“Tinh thần Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn còn nguyên giá trị lịch sử…”

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - TS Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga chia sẻ quan điểm của ông về “tinh thần của Cách mạng Tháng Mười Nga”.
TS Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam -Liên bang Nga
TS Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam -Liên bang Nga

PV: Có một sự tương đồng giữa cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam và Cách mạng Tháng Mười Nga. Những bài học rút ra từ sự “tương đồng” ấy là gì, thưa ông?

TS Phan Chí Hiếu: Đúng là có sự tương đồng như vậy, nhưng không phải là ngẫu nhiên, mà theo tôi, sự tương đồng này là phù hợp quy luật của các cuộc đấu tranh cách mạng.

Cách mạng Tháng Mười Nga và Cách mạng Tháng Tám đều đặt ra mục tiêu cao cả là xóa bỏ chế độ cũ – chế độ áp bức, bóc lột, giành lấy chính quyền về tay nhân dân để xây dựng một Nhà nước kiểu mới, một xã hội hoàn toàn mới. Vì vậy, sau cách mạng thành công, hai chính quyền cách mạng non trẻ đã bị các thế lực phản động, đế quốc bao vây, tấn công, chống phá.

Xét về thời gian thì sau Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, những khó khăn, thách thức bên trong và bên ngoài đối với Đảng Bôn-sê-vích, đối với Nhà nước Xô-viết non trẻ diễn ra trước các sự kiện tại Việt Nam gần 30 năm. Do đó, Đảng ta đã vận dụng được nhiều bài học quý báu của Đảng Bôn-sê-vích, của Nhà nước Xô-viết; nhận được sự cổ vũ về tinh thần, được tác động tích cực từ những thắng lợi của nhân dân, quân đội Xô-viết.

Bài học quý báu mà Đảng ta đã đúc kết được là nắm vững vai trò lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo đất nước; kiên định mục tiêu, lý tưởng đã chọn; luôn tiên phong, gương mẫu; hoạch định chủ trương đường lối đúng đắn trong từng giai đoạn cách mạng, vì Tổ quốc, vì nhân dân; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

PV: Nhiều chuyên gia trong giới sử học và lý luận chính trị nhận định: “Đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga, Việt Nam đã làm nên Cách mạng Tháng Tám”. Ông có thể đánh giá và phân tích rõ hơn nhận định trên?

TS Phan Chí Hiếu: Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 là mốc son chói lọi trong lịch sử cách mạng thế giới, mở ra một thời đại mới cho nhân loại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, xây dựng xã hội mới tốt đẹp.

Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga, nhiều đảng cộng sản và công nhân ở các nước đã ra đời, hình thành một phong trào quốc tế sâu rộng khắp năm châu, đi tiên phong trong cuộc đấu tranh của loài người tiến bộ vì lý tưởng cao đẹp là độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga, những thành tựu của chế độ Xô-viết và chiến thắng của Liên Xô trong cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại đã tác động mạnh mẽ đến đời sống chính trị - xã hội của nhiều quốc gia, nhiều dân tộc; đã thức tỉnh, cổ vũ các dân tộc thuộc địa, các dân tộc bị áp bức, trong đó có Việt Nam, vùng dậy đấu tranh vì độc lập tự do, đem lại niềm tin và niềm hy vọng về khả năng tự giải phóng dân tộc. Lãnh tụ V.I. Lê-nin đã đánh giá: "Cuộc Cách mạng Tháng Mười của chúng ta đã mở ra một thời đại mới trong lịch sử thế giới".

Cách mạng Tháng Mười Nga đã có ảnh hưởng trực tiếp, nhiều mặt đến việc ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, đến thành công của Cách mạng Tháng Tám vĩ đại của dân tộc ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà cách mạng tiền bối của Đảng ta đã nhận thấy tấm gương sáng ở Đảng Bôn-sê-vích, ở đất nước của Lê-nin, tiếp thu những bài học quý báu về lãnh đạo cách mạng, về công tác vận động quần chúng, về tổ chức chính quyền và quản lý xã hội, đặt ra những mục tiêu cao cả để vươn tới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Con đường thắng lợi của cách mạng Việt Nam chính là theo con đường của Cách mạng Tháng Mười Nga, mà Lê-nin vĩ đại đã vạch ra cho nhân dân lao động toàn thế giới, cho các dân tộc bị áp bức và cho cả loài người tiến bộ đi đến thắng lợi hoàn toàn”.

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng phát biểu: “Chúng ta có đầy đủ căn cứ để khẳng định rằng, mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam đều gắn liền với ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga, cũng như sự ủng hộ và giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của nhân dân Liên Xô”.

PV: Những ngày lễ quốc gia chính thức của Liên bang Nga hiện không có ngày 7/11, điều đó có ảnh hưởng đến ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười Nga hay không?

TS Phan Chí Hiếu: Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, nước Nga dưới thời chính quyền của Tổng thống Bô-rít En-xin đã không còn ngày lễ chính thức của Nhà nước là ngày 7/11 nữa. Thay vào đó, Nga quyết định tổ chức ngày lễ Thống nhất dân tộc vào ngày 4/11 hằng năm.

Mặc dù chính quyền Tổng thống En-xin hồi đó cố ý xóa bỏ ngày kỷ niệm chính thức Cách mạng Xã hội chủ nghĩa Tháng Mười, nhưng các lực lượng cánh tả và một bộ phận nhân dân trong xã hội Nga vẫn ghi nhớ và có nhiều hình thức kỷ niệm, vì họ biết ơn Cách mạng, biết ơn Nhà nước và chế độ Xô-viết; họ tưởng nhớ, tri ân những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do, vì một xã hội bác ái, công bằng. Vào ngày 7 tháng 11 hằng năm, Đảng Cộng sản Liên bang Nga và lực lượng cánh tả, các cựu chiến binh Xô-viết/Nga tổ chức tuần hành ở Moskva và nhiều nơi khác, tổ chức viếng Lăng Lê-nin, gặp gỡ, giao lưu, ôn lại những ký ức về Cách mạng Tháng Mười.

Chính quyền của Tổng thống V. Putin rất chú trọng các chính sách xã hội, chăm lo cựu chiến binh, những người lao động lâu năm; chú trọng công tác giáo dục truyền thống, giáo dục lòng yêu nước; đã khôi phục danh hiệu Anh hùng Lao động như thời Xô-viết. Nhờ đó, vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười, ở Nga có nhiều hoạt động thể hiện những tình cảm, tri ân, hoài niệm về Cách mạng Tháng Mười.

Tôi cho rằng, mặc dù chính quyền Liên bang Nga hiện không còn quy định về ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười, nhưng tinh thần của Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn còn mãi trong tâm hồn nhiều người dân Nga; tinh thần Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn còn nguyên giá trị lịch sử…

PV: Những hoạt động đối ngoại nhân dân của Hội Hữu nghị Việt Nam-Liên bang Nga, đóng vai trò kết nối quan hệ giữa các doanh nghiệp, trường học, địa phương hai nước Việt Nam và Nga nhằm tìm kiếm thị trường, hợp tác về giáo dục – đào tạo, du lịch, trao đổi văn hoá… - trong thời gian qua, đã được cụ thể hóa như thế nào?

TS Phan Chí Hiếu: Nhiều năm gần đây, trong hoạt động của Hội Hữu nghị Việt Nam-Liên bang Nga có nhiều đổi mới. Bên cạnh những hoạt động truyền thống, như gặp gỡ, giao lưu, kỷ niệm những ngày lễ của hai nước và những sự kiện quan trọng trong quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt – Nga, thì Hội Hữu nghị Việt Nam-Liên bang Nga đã chú trọng những hoạt động, kết nối, giới thiệu, hỗ trợ các địa phương, tổ chức, trường học, doanh nghiệp hai nước Việt Nam và Nga tìm kiếm, xác lập quan hệ đối tác với nhau, thúc đẩy hợp tác có kết quả cụ thể, cùng có lợi.

Đặc biệt, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Hội Hữu nghị Việt Nam-Liên bang Nga (nhiệm kỳ 2023 – 2028) đã thông qua chương trình hành động toàn khóa với nhiều biện pháp cụ thể nhằm triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo phương hướng mới.

Hội Hữu nghị Việt Nam-Liên bang Nga hiện đang chuẩn bị thành lập Trung tâm Xúc tiến hợp tác kinh tế - thương mại và văn hóa trực thuộc Hội để có một đơn vị chuyên trách lĩnh vực hoạt động này.

Gần đây nhất, trong hai ngày 2 – 3/10/2024, Hội Hữu nghị Việt Nam-Liên bang Nga hỗ trợ, kết nối đoàn doanh nghiệp tỉnh Amur (vùng Viễn Đông Nga) sang Việt Nam làm việc với đại diện gần 40 doanh nghiệp Việt Nam ở Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hà Giang, Ninh Bình, TP Hồ Chí Minh… để tìm hiểu thị trường, phát triển quan hệ kinh tế - thương mại.

Hội Hữu nghị Việt Nam-Liên bang Nga mở rộng mạng lưới các đối tác tại Nga. Ngoài đối tác chính là Hội Hữu nghị Liên bang Nga- Việt Nam, Hội Hữu nghị Việt Nam-Liên bang Nga đã ký Thỏa thuận hợp tác với chính quyền thành phố Saint Petersburg (Nga), với Trường Đại học Sư phạm quốc gia mang tên N. Herzen ở Saint Petersburg, thiết lập quan hệ đối tác với một số trường Đại học khác… nhằm hỗ trợ lẫn nhau trong việc quảng bá tiếng Việt ở Nga, tiếng Nga ở Việt Nam và nhiều hoạt động phối hợp khác.

PV: Xin cảm ơn ông!

Tiến sĩ luật học Phan Chí Hiếu sinh năm 1969. Ông là Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.

Trong quá trình công tác, TS Phan Chí Hiếu từng giữ các chức vụ: Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp, Giám đốc Học viện Tư pháp; Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tư pháp.

Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).