Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ảnh hưởng đến thị hiếu thời trang của GenZ thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Song song với những hoạt động để phát triển bền vững, việc thực hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp may mặc tại Việt Nam vẫn chưa thực sự được quan tâm, khai thác sâu.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thời trang may mặc là những sản phẩm thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày đối với con người, được sản xuất và sử dụng rộng rãi. Tại Việt Nam, số liệu của Tổng cục Thống kê vào năm 2019 cho thấy có khoảng 13 triệu người thuộc thế hệ GenZ. Trong tương lai, đây sẽ là lực lượng chính tạo ra thu nhập và có ảnh hưởng lớn tới hoạt động mua sắm, tiêu dùng tại Việt Nam. Thế hệ Z quan tâm nhiều đến sự thay đổi xã hội, tính bền vững của môi trường và vai trò thúc đẩy sự thay đổi của xã hội thông qua hoạt động hằng ngày. Với việc thực hiện trách nhiệm xã hội, các doanh nghiệp thời trang may mặc Việt Nam sẽ có cơ hội để nâng cao danh tiếng công ty trước khách hàng nhóm này.

Tại Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26) diễn ra vào tháng 11 năm 2021, tiến sĩ Alan Hudd phát biểu rằng: "Ngành công nghiệp thời trang là một trong những ngành gây ô nhiễm nhất trên thế giới. Nó sử dụng một lượng lớn năng lượng, nước và tạo ra tới 10% lượng khí thải CO2 toàn cầu" (Phương An và cộng sự, 2022). Một dẫn chứng này đã cho thấy được tầm ảnh hưởng của ngành thời trang tới môi trường là rất lớn.

Tại Việt Nam, thời trang may mặc là ngành có kim ngạch xuất khẩu và tốc độ tăng trưởng cao và là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực, giữ vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế, chiếm 12 - 16% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Nếu doanh nghiệp không đặt ra cho mình những mục tiêu để phát triển bền vững, tác động tốt với môi trường nói riêng và xã hội nói chung thì những những hệ lụy từ ngành thời trang lâu dần sẽ rất khó để khắc phục.

Song song những hoạt động để phát triển bền vững, việc thực hiện trách nhiệm xã hội để khắc phục và bù đắp lại những tổn thất mà quá trình sản xuất, phân phối gây ra là vô cùng cần thiết. Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp trong ngành thời trang may mặc (CSR) là trách nhiệm của một công ty để giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường thông qua chiến lược kinh doanh và hoạt động cốt lõi của nó, tính đến lợi ích của các bên liên quan và bối cảnh xã hội rộng hơn (Crane, Matten và Spence, 2019).

Đối với các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp trong ngành hàng thời trang nói riêng thì CSR bao gồm nhiều khía cạnh liên quan đến việc ứng xử của doanh nghiệp đối với các bên liên quan từ nhà sản xuất, tiếp thị, tiêu thụ, tiêu dùng đến các nhà cung ứng nguyên vật liệu đến đội ngũ cán bộ, nhân viên hay thậm chí là cổ đông của doanh nghiệp. Bên cạnh đó có cả trách nhiệm về bảo vệ tài nguyên, môi trường, xã hội hay cụ thể hơn là những hoạt động nhân đạo, đóng góp bảo vệ môi trường như tái chế quần áo...

Danh tiếng doanh nghiệp là một nhận thức về thương hiệu của doanh nghiệp được giữ bởi các bên liên quan của nó. Nó dựa trên những hành động của thương hiệu trong quá khứ và bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như hiệu suất, hình ảnh và truyền thông của thương hiệu (Dawar & Pillutla, 2000).

650 khách hàng GenZ tham gia khảo sát

Philip Kotler (2001), cho rằng Hành vi mua hàng của người tiêu dùng là một tổng thể các chuỗi hành động diễn biến trong suốt quá trình kể từ khi nhận biết nhu cầu cho tới khi mua và sau khi mua sản phẩm. Theo Hiệp hội Marketing Hoa Kỳ (1992), hành vi mua của người tiêu dùng là sự tác động qua lại giữa các yếu tố kích thích của môi trường với nhận thức và hành vi của con người mà qua đó, con người thay đổi cuộc sống của họ.

Hành vi mua của Gen Z là một quá trình từ khi người mua hàng GenZ xuất hiện nhu cầu và tìm hiểu về sản phẩm, sau đó thực hiện chuỗi hành động mua và sau khi mua sản phẩm.

Nhóm nghiên cứu đã thực hiện bảng câu hỏi với 650 khách hàng GenZ đã thực hiện hoạt động mua các sản phẩm thời trang may mặc online trên cả nước. Thời gian thực hiện khảo sát từ tháng 1 - 3/2023. Sau khi thu thập và loại bỏ những bảng không hợp lệ, còn 523 bảng hợp lệ được đưa vào phân tích (chiếm 80,5%).

Kết quả cho thấy, số tiền chi tiêu cho một lần mua sắm sản phẩm thời trang may mặc của khách hàng GenZ như sau: Từ 0 - 500.000 VNĐ chiếm 19.7%, từ 500.000 - 1.000.000 VNĐ chiếm 30.22%, từ 1.000.000 - 2.000.000 VNĐ chiếm 39.8%, trên 2.000.000 đồng chiếm 10.3%.

Hơn 35% doanh nghiệp khẳng định trách nhiệm xã hội tác động nhiều đến hành vi mua bán của khách hàng

Mức độ nhận thức về tác động của trách nhiệm xã hội doanh nghiệp lên hành vi mua hàng online các sản phẩm thời trang may mặc cũng có nhiều cung bậc. Doanh nghiệp khẳng định tác động nhiều chiếm 35.2%, doanh nghiệp cho rằng tác động ít 40.3%, Không tác động chiếm 24.5%.

Để khuyến khích các doanh nghiệp may mặc chú trọng và quan tâm hơn về thực hiện các hoạt động xã hội không chỉ cần sự chủ động của chính doanh nghiệp mà còn đến từ sự chung tay của cả chính phủ.

Thứ nhất, doanh nghiệp cần nâng cao trách nhiệm với người lao động. Với các doanh nghiệp may mặc Việt Nam, hiện tại phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngân sách dành cho các hoạt động trách nhiệm xã hội chưa cao, để thực hiện trách nhiệm đối với người lao động, các doanh nghiệp nên tập trung vào các khía cạnh: môi trường làm việc, cải thiện thông lệ về lao động và đảm bảo các quyền lợi cho người lao động theo quy định của nhà nước như tiền lương, BHXH, công đoàn.

Thứ hai, doanh nghiệp cần nâng cao trách nhiệm đối với thị cộng đồng. Hiện nay, thời trang may mặc là mặt hàng không thể thiếu đối với cuộc sống của người dân. Chính vì vậy, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này có lợi thế lớn trong việc tiếp cận với cộng đồng và tạo ra những ảnh hưởng tốt đối với xã hội. Các sản phẩm khi được sản xuất ra cần phải đảm bảo nhu cầu cấp thiết của thị trường, đạt các yêu cầu, tiêu chuẩn ký thuật cũng như có tính thẩm mỹ cao.

Một ví dụ điển hình cho việc thực hiện các trách nhiệm đối với thị trường và cộng đồng đó là đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp may mặc phải đáp ứng với nhu cầu mới của thị trường với các sản phẩm khẩu trang y tế, đồ bảo hộ, đạt các tiêu chuẩn y tế về phòng chống dịch bệnh, phù hợp với thẩm mỹ và yêu cầu của người tiêu dùng.

Thứ ba, doanh nghiệp cần nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường. Các vấn đề môi trường luôn là một chủ đề nóng với các doanh nghiệp may mặc, đặc biệt là các doanh nghiệp dệt và nhuộm. Các doanh nghiệp cần phải đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của mình gây ảnh hưởng tối thiểu nhất đối với môi trường và người dân, áp dụng các công nghệ sản xuất mới, quy trình sạch, từng bước thực hiện các giải pháp quản lý môi trường.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần đánh giá các hoạt động trách nhiệm xã hội của mình định kỳ theo từng năm, xây dựng báo cáo đánh giá phát triển bền vững phù hợp với chiến lược phát triển của ngành, các tiêu chuẩn như WRAP, tiêu chuẩn môi trường theo ISO 14000.

Đề xuất với Chính phủ

Chính phủ cần có những biện pháp nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người tiêu dùng về trách nhiệm xã hội.

Cần có biện pháp tuyên truyền, phổ biến cho cộng đồng doanh nghiệp may mặc cũng như người tiêu dùng các sản phẩm thời trang như tăng cường hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức các buổi hội thảo, đối thoại với doanh nghiệp và người dân, các giải thưởng cho các doanh nghiệp thực hiện tốt,… để họ hiểu về các tác động của việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đến cộng đồng và môi trường vì đó chính là cách để doanh nghiệp may mặc có thể phát triển bền vững, đem lại giá trị cho toàn xã hội. Đó cũng chính là cách để doanh nghiệp có thể tạo được thiện cảm, uy tín thương hiệu trong mắt khách hàng, từ đó giúp ngành may mặc của Việt Nam gia tăng doanh thu và tạo lợi thế cạnh tranh với các thương hiệu lớn đến từ nước ngoài trong một thị trường khốc liệt như thời trang.

Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, giáo dục cho người dân về trách nhiệm xã hội, sử dụng các sản phẩm thời trang bền vững là biện pháp giúp nâng cao ý thức trong việc ủng hộ, tiêu dùng các sản phẩm bền vững.

Thứ hai, chính phủ cần Đề ra các quy định, chế tài nghiêm khắc với các doanh nghiệp hoạt động nhưng gây tổn hại đến xã hội, khuyến khích các doanh nghiệp tạo ra nhiều giá trị cho cộng đồng:

Mặc dù thực hiện trách nhiệm xã hội là những hoạt động không bắt buộc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thời trang. Tuy vậy, điều đó không đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp được quyền gây ra các hoạt động ảnh hưởng đến môi trường và xã hội như xả thải không qua xử lý ra môi trường, tăng giờ làm đối với nhân công,… Chính vì vậy, việc tạo ra các chế tài nghiêm khắc, có tính răn đe cao sẽ giúp cho các doanh nghiệp có ý thức hơn trong việc sản xuất kinh doanh của mình, ít nhất là sẽ không gây hại đến môi trường và xã hội. Điều đó cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp tục nâng cao hiệu quả các hoạt động, hướng tới việc tạo ra giá trị lớn hơn cho cộng đồng và thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Với sự bùng nổ và phát triển của khoa học công nghệ, các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp thời trang Việt Nam cần nắm bắt xu hướng tiêu dùng và nhu cầu trên sân nhà về các sản phẩm bền vững đến từ những doanh nghiệp có uy tín, thực hiện các cam kết với xã hội và mang lại lợi ích cho cộng đồng.

Thực hiện trách nhiệm xã hội trở thành một vấn đề cấp thiết hơn bao giờ hết để doanh nghiệp có thể tạo được uy tín, danh tiếng trong mắt khách hàng, là một trong những yếu tố quyết định đến sự duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu bên cạnh mẫu mã và giá cả trong thời kỳ mà hành vi và hành trình mua sắm các sản phẩm, nhất là các sản phẩm thời trang may mặc ngày càng phức tạp hiện nay. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần phải có một kế hoạch thực hiện, đánh giá trách nhiệm xã hội của mình xuyên suốt và trong dài hạn để có thể cải thiện năng lực cạnh tranh và sự phát triển của ngành thời trang may mặc Việt Nam.

Phạm Ngọc Hân, Tòng Đặng An, Phạm Thảo Quyên, Dương Anh Thái, Lại Minh Sang

(Nhóm sinh viên Khoá 59, ngành Kinh doanh quốc tế, ĐH Ngoại Thương)

Công chiếu phim do AI viết kịch bản
Công chiếu phim do AI viết kịch bản
(Ngày Nay) - Liên hoan phim ngắn và châu Á 2024 sẽ tập trung vào các vấn đề đang nổi cộm toàn cầu trong bối cảnh xung đột và thảm họa đang diễn ra trên toàn thế giới, đồng thời trình chiếu bộ phim đầu tiên hoàn toàn do trí tuệ nhân tạo (AI) viết kịch bản.
Ông Tập ca ngợi quan hệ Pháp-Trung
Ông Tập ca ngợi quan hệ Pháp-Trung
(Ngày Nay) - Bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Pháp chiều ngày 5/5 (giờ Paris), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ hy vọng chuyến thăm này sẽ giúp “tăng cường tin cậy chính trị, xây dựng đồng thuận chiến lược và làm sâu sắc thêm trao đổi, hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau” giữa 2 nước.