dịch COVID-19 bùng phát, khiến tiểu thương “méo mặt” vì sức mua sụt giảm. Khảo sát của PV Tiền Phong tại các tuyến phố lớn và chợ dân sinh ở Hà Nội như chợ Hôm, Cầu Giấy, Long Biên… cho thấy, bánh kẹo, mứt tết, hàng khô được bày bán tràn lan nhưng thưa thớt người mua.
Chị Nguyễn Lan, bán bánh kẹo, mứt tết tại chợ Hôm cho biết, vào tháng này mọi năm, khách xếp hàng mua bánh kẹo, mứt, rượu bia. Nhiều khách phải chờ cả tiếng đồng hồ mới đến lượt thanh toán. Nhưng năm nay dịch bùng phát, người dân tránh tập trung đông người nên sức mua giảm một nửa.
“Mọi năm, từ giờ đến Tết, gia đình tôi bán hàng từ sáng sớm đến 8-9h tối chưa hết khách, phải thuê thêm nhân viên phục vụ.Thế nhưng năm nay, lượng khách mua giảm. Dù đã lấy hàng ít hơn mọi năm, nhưng quầy hàng của tôi đối mặt với nguy cơ ế ẩm”, chị Lan thở dài chia sẻ.
Chợ Đồng Xuân cách đây 2 tuần xe tải nối đuôi nhau chở hàng hóa ra vào tấp nập. Đường dẫn vào chợ tắc nghẽn. Thế nhưng từ lúc dịch bệnh bùng phát, các con phố dẫn vào chợ vắng vẻ lạ thường.
Chị Thu Hoài, tiểu thương bán lọ hoa, bát đĩa phố Hàng Khoai cho biết: “Tôi buôn bán ở đây 30 năm, nhưng chưa thấy năm nào đến 22 Tết mà người dân mua sắm lại thưa đến vậy. Cách đây hơn tuần, mỗi ngày tôi bán mấy chục triệu tiền hàng giờ ngồi cả ngày chỉ bán được vài trăm nghìn trong khi hàng Tết còn đầy trong kho. Cứ thế này chắc năm nay tôi không có Tết”.
Trong chợ Đồng Xuân, thay vì cảnh người người mua sắm, đóng gói hàng như Tết năm ngoái, thời điểm này các tiểu thương vẫn ngồi ngóng khách. Chị Thu Loan, bán mứt kẹo trong chợ cho hay: “Cả năm do ảnh hưởng của COVID-19, phần lớn thời gian chúng tôi đóng cửa sạp. Tất cả trông vào dịp Tết, nhưng chỉ mới bán được vài hôm thì COVID-19 xuất hiện trong cộng đồng, buôn bán lập tức sụt giảm hẳn”.
Phố Hàng Lược là chợ hoa và quà Tết của Hà Nội, rơi vào cảnh chỉ thấy người bán mà không thấy người mua. Tiểu thương ai mặt buồn rầu ngóng khách.
Trên các phố lớn Hàng Buồm, Hàng Bông, Hai Bà Trưng, Thái Hà, Phạm Ngọc Thạch…, các cửa hàng bánh kẹo, bia rượu bày tràn ra vỉa hè. Tuy nhiên, khách hàng thờ ơ lướt qua. Nhiều quầy hàng vắng tanh không bóng người mua.
Anh Minh Hùng, bán đồ tết trên phố Thái Hà cho biết: “Tâm lý ăn Tết đơn giản vì lo COVID-19 kéo dài của người tiêu dùng khiến giới bán hàng chúng tôi gặp khó khăn. Mọi năm, qua Rằm tháng Chạp đã rất đông khách. Chuyện xếp hàng mua đồ là thường tình, hàng nào cũng tấp nập khách mua, người bán không kịp còn phải huy động cả nhà ra phụ giúp. Nhưng năm nay, hàng hóa vẫn bày nhiều mà khách không thấy đâu”.
Tại siêu thị BigC, Vinmart, Aone, thời điểm này mọi năm người dân tấp nập giờ lượng khách giảm nhiều. Không chỉ tại Hà Nội, tiểu thương ở nhiều địa phương cũng “đứng ngồi không yên” vì sức mua giảm mạnh. Anh Nguyễn Thông, chủ đại lý tạp hóa tại Yên Định (Thanh Hoá) cho biết, dịp Tết mọi năm gia đình anh phải thuê thêm 3-5 nhân viên thời vụ bán hàng. Nhưng năm nay, địa phương yêu cầu người dân từ vùng dịch trở về phải tuân thủ quy định tự cách ly, khiến sức mua sụt giảm.
Tìm đủ cách để thu hồi vốn
Nhập hàng tết dè dặt, tiểu thương chợ mạng tìm đủ cách đẩy hàng. Hàng đặc sản thường không có bao bì, thương hiệu, đóng gói thủ công, khó bảo quản, do vậy, tình trạng ế ẩm càng khiến các chủ hàng lo lắng. Anh Văn Hoàng (bán hàng online tại Hà Nội) chia sẻ: “Tôi tham gia các hội nhóm chợ quê, chợ chung cư khắp khu vực để đăng bài bán hàng. Quay video chính mình ăn thử để khách tin, nhưng vẫn khó bán”.
Ôm hàng đi hội chợ, một số tiểu thương méo mặt vì COVID-19 bất ngờ bùng phát. Các điểm bán hàng bị thu hẹp, hoãn, hủy ngay trước thềm Tết Nguyên đán khiến tiểu thương không kịp trở tay. Kêu gọi giải cứu vườn hồng và 2 vườn quất, chị Lưu Hồng (tiểu thương Hà Nam) cho biết, đã đăng ký bán tại hội chợ và 20 điểm khác tại Hà Nôi và quê nhà, nhưng dịch về thì “toang” kế hoạch.
“Khách sỉ cũng hủy đơn hàng loạt. Hồng tỉ muội xả 39.000 đồng/gốc, ly 250.000 đồng/ chậu, quất từ 150.000 đồng/ chậu. Ngoài ra, còn rất nhiều hoa đồng tiền, đỗ quyên.Hàng đi hội chợ nên bảo hành to, đẹp, xuất sắc”, chị Hồng nói.
“Năm nay, quy định cách ly người trở về từ vùng dịch khiến sức mua sụt giảm. Người dân hạn chế qua lại chúc Tết họ hàng nên nhu cầu mua sắm không cao như trước. Sức mua của người dân tại địa phương cũng giảm sút do kinh tế khó khăn”. Anh Nguyễn Thông, chủ một đại lý tạp hóa tại Yên Định (Thanh Hóa)