Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp 2017 sẽ diễn ra sáng nay (17/5) tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) với chủ đề "Đồng hành cùng doanh nghiệp". So với lần đầu tổ chức tháng 4/2016 với khoảng 500 lãnh đạo doanh nghiệp tham dự trực tiếp, sự kiện này có quy mô lớn hơn khá nhiều. Sau phiên đối thoại, Chính phủ dự kiến sẽ họp ngay chiều nay để bàn giải pháp cho các kiến nghị doanh nghiệp nêu ra.
Cùng với việc tổng kết những thành quả đã đạt được sau một năm thực hiện Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, mục tiêu của hội nghị lần này là tiếp tục củng cố, xây dựng các phương hướng mới, tháo gỡ những vướng mắc còn tồn tại để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Tại báo cáo chuẩn bị cho hội nghị, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng 5 nhóm giải pháp chính được đưa ra tại Nghị quyết năm 2016 đã góp phần thực hiện mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi nhất để khởi nghiệp kinh doanh, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng sau một năm thực hiện đã thu được những kết quả tích cực.
Các hành động của bộ máy quản lý được thể hiện bằng 50 nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh được ban hành giúp đơn giản hóa 4.527 trên tổng số 4.723 thủ tục hành chính (gần 96%). Bộ này cũng tổng kết kể từ Hội nghị Thủ tướng gặp doanh nghiệp tháng 4/2016 đến nay, gần 1.100 kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp đã được tiếp nhận và chuyển tới các cơ quan nhà nước, trong đó đã có 850 kiến nghị được xử lý, giải quyết, trả lời... (đạt tỷ lệ 77%).
Kết quả là năm 2016 đã ghi nhận một làn sóng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh mạnh mẽ. Hàng trăm hội nghị, hội thảo, sự kiện, cuộc thi về khởi nghiệp được tổ chức; 28 không gian làm việc chung và sáng tạo ra đời; mạng lưới các nhà đầu tư cá nhân cho khởi nghiệp bắt đầu được hình thành.
Nhiều địa phương cũng đã xây dựng và triển khai nhiều sáng kiến trong đối thoại với doanh nghiệp. Các chương trình như Cà phê doanh nhân (Quảng Ninh, Trà Vinh, An Giang, Sóc Trăng…), Khởi nghiệp doanh nhân (Kon Tum) hay mô hình Bác sĩ doanh nghiệp (Bắc Ninh) là một trong những ví dụ điển hình.
Tuy nhiên, báo cáo nêu trên và tập hợp ý kiến doanh nghiệp của Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng chỉ ra những điểm còn tồn tại bên cạnh kết quả đạt được. Dù phần lớn kiến nghị của doanh nghiệp được các Bộ, ngành ghi nhận, tháo gỡ, song thực tế vẫn còn nhiều nút thắt thể chế, môi trường kinh doanh vẫn là nỗi ám ảnh với họ.
Dẫn lại kết quả nghiên cứu Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016, VCCI cho hay, khoảng 66% trong số 11.000 doanh nghiệp được hỏi xác nhận phải trả các khoản phí không chính thức để hỗ trỡ các thủ tục hành chính. Nghĩa là trung bình cứ 3 doanh nghiệp được hỏi thì có 2 doanh nghiệp xác nhận trả phí bôi trơn.
"Có từ 9-11% doanh nghiệp tham gia điều tra năm 2014-2016 cho biết các khoản chi phí cho riêng mục này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ, cao hơn hẳn mức 6-8% giai đoạn 5 năm trước", báo cáo nêu.
Những quy định về điều kiện kinh doanh, quản lý chuyên ngành còn nhiều mâu thuẫn, chưa thống nhất, trong khi sự phối hợp giữa các đơn vị có liên quan trên phạm vi địa phương chưa thực sự hiệu quả, cũng là những điểm nghẽn cần tháo gỡ.
Ngoài ra, báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư còn nhắc đến vấn đề chồng chéo, trùng lắp trong nội dung thanh tra, kiểm tra của ngành thanh tra và ngành kiểm toán như một ví dụ về tồn tại trong sửa đổi thủ tục hành chính. Có doanh nghiệp đã phản ánh năm 2016 đã phải tiếp đến 9 đoàn thanh tra, kiểm tra hay một số cuộc thanh tra còn kéo dài khi xây dựng báo cáo và kết luận thanh tra, chất lượng còn chưa cao.
Những vấn đề nêu trên dự kiến sẽ tiếp tục được doanh nghiệp chia sẻ với lãnh đạo Chính phủ với hy vọng tìm được giải pháp tháo gỡ khó khăn tại hội nghị hôm nay.