Trắc trở vào phút chót khi Việt Nam đàm phán gia nhập ASEAN

(Ngày Nay) - Trải qua nhiều nghi kỵ, Việt Nam và các thành viên ASEAN đã phải nỗ lực rất nhiều để vượt qua những khác biệt trong suốt 22 năm qua.
    Ông Đỗ Ngọc Sơn trao cờ Việt Nam cho Tổng thư ký ASEAN trong lễ kết nạp năm 1995. Ảnh: NVCC.
    Ông Đỗ Ngọc Sơn trao cờ Việt Nam cho Tổng thư ký ASEAN trong lễ kết nạp năm 1995. Ảnh: NVCC.
    "Khi chỉ còn khoảng ba ngày nữa là đến phiên họp kết nạp Việt Nam vào Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, bất ngờ một thành viên của khối nêu ra vấn đề thuyền nhân Việt Nam", ông Đỗ Ngọc Sơn, nguyên Vụ trưởng vụ ASEAN, kể lại với VnExpress về sự cố tháng 7 năm 1995.
    Vấn đề thuyền nhân đã được ASEAN thảo luận trước đó và đi đến thống nhất. Thế nhưng tại hội nghị các ngoại trưởng ASEAN (AMM) ở Brunei, thành viên kia vẫn gợi lại vì muốn "ép" Việt Nam ủng hộ quan điểm về chiến tranh Bosna và Hercegovina, vì họ có 1.500 quân đóng ở Bosna.
    "Thành viên đó muốn thử xem Việt Nam có thực sự quan tâm đến quan điểm chung của Hiệp hội hay không. Biết được điều này, Việt Nam đã nêu rõ những điểm không nhất trí và những điểm có thể đồng tình. Chúng ta kiên quyết bảo vệ lập trường của mình, thậm chí đặt cả vấn đề sẽ không gia nhập ASEAN nữa nếu phải thay đổi quan điểm", ông Sơn nói.
    Cuối cùng ASEAN vẫn ra được tuyên bố chung về Nam Tư, có sự hài hoà quan điểm của các bên. Tiếp đó, lễ kết nạp Việt Nam cũng được xúc tiến.
    Là người theo đuổi đàm phán từ khi Việt Nam là quan sát viên của ASEAN năm 1992, ông Sơn vẫn còn nhớ nguyên cảm giác khi được giao trọng trách dâng cờ tổ quốc cho Tổng thư ký ASEAN Ajit Singh trong buổi lễ ngày 28/7/1995, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 7 của Hiệp hội.
    "Khi nghe bản quốc ca Việt Nam vang lên, đứng trước Tổng thư ký ASEAN và ngoại trưởng các nước, xúc động trào dâng trong lòng, tôi chỉ lo khi ấy mình có sơ sảy gì", ông Sơn nói về sự hồi hộp của mình.
    Việc chính thức là thành viên của ASEAN mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội mới, Mỹ quyết định bình thường hoá quan hệ với Việt Nam, Uỷ ban châu Âu (EC) cũng ký hiệp định khung hợp tác. Sau này, khi kết nạp thêm Lào, Campuchia và Myanmar, Hiệp hội đã thực hiện được giấc mơ có đủ 10 nước thành viên trong khu vực Đông Nam Á.
    So sánh hiện tại với thời điểm cách đây 50 năm, ông Sơn cho hay có sự khác biệt lớn trong quan hệ giữa Việt Nam và các nước còn lại. Thời điểm năm 1967, 5 nước Thái Lan, Philippines, Singapore, Malaysia và Indonesia thành lập ASEAN, mục đích là tự bảo vệ mình khỏi sự cạnh tranh giữa Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc. Họ không muốn dính líu đến chiến tranh Đông Dương. Hoài nghi lớn nhất của các nước với Việt Nam là sự "bành trướng chủ nghĩa cộng sản" xuống Đông Nam Á, do Liên Xô đứng đầu và Trung Quốc hỗ trợ.
    Năm 1989, khi Việt Nam tuyên bố rút quân khỏi Campuchia, tham gia đàm phán Hiệp định Paris về Campuchia năm 1991, các nước lúc đó mới phần nào dịu đi những nghi ngờ. Và họ cũng nhận thấy thiện chí của Việt Nam tham gia vào tiến trình hội nhập của khu vực.
    Về phía mình, Việt Nam cho rằng các thành viên ban đầu thành lập ASEAN là "hỗ trợ các thế lực bên ngoài chống lại Việt Nam" trong chiến tranh Đông Dương, do khác ý thức hệ. Sau khoảng thời gian ba năm làm quan sát viên, Việt Nam đã tìm hiểu kỹ hơn về Hiệp hội, đồng thời bày tỏ lập trường của mình với ASEAN và các vấn đề khu vực.
    "Chặng đường gia nhập ASEAN của Việt Nam đầy gian nan. Dần dần, các nước trong Hiệp hội không còn nghi kỵ, thân thiện hơn và cùng thúc đẩy cơ chế hợp tác vì ổn định và hoà bình", ông Sơn kể lại.
    Với vai trò là Vụ trưởng Vụ ASEAN, ông Sơn tham gia khoảng 200 cuộc họp mỗi năm, để hiểu được quy trình, thủ tục của Hiệp hội. Ông Sơn cho hay các cuộc họp nhiều khi căng thẳng nhưng cũng không ít niềm vui. Chẳng hạn như các thành viên yêu cầu Việt Nam "vào ASEAN là phải biết hát karaoke, biết chơi golf".
    "Nếu nói thân thiết quá một ai thì không hẳn, mỗi người có một cá tính khác nhau. Nhưng tôi và đại diện của Singapore có thể đứng nói chuyện bên lề rất lâu vì cùng hút một loại thuốc. Với những người khác từ Thái Lan, Philippines hay Indonesia, tôi đều tìm cách lắng nghe xem họ quan tâm vấn đề gì", ông Sơn chia sẻ.
    Thách thức hiện tại
    Đề cập tới thực tế ASEAN đang phải đối diện với một thách thức lớn, gây nguy cơ chia rẽ vì khác biệt về vấn đề Biển Đông, nguyên vụ trưởng khẳng định áp lực đó chủ yếu đến từ bên ngoài, xuất phát từ cạnh tranh chiến lược của các nước lớn. Philippines, Campuchia chịu tác động khi Trung Quốc tăng cường gây ảnh hưởng trong khu vực về mặt kinh tế. Ông Sơn khẳng định tổ chức nào cũng có thể gặp phải vấn đề khác biệt về lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc. Để đạt được sự đồng thuận, các thành viên ASEAN cần có thời gian để thảo luận, trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau.
    Ông Sơn ví ngôi nhà ASEAN như đang đứng trước những cơn áp thấp nhiệt đới, trong cạnh tranh giữa các nước lớn, để tránh bị xiêu vẹo hay sụp đổ, các nước thành viên cần nỗ lực gia cố tường, móng, đó chính là củng cố nội lực của mình. Hơn thế, có một hệ thống các dây chằng, là mạng lưới quan hệ giữa với các nước lớn. Dây nào cần chùng, dây nào cần căng, các nước cần xem xét để điều phối nó.
    Ở Biển Đông, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia đều thể hiện mối quan tâm lớn. Các nước cũng lên tiếng ủng hộ phán quyết năm ngoái của Toà trọng tài quốc tế với vụ Philippines kiện Trung Quốc về "đường 9 đoạn" phi lý. Nguyên vụ trưởng nhắc lại việc ASEAN từng thể hiện quan điểm về nguy cơ ở Biển Đông, ra Tuyên bố về vấn đề này từ năm 1992, khi Việt Nam chưa là thành viên của Hiệp hội.
    "Sức ép từ bên ngoài rất lớn, nhưng nếu mạnh quá, ép các nước vào chân tường thì các nước lớn khác, cũng vì lợi ích của họ ở khu vực, sẽ có phản ứng", ông Sơn dự đoán.
    Nhìn lại chặng đường 22 năm của Việt Nam trong ASEAN, từ kinh nghiệm bản thân, nguyên vụ trưởng cho rằng khi có khó khăn cần nêu cao ba vấn đề. Đó là tìm kiếm bạn bè để có sự ủng hộ của họ, tôn trọng các nguyên tắc của hiệp hội và kỹ thuật thương lượng. Lợi ích ai cũng có, cần có sự thương thuyết, nhận biết mối quan tâm của các nước, nhân nhượng, thậm chí là phải chờ đợi.
    Đề cập tới câu chuyện gần đây các thành viên ASEAN và các đối tác tăng cường kêu gọi Hiệp hội đoàn kết, duy trì vai trò trung tâm, cựu vụ trưởng ASEAN cho rằng để có sự gắn kết đó, ASEAN cần có chất kết dính, "giống như xây nhà phải có xi măng".
    Ông nhớ lại thời điểm cách đây 50 năm, chất kết dính của 5 nước thành viên ban đầu là mối liên kết ngăn ngừa chiến tranh Đông Dương, vấn đề Campuchia. Đó chính là điều khiến ASEAN thu hút được sự quan tâm của các nước lớn. Sau đó khi Hiệp hội có 10 thành viên đầy đủ, sự gắn kết là sự hỗ trợ của thành viên cũ với thành viên mới có sự phát triển đồng đều, cùng có nhu cầu hội nhập. Thế nhưng, trong bối cảnh hiện nay, khi một số nước chuyển mối quan tâm vào vấn đề nội bộ, có xu hướng ly tâm, thì ASEAN phải đứng trước sự lựa chọn phải tìm ra điểm chung mới để gắn kết.
    "Điều tôi băn khoăn nhất hiện nay là chất kết dính mới của ASEAN là gì", ông Sơn bày tỏ.
    Theo Vnexpress
    Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington DC.,. : CNN.
    Quốc hội Mỹ thông qua dự luật viện trợ cho Ukraine
    (Ngày Nay) - Với 79 phiếu thuận và 18 phiếu chống, tối 23/4 (theo giờ Mỹ, tức sáng 24/4 giờ Việt Nam), Thượng viện Mỹ đã thông qua gói viện trợ bổ sung được chờ đợi lâu nay cho Ukraine, Israel và một số nước khác.
    Viết về một định kiến
    Viết về một định kiến
    (Ngày Nay) -  Việc đặt “viên mãn” và hôn nhân tan vỡ thành một cặp phạm trù đối lập là một thói quen phổ biến trong giao tiếp của Việt Nam. Chính tôi cũng chưa bao giờ nghĩ đến điều đó, và cũng thấy cái nhị nguyên đó là bình thường. Cho đến một ngày, một đồng nghiệp của tôi tâm sự nhỏ nhẹ, làm thế nào để nhắc mọi người đừng giật tít thế nữa nhỉ. “Dàn sao phim X sau 20 năm: Người viên mãn, người ly hôn”. Ly hôn đối lập với viên mãn. Mọi người nói, và thẳm sâu nghĩ thế.
    Ngân hàng Nhà nước có thêm nhiều giải pháp để ổn định tỷ giá
    Ngân hàng Nhà nước có thêm nhiều giải pháp để ổn định tỷ giá
    (Ngày Nay) - Ngân hàng Nhà nước đã có một loạt động thái như phát hành tín phiếu, sử dụng thêm kênh tín phiếu trên thị trường mở (OMO), điều tiết thanh khoản, lãi suất thị trường liên ngân hàng để ổn định thị trường trước đà tăng nóng của tỷ giá.