Mở đầu bài phát biểu, Thủ tướng “bồi hồi nhớ lại” cuộc đối thoại năm 2016 cùng cộng đồng doanh nghiệp với chủ đề “Doanh nghiệp động lực nền kinh tế Việt Nam.
Thủ tướng cho rằng: hội nghị đó không chỉ tiếp thu các kiến nghị của doanh nghiệp, mà còn lắng nghe những giải pháp để phát triển kinh tế Việt Nam trong bối cảnh Chính phủ mới đối mặt với nhiều tồn tại, thách thức.
“Sự kiện lần này tổ chức tại Thu đô, tôi nhớ nhà tư sản Bạch Thái Bưởi có nói: “Tôi muốn làm thủ đô Hà nội tươi đẹp như Paris”. Tôi nhớ người thầy, chí sĩ Lương Văn Can cũng từng nói: trong kinh doanh điều quan trọng là cung cấp cái người ta cần và phải kịp thời”. Bài học, tấm gương và khát vọng của họ làm rạng danh doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng nhấn mạnh: hội nghị hôm nay Chính phủ sẽ lắng nghe doanh nghiệp, phân tích các kết quả đã đạt được, những tồn tại, hạn chế, yếu kém để xây dựng thể chế cho doanh nghiệp phát triển, kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh và cải cách thủ tục hành chính.
“Tôi tin rằng các bạn đã nhìn thấy nỗ lực của chúng tôi để doanh nghiệp phát triển, thành đạt và bền vững. Chính phủ hiểu rằng đó là những bước đi đầu tiên và kết quả còn rất khiêm tốn. Còn nhiều việc phải làm, còn rất nhiều rào cản sự phát tiển của doanh nghiệp”, Thủ tướng khẳng định.
Vì vậy, Thủ tướng nói rằng: Chính phủ cần nhận được những ý kiến thẳng thắn của doanh nghiệp. “Mục tiêu, tinh thần của hội nghị hôm nay là thẳng thắn và chân thành, để bắt đầu hội nghị trong một khí thế mới”, Thủ tướng nói.
Nhắc tới Hội nghị Trung ương 5 vừa kết thúc, Thủ tướng nhấn mạnh đến việc đề cao, coi trọng kinh tế tư nhân là động lực quan trọng phát triển kinh tế đất nước.
“Với doanh nhân, thời gian là tiền bạc. Vì thế, tôi vô cùng trân trọng các đại biểu đã đến tham dự hội nghị hôm nay”, Thủ tướng ngỏ lời.
Chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp” thể hiện quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ, hỗ trợ để doanh nghiệp thực sự là động lực phát triển của đất nước.
Về nội dung, hội nghị này sẽ đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 35. Các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp hiến kế, kiến nghị; các bộ, ngành, địa phương trao đổi, thảo luận với doanh nghiệp để giải quyết các vướng mắc, kiến nghị. Thủ tướng Chính phủ sẽ kết luận hội nghị. Sau hội nghị, Thủ tướng có chỉ thị cụ thể để các cơ quan nhà nước thực hiện.
Hội nghị được tổ chức theo hai hình thức gồm trực tiếp và trực tuyến. Dự kiến khoảng 2.000 đại biểu (gấp 4 lần năm 2016) sẽ trực tiếp tham dự hội nghị, trong đó khối doanh nghiệp dân doanh khoảng 1.500 đại biểu, cùng các đại biểu từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp đã cổ phần hóa, một số sứ quán và các định chế tài chính lớn, các cơ quan nhà nước, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương...
Tham dự hội nghị qua hình thức trực tuyến có lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố cùng các đại biểu doanh nghiệp, với số lượng 50-100 người mỗi điểm cầu. Hội nghị cũng sẽ được truyền hình trực tiếp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
Ngay sau hội nghị, trong cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ sẽ họp với các bộ, ngành, cơ quan để xem xét, xử lý kiến nghị của doanh nghiệp; Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và VCCI đồng chủ trì họp báo về Hội nghị.
Theo Pháp luật TP HCM