Như bao cuộc tình thời chiến, những đôi trai gái đến với nhau từ những chuyến tiếp sức cho cách mạng. Ông Sẻ, bà Lợi cũng đến với nhau từ chuyến mang lương phẩm cho bộ đội ở xã Cẩm Hà. Rồi qua mai mối - cái tất yếu như chuẩn mực đúng-quy-trình, hai người đến với nhau, nên nghĩa vợ chồng vào năm 1949. Vì là thời chiến, nên cái sự loạn lạc nhũng nhiễu khắp nơi, không chừa cả cặp vợ chồng son. “Nó” kéo đến, “gõ cửa” nhà vào ngày… ông Sẻ bị Pháp bắt cùng một số thanh niên trong làng, đưa về Vĩnh Điện (thị xã Điện Bàn), bị nhốt, rồi bị tra khảo, bị đánh đập. Ông mất vài cái răng, ngón tay bị nhục hình, đến bây giờ vẫn còn quăm quắp, cong vẹo.
Ở làng rau tà quê, mối tình già này rất nổi tiếng. Ảnh: Mai Thành Chương |
Ba tháng trôi qua, chẳng moi được gì, hơn 150 người, kể cả ông Sẻ, bị Pháp đưa sang Savannakhet (Lào) lao động khổ sai. “Thanh niên trai tráng, làm cầu, làm đường khổ cực, dù bị ép buộc, cũng chẳng sá chi. “Khổ” nhất là nhớ bả suốt, dù gì, cũng mới cưới nhau mà, xa cách rứa ai chịu cho nổi” - ông Sẻ móm mém. Nhưng đó chưa là tận cùng “bi kịch” - theo cách ông nói.
Số là khoảng 10 tháng sau, do tù binh liên tục đấu tranh và cuộc chiến chuyển biến theo hướng bất lợi, Pháp buộc phải thả tự do cho mọi người. Trên đường trở về quê, ông hạnh phúc mường tượng cảnh trùng phùng người vợ trẻ mà mình rất yêu thương. Nhưng rồi hình dung ấy “rớt... cái bịch” khi ông vừa đặt chân nơi ngõ nhà, nghe hàng xóm thông báo: “Con Lợi nó bị bắt rồi”.
Thì ra, chỉ vài tháng sau khi ông Sẻ bị bắt, bà Lợi cũng cùng chung số phận với chồng vì “cái tội” tham gia cách mạng, tham gia Hội phụ nữ. Cũng như chồng, dù bị hăm dọa, đánh đập, bà Lợi chẳng hé lời nào. Nhớ lại thời khắc đó, bà cười hiền hậu: “Hắn hỏi tôi, mi làm tiểu đội trưởng đúng không? Rồi cầm dao dọa cắt tai nếu tôi không nói. Tôi... nổi cơn bướng, im re, hắn tức anh ách mà chẳng làm chi được. Mà không hiểu răng, hắn lùa vài trăm người đến gốc cây to hung lắm, lần qua lần lại một hồi, hắn bắt chỉ có ba người, có cả tôi”.
Vợ chồng cụ Sẻ - cụ Lợi. Ảnh: Vĩnh Sơn |
Tôi hỏi: “Trong tù, bà nhớ ông không?”. Bà vẫy tay, theo kiểu làm duyên của con gái: “Răng không nhớ mi, ổng chồng tau, tau nhớ chớ, cái tội ổng làm tau yêu ổng nhiều quá...”. Nghe vợ nói vậy, ông Sẻ cười khà khà, híp cả hai con mắt. Bà quay sang, âu yếm nâng ly nước cho ông.
Chiến tranh đi qua, hai vợ chồng rau cháo nương nhau, dắt nhau qua khổ cực. Cái sự tình cảm ấy của hai người, nức tiếng ở làng rau Trà Quế. “Kinh, bọn hắn làm gì cũng có đôi có cặp. Làm luống, tưới nước, nhổ cỏ chi cũng hai đứa hết, già rồi mà cũng rứa đó. Tôi thấy mà... thèm!” - một cụ ông ở làng rau Trà Quế, xã Cẩm Hà, TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) “ganh tị”.
Còn ông Sẻ, nhẹ nhàng đưa tôi về với một chút quá khứ: “Bây giờ thì đỡ rồi, chứ hồi ấy khó khăn lắm, tính từ trồng rau, làm lúa nuôi bộ đội, nuôi mình đến nay cũng gần 70 năm rồi chứ ít gì. Ngần ấy thời gian, nhất là những năm đầu sau giải phóng, khó khăn chung, hai vợ chồng phải dè sẻn, rau cháo nương nhau qua khó khăn. Từ rau, hai vợ chồng chăm lo cho năm con khôn lớn. Cả năm đứa cũng đều gắn bó với nghề trồng rau sạch, ngay cả đứa đầu, không may bị bệnh thần kinh, vẫn cần mẫn trồng rau sạch”.
Luống rau, tình yêu và cuộc sống của vợ chồng ông Sẻ, tựa hồ thiên tình sử đẹp. Việc trồng và chăm sóc rau, do ông Sẻ đảm nhận. Vợ ông - người tình trăm năm mà ông nói, cắt rau nhà, rồi mua thêm rau của hàng xóm đi bán. “Hội An có, Đà Nẵng có. Tôi đi bằng xe bò. Bữa mô không làm cỏ, ổng chở tôi đi, ôm eo ổng, tuy ốm mà sướng rơn” - bà Lợi hài hước.
Khi làng rau Trà Quế làm du lịch, thay vì nghỉ ngơi, đôi uyên ương này vẫn tiếp tục “vì nó đã ăn sâu vào máu thịt chúng tôi rồi, không bỏ được. Vả lại, không làm thấy ngứa ngáy chân tay lắm. Hơn nữa, nghề này nó nuôi mình, còn sức, mình phải giữ nghề, phải làm để con cháu, lớp sau này thấy mà biết trân trọng cây rau đã gắn bó với cả làng như thế nào”- ông Sẻ tâm sự.
Ông còn bảo, đâu chỉ có gia đình ông, mà hầu như cả làng Trà Quế này đều sống được từ rau sạch. Do đó, ông quan niệm, làm nghề phải giữ đúng chữ tín với du khách và người tiêu dùng. Còn giới hướng dẫn viên, thường “kéo” khách đến vườn rau ông Sẻ. Thông qua chuyển ngữ, du khách ồ lên, thán phục chuyện tình đẹp ấy.
Nhưng giờ thì ông bà đã già thật sự rồi, sự hiện diện của họ trên luống rau chỉ là để khuây khỏa tuổi già và... duy trì mối tình mà khối người ao ước. Đến bây giờ, tôi còn đọng lại hình ảnh lúc lên xe ra về, ông Sẻ gánh nước bằng thùng nhỏ, bà Lợi kề bên, lấy nón che cho chồng. Trộm nghĩ, có lẽ sứ mạng của họ trên cuộc đời này, bằng chính bản thân mình, là để những người trẻ tin vào tình yêu. Rằng tình yêu có thật. Vì vậy, khi anh đồng nghiệp xuýt xoa khen ngợi “tình già”. Tôi cãi: Già chi mà già. Rồi sến: Tình yêu làm quái gì có tuổi mà già với trẻ. Thôi thì để vừa lòng nhau tôi gọi đó là: Tình xuân, hỉ!