Thời trang thường bị coi là phù phiếm. Thị trường may mặc toàn cầu trị giá 1,5 nghìn tỷ đô la là một trong những ngành gây hại môi trường nhất thế giới. Khí thải carbon, tiêu thụ nước, ô nhiễm và bóc lột công nhân chỉ là một vài khía cạnh xấu xí của ngành công nghiệp này.
Việc sản xuất hàng loạt Thời trang nhanh (Fast fashion, thời trang ăn liền) cũng góp phần làm trầm trọng hơn các vấn đề liên quan đến môi trường. Những món quần áo bắt kịp xu hướng một cách nhanh chóng, lấy ý tưởng từ các buổi trình diễn thời trang, được sản xuất rất nhanh để chuyển đến các cửa hàng với giá cả phải chăng. Những sản phẩm Fast fashion thường không bền, chất lượng món đồ sẽ bị giảm đáng kể sau vài lần giặt, và thường nhanh chóng bị vứt bỏ.
Các thương hiệu và người tiêu dùng cần thực hiện những thay đổi lớn hơn trong thói quen sản xuất và tiêu dùng nếu muốn chung tay bảo vệ môi trường sống của hành tinh.
Liệu Gen Z có thể gây ảnh hưởng lên ngành công nghiệp thời trang?
Gen Z - Thế hệ Z là cụm từ dùng để chỉ nhóm người sinh ra từ 1995 đến 2012 (một số khác cho rằng từ 1997 đến 2015). Gen Z là thế hệ đầu tiên được sinh ra sau khi Internet trở nên phổ biến rộng rãi. Lớn lên cùng công nghệ, những người thế hệ này có thể tìm kiếm thông tin một cách dễ dàng. Được mệnh danh là công dân thời đại số hóa, Gen Z là đối tượng sẽ quyết định văn hóa và xu hướng tiêu dùng của tương lai. Gen Z thích thể hiện phong cách của riêng mình, thích là những người tạo ra xu hướng, chứ không thích chạy theo xu hướng mới.
Trên mạng xã hội, dễ dàng nhận thấy thế hệ Z thay vì khoe những item thời trang hàng hiệu từ bình dân đến cao cấp, nhiều tài khoản Tik tok đã chia sẻ những video thú vị về những mẹo làm mới lại những bộ quần áo cũ một cách đầy phá cách và sáng tạo. Các phương thức cắt may thủ công hoặc hướng dẫn đan, móc, hay vẽ màu acrylic trở dần nên ‘hợp thời’ hơn, nhờ sự lan tỏa của thế hệ Z.
Các video được gắn hashtag #thrifthaul (tiết kiệm) và #knitting (đan len) lần lượt có 456 triệu và 478 triệu lượt xem trên TikTok. Mỗi video cắt may thủ công đều thu hút hàng ngàn lượt yêu thích và bình luận.
Những video tái chế, làm mới lại quần áo cũ. (Ảnh: Tik Tok) |
Mặt khác, các video gắn hashtag #SHEINhaul - trong đó người dùng giới thiệu việc mua hàng từ cửa hàng thời trang siêu rẻ, cực nhanh SHEIN - có 2,3 tỷ lượt xem. Sự chênh lệch về lượt xem cho thấy thời trang nhanh vẫn tiếp tục phát triển về doanh số và mức độ phổ biến.
Theo nhà tâm lý học thời trang Shakaila Forbes-Bell, thời trang nhanh và mạng xã hội phản chiếu lẫn nhau. Các hoạt động thời trang bền vững hơn như "thời trang chậm", hoặc chủ trương "cắt giảm mua sắm" gần như đối lập với mọi thứ mà độc giả trên mạng xã hội quan tâm – những gì nhanh, đổi mới, bóng bẩy.
Trong một thế giới được thúc đẩy bởi cơn khát nội dung mới - và trang phục mới - thì tiêu dùng bền vững trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là đối với một thế hệ mà cuộc sống xoay quanh mạng xã hội. Trên thực tế, việc trở thành một người có tầm ảnh hưởng bền vững là một nỗ lực đầy xung đột.
Tin tốt là Thế hệ Z vẫn đang có những thói quen hữu ích và bền vững
Những thói quen của Gen Z được xem là góp phần vào việc bảo vệ môi trường, kể cả khi, trong một số trường hợp, điều này không thực sự liên quan đến môi trường mà là bởi phong cách và khả năng kinh tế. Để đáp ứng được việc luôn có vẻ ngoài mới mẻ và thử nghiệm những phong cách mới, Gen Z có thể tự may hoặc làm mới những bộ quần áo mà họ yêu thích, săn lùng hàng secondhand có giá hợp lý, hoặc tiến hành thanh lý những món đồ không còn sử dụng, thay vì vứt bỏ chúng.
Bà Orsola de Castro, người đồng sáng lập Fashion Revolution và là tác giả của cuốn sách “Loved Clothes Last” (tạm dịch: Những bộ quần áo yêu thích tồn tại lâu dài), tin rằng việc hình thành những thói quen bền vững của Gen Z sẽ hiệu quả hơn khi được thúc đẩy bởi phong cách và tài chính cá nhân; hơn là những lý do môi trường, hay bởi công chúng nghĩ rằng họ nên làm vậy.
Vẫn còn một chặng đường dài phía trước để biến thời trang trở thành một ngành công nghiệp thân thiện với hành tinh và con người, nhưng chắc chắn là Thế hệ Z đang đi đúng hướng để tạo nên một cuộc cách mạng thời trang mới.