Nằm trong chuỗi sự kiện Màu ký ức nhân dịp Trung Thu năm 2024, hoạt động làm đèn lồng giấy gió vừa được Magic of Colors tổ chức tại không gian Area 75 - Art & Auction (số 75 Hàng Bồ, Hà Nội).
Đưa tranh dân gian lên đèn lồng
Đến tham dự hoạt động, mọi người có thể tự tay vẽ tranh dân gian, và hoàn thiện một chiếc lồng đèn Trung Thu. Với những ván khắc các mẫu tranh Hàng Trống được chuẩn bị sẵn, người tham dự được tự mình in bản khắc bằng mực đen lên giấy dó. Sau đó, được hướng dẫn sử dụng kỹ thuật vờn màu đặc trưng của dòng tranh này lên trên bức tranh, và dán tranh lên thân đèn.
Thông thường, để hoàn thiện một bức tranh dân gian Đông Hồ (Bắc Ninh), chỉ cần in ván khắc gỗ lên mặt giấy dó. Trong tranh có bao nhiêu màu sẽ có bấy nhiêu ván khắc. Thế nên, việc hoàn thiện bức tranh không đòi hỏi quá nhiều sự khéo léo ở đôi bàn tay.
Còn với tranh Hàng Trống, người ta sẽ in ván khắc với nét mực đen làm viền cho các họa tiết trong tranh, kế đến phải dùng bút vẽ màu lên, cho bức tranh thêm rực rỡ, sống động. Tuy phải tỉ mỉ hơn, nhưng nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ, rất hứng thú với trải nghiệm này.
Theo chia sẻ của chị Nguyễn Thị Hữu - người sáng lập dự án Magic of Colors - tranh dân gian Hàng Trống vốn có lịch sử lâu đời. Có nhiều ý kiến cho rằng, dòng tranh này ra đời vào khoảng thế kỷ 16 và từng trải qua thời kỳ hưng thịnh vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Tới nửa sau thế kỷ trước, tranh Hàng Trống bắt đầu mai một. Đến nay, nhiều người chỉ biết đến dòng tranh này qua các đề tài nổi tiếng như Tố nữ, Tứ bình (Tùng - Cúc - Trúc - Mai)... Những đề tài này được biết đến là bởi thường gắn với những lời chúc tụng, nên được mọi người mua tặng nhau.
Nhưng trên thực tế, đề tài trong tranh Hàng Trống đa dạng hơn như vậy. Đó có thể là khung cảnh sinh hoạt bình dị trong đời sống thường nhật, hoặc các trò chơi dân gian. Trong trải nghiệm lần này, dự án đã lựa chọn ván khắc của 5 bức tiêu biểu về các trò chơi dân gian như rước rồng, múa lân, bịt mắt bắt dê, rồng rắn lên mây, kéo co.Những đề tài này đều mô tả sinh hoạt văn hóa trong dịp lễ Trung Thu. Ván khắc được chuẩn bị với kích thước nhỏ hơn nhiều lần so với ván khắc cho tranh treo tường, nhờ vậy có thể dễ dàng dán lên thân đèn. Qua đó, dự án mong muốn giúp công chúng tiếp cận gần hơn với nhiều đề tài khác nhau trong trong tranh Hàng Trống.
Mang "hơi thở" trống đồng Đông Sơn
Khi lựa chọn mẫu đèn cho hoạt động trải nghiệm này, điều đầu tiên mà chị Nguyễn Thị Hữu và các cộng sự cân nhắc là chất liệu. Chất liệu phải bền vững, thân thiện với môi trường. Cho nên, dự án đã quyết định sử dụng tre để vừa đáp ứng được tiêu chí trên, vừa mang tinh thần văn hóa Việt Nam.
Mẫu thiết kế của đèn lồng cũng được đặc biệt quan tâm, khi phải làm sao để có thể thể hiện bản sắc Việt Nam và chiếm thiện cảm với mọi người ngay từ cái nhìn đầu tiên. Nhóm của chị Hữu từ khi lên ý tưởng, đã đề xuất thiết kế phải dựa trên trống đồng Đông Sơn. Sau đó, nhóm đã phối hợp với KTS Mạnh Hùng để hoàn thiện mẫu thiết kế. Việc làm ra khung đèn, lắp bóng đèn đòi hỏi tay nghề cao, nên đã được nhà xưởng hoàn thiện từ trước. Người trải nghiệm chỉ cần hoàn thiện các công đoạn đơn giản hơn với giấy dó, màu vẽ, hồ dán…
Ở góc độ khác, giấy dó là loại giấy đặc trưng trong vẽ tranh dân gian hẳn không cần bàn tới. Song, hồ sử dụng để dán tranh lên đèn lại là điều đáng chú ý. Đây là loại hồ chuyên dùng để bồi tranh khi vẽ. Trong quá trình vẽ tranh, nghệ nhân sẽ bồi tranh lên các tấm giấy dó để bức tranh thêm phần cứng cáp và có tuổi thọ lâu hơn. Theo chia sẻ của chị Hữu, hồ được nấu từ bột mì là thành phần chính, kèm theo đó là pha thêm chút phèn chua theo tỉ lệ của riêng nghệ nhân. Phèn chua giúp chất hồ trong hơn, khi bồi lên giấy sẽ mềm mại hơn. Khi hồ được bôi lên rồi khô lại sẽ không khiến giấy dó bị cứng, giòn, và không lưu lại vết loang.
Gắn lên khung mỗi chiếc đèn lồng còn có một tấm phim với công dụng tản ánh sáng và tản nhiệt. Khi thắp đèn lên, ánh sáng sẽ tỏa đều, chiếu sáng đủ mọi góc của bức tranh. Và khi dùng lâu dài, với nhiệt độ cao, chất liệu tre dễ gây ra cháy. Việc gắn thêm tấm phim khiếnbóng đèn không sinh nhiệt lượng lớn, giúp cho đèn an toàn trong quá trình sử dụng.
Khác với những chiếc đèn lồng thường dùng để treo lên cao hay có thể cầm tay để rước trong mâm cỗ trông trăng, đèn lồng của Magic of Colors được thiết kế với hình thức đèn để bàn. Với nhiều gia đình hiện đại hiện nay, không gian sống thường có phần khiêm tốn, nên không phải ai, dù yêu thích đến mấy, cũng có thể trưng tranh trong nhà. Việc kết hợp tranh với các vật dụng hàng ngày được kỳ vọng vừa tiết kiệm diện tích, vừa có thể thổi vào không gian sống giá trị văn hóa truyền thống.
Cụ thể, tại Quyết định số 1410/QĐ-UBND, UBND tỉnh Điện Biên công nhận Chợ phiên Tủa Chùa trở thành điểm du lịch; giao UBND thị trấn Tủa Chùa có trách nhiệm tổ chức quản lý, khai thác, phát triển điểm du lịch theo đúng quy định của Luật Du lịch.
Cũng trong ngày 13/8, UBND tỉnh Điện Biên có Quyết định số 1408/QĐ-UBND công nhận “Hang động Chua Po” thuộc xã Lao Xả Phình, huyện Tủa Chùa, chính thức được xếp hạng là Di tích cấp tỉnh về danh lam thắng cảnh. Di tích này sẽ được khoanh vùng bảo vệ theo Luật Di sản Văn hóa.
Theo đánh giá của ngành Du lịch tỉnh Điện Biên, Tủa Chùa là một huyện vùng cao được thiên nhiên ban tặng cho khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm, cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ. Du lịch Tủa Chùa được ví như sơn nữ đang ngủ quên giữa mây trời Tây Bắc cần đánh thức.
Đây còn là địa phương rất giàu tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch với những điểm nhấn ấn tượng như: Rừng thông xã Trung Thu, rừng chè Tuyết Shan cổ thụ Sín Chải, rừng hoa ban Tà Si Láng, cao nguyên đá cổ Tả Phìn… Hệ thống hang động kỳ vĩ với vẻ đẹp hoang sơ rất thuận lợi để phát triển du lịch mạo hiểm, khám phá. Hiện nay, Tủa Chùa có 4 hang động được công nhận danh lam thắng cảnh cấp quốc gia gồm, hang Xá Nhè, hang Khó Chua La (xã Xá Nhè), hang pê Răng Ky (xã Huổi Só), hang Thẳm Khến, xã Mường Đun… Tủa Chùa cũng là địa phương có hệ thống ruộng bậc thang đa dạng, độc đáo, đẹp nhất nhì vùng Tây Bắc, tiêu biểu là hệ thống ruộng bậc thang tại cánh đồng Chiếu Tính (xã Tả Phìn), ruộng bậc thang Đề Dê Hu (xã Sính Phình) và cánh đồng mâm nổi tiếng tại Háng Khúa (xã Sín Chải).
Tủa Chùa là một trong hai huyện của tỉnh Điện Biên có vùng ngập nước lòng hồ thủy điện Sơn La (cùng với thị xã Mường Lay). Hệ sinh thái vô cùng phong phú, lòng hồ sông Đà đẹp nên thơ được ví như vịnh Hạ Long thu nhỏ giữa Tây Bắc. Việc tỉnh Điện Biên công nhận Chợ phiên Tủa Chùa trở thành điểm du lịch sẽ tạo điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển du lịch, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan trải nghiệm.