Vẫn phải đào tạo lại
Hiện nay, TP Hồ Chí Minh có 200 cơ sở đào tạo du lịch, trong đó có 62 trường đại học có khoa du lịch; 54 trường cao đẳng, 71 trường trung cấp, 4 trung tâm dạy nghề. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo còn chưa cao, cụ thể như trình độ ngoại ngữ của các sinh viên sau khi ra trường còn yếu nên chưa tiếp cận được ngay với công việc và thường phải đào tạo lại.
Bà Trần Thị Việt Hương, Giám đốc nhân sự của Công ty du lịch Vietravel cho biết, đối với các sinh viên mới ra trường, điểm yếu là kỹ năng giao tiếp và xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình làm việc với khách hàng, với đồng nghiệp... Mặt khác, năng lực ngoại ngữ và thái độ làm việc chưa đạt như kỳ vọng. Vì vậy, 90% lực lượng ứng viên mới tốt nghiệp đều cần đào tạo lại để có thể thích ứng dần với công việc của đơn vị. Hiện nay, công ty đang có nhu cầu tuyển dụng các vị trí liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin, định hướng và phát triển dự án, kế hoạch, sản phẩm thị trường ở xa nhưng vẫn rất khó tuyển ứng viên phù hợp.
Cùng quan điểm, bà Đoàn Trần Phương Thảo, Giám đốc nhân sự Tập đoàn IHG, khách sạn InterContinental Saigon lo ngại, ngành du lịch đang đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực và yếu về chất lượng. Trong khi đó, hiện nay ngành du lịch đang cần 40.000 người lao động có trình độ nhưng các trường đào tạo tay nghề cao mới chỉ đáp ứng 15.000 người lao động. Mặt khác, trong công tác đào tạo về du lịch, hầu hết các đơn vị đều gặp khó khăn chung là chương trình đào tạo chưa sát với thực tế; chất lượng chuyên môn, kỹ năng chưa được cải thiện nhiều. Vì vậy, các doanh nghiệp du lịch đang vất vả tìm kiếm nguồn nhân lực để bổ sung cho giai đoạn sắp tới.
"Nguyên nhân của tình trạng thiếu nhân lực ngành du lịch là do sự chuyển dịch về nguồn lao động giữa các ngành nghề, giữa các địa phương trong thời gian dịch bệnh. Thống kê sơ bộ, có 80% lực lượng lao động du lịch nghỉ việc hoặc chuyển đổi ngành nghề trong thời gian dịch bệnh. Đây là một thách thức khá lớn đối với ngành du lịch khi khôi phục các hoạt động trở lại trong giai đoạn mới", bà Trần Thị Việt Hương cho biết thêm.
Theo bà Trần Thị Việt Hương, để bổ sung nguồn nhân lực đang bị thiếu hụt, công ty sẵn sàng tiếp nhận sinh viên ở các trường trong nước, sinh viên nước ngoài đến làm việc. Tuy nhiên, đối với sinh viên nước ngoài sẽ khó tiếp cận công việc hơn vì thói quen văn hóa, lối sống, chưa kể người nước ngoài còn khó đáp ứng được áp lực khi làm việc ở Việt Nam.
Chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao
Bà Trần Thị Việt Hương cho biết, muốn khôi phục nguồn nhân lực cho ngành du lịch, sắp tới ngành cần tập trung tối đa nguồn lực cho công tác đào tạo, tái đào tạo nhân lực chuyên nghiệp. Trong khâu đào tạo, cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao theo hướng đột phá trong chiến lược phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cần tăng cường vai trò là cầu nối liên kết giữa nhà nước, doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nghề du lịch trong việc xây dựng chương trình đào tạo nghề, sao cho phù hợp theo nhu cầu thực tế. Đối với các cơ sở đào tạo, cần không ngừng cập nhật xu thế phát triển du lịch để đào tạo các ngành nghề phù hợp.
Theo bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, trong thời gian qua, Sở đã phối hợp với Cục Thống kê đánh giá tổng thể thực trạng nguồn nhân lực du lịch để đưa ra giải pháp cụ thể. Trước mắt, Sở đã phối hợp với trung tâm tiếng Hàn, Tổng lãnh sự quán Nhật Bản hợp tác tổ chức lớp bồi dưỡng ngoại ngữ hiếm như: tiếng Nhật, Hàn, Tây Ban Nha... cho lực lượng hướng dẫn viên, qua đó trao dồi các kiến thức về hướng dẫn viên du lịch. Đây cũng là hình thức khuyến khích các đối tượng sẽ tiếp tục gắn bó với nghề du lịch trong thời gian ngành du lịch đang khôi phục trở lại.
“Sở sẽ tiếp tục chủ động liên kết với các cơ sở đào tạo tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn và dài hạn cho đội ngũ lao động trong ngành du lịch để đào tạo trình độ nghiệp vụ chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, kỹ năng ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin… chuẩn hóa theo hướng chuyên nghiệp, đạt trình độ quốc tế về tất cả các mặt, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế”, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu cho biết thêm.
Chia sẻ về tiềm năng việc làm của các ngành liên quan đến du lịch, bà Thái Thị Hoài Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm thanh niên TP Hồ Chí Minh cho biết, năm 2023 ngành quản trị du lịch và lữ hành sẽ phát triển, mang nhiều tín hiệu tích cực trong thời gian tới. Vì vậy, các trường học cần chú trọng đào tạo nhân lực này để khi các em ra trường, ai cũng có thể tiếp cận được các ngành ngành nghề phù hợp nhất.
"Theo thống kê, trung bình một cơ sở đào tạo chỉ cung cấp được khoảng 75 lao động có tay nghề cao trong ngành du lịch. Trong khi thực tế, các đơn vị doanh nghiệp ngành du lịch luôn cần nhiều lao động chất lượng cao, tay nghề cao. Hiện nay, ngành quản trị du lịch và lữ hành cũng đã trở thành ngành công nghiệp thứ 6 và được nhiều doanh nghiệp đặt hàng cho các cơ sở đào tạo. Vì vậy, chúng ta cần hướng nghiệp cho các em biết và theo ngành nghề này từ những năm trung học", bà Thái Thị Hoài Sơn đề xuất thêm.