Trên biên cương phía Bắc

 Giáp Tết Kỷ Hợi, trong một quán cà phê ven sông Bằng, ông Hồ Tuấn tiếp một đoàn khách đặc biệt: các cựu binh Trung Quốc năm 1979, sang Việt Nam du lịch theo tour của một công ty ở Cao Bằng.

Những người đó từng ở trong đội quân tràn qua cửa khẩu Tà Lùng, tìm cách vượt đèo Khau Chỉa để tiến về "làm cỏ" thị xã Cao Bằng.

Bốn mươi năm trước, tại đèo Khau Chỉa, trung đoàn của Hồ Tuấn đã cầm chân một sư đoàn quân Trung Quốc liên tục 12 ngày đêm. Trong số những người Hồ Tuấn chĩa nòng pháo vào, có cả những người hôm nay ngồi trước mặt ông.

"Các ông sang xâm chiếm đất nước chúng tôi, buộc chúng tôi phải cầm súng chiến đấu", ông Tuấn mở đầu câu chuyện. Phía bên kia im lặng. Thời điểm đó, Hồ Tuấn nhận diện họ là kẻ thù đã xâm phạm lãnh thổ, nên buộc phải cầm súng chiến đấu.

Nhưng rồi cuộc trò chuyện của những người từng ở hai đầu chiến tuyến hôm đó chủ yếu xoay quanh cuộc sống giờ thế nào, chế độ đãi ngộ ra sao. Họ không nói nhiều về những trận đánh. Trước lúc rời đi, đoàn người vào nghĩa trang Quảng Uyên thắp hương. Nơi yên nghỉ của 406 liệt sĩ Việt Nam, một nửa trong số đó hy sinh tháng Hai năm 1979. Đoàn cựu binh Trung Quốc xin chụp chung vài tấm ảnh, tặng ông một bao thuốc lá rồi ra về. Thời điểm chấp nhận bắt tay chào tạm biệt, Hồ Tuấn không còn coi họ là kẻ thù.

"Hòa bình rồi, có cầm súng mà gí vào đầu nhau được nữa đâu. Họ cũng đã giải ngũ, trở thành những người dân bình thường như mình", ông Tuấn nói với tôi.

Biên cương không chỉ được phân định bằng cột mốc, mà còn là lòng người biết nhận diện rõ ai khi nào thành thù, khi nào là bạn.

Bà Quyên là một người dân Cao Bằng như thế. Những năm thơ dại, cô bé Quyên nhìn thấy những người láng giềng tốt mỗi lần thấy đoàn xe tải chở gạo, thuốc men, đạn dược qua cửa khẩu Tà Lùng. Lũ trẻ thường nhảy lên reo hò, vỗ tay hoan hô đoàn xe chi viện cho chiến trường miền Nam, để đất nước mau tới ngày thống nhất.

Vài năm sau, cô thiếu nữ tên Quyên nhìn thấy kẻ thù khi bản Bó Tờ bị đốt sạch dưới cơn mưa đạn pháo. Người con nuôi gốc Trung Quốc của người làng dẫn đường cho lính tiến vào. Sau hôm đó, cô đi thẳng lên chốt xin tải đạn giúp bộ đội, dân quân.

Sau cuộc chiến, ông con nuôi mật thám về bên kia sinh sống. Nhưng hai cô con gái của ông ta vẫn ở lại làng, lấy chồng, sinh con. Người trong bản không ai nói gì. Bà Quyên không tiết lộ danh tính của hai cô gái vì "muốn để họ có cuộc sống bình yên". Với bà, họ là người làng. Bà bảo: "Ai làm thì người đó chịu trách nhiệm". Người phụ nữ Nùng phân biệt rõ đâu là người dân vô tội, đâu là những kẻ bá quyền gây ra cuộc chiến.

Những con người sống dọc dải biên cương phía Bắc, có thể không hiểu biết sâu sắc về chính trị, nhưng lại đủ nhạy cảm để biết cách ứng xử với cùng một gương mặt ở những thời điểm khác nhau, khi nào nên làm bạn, khi nào đã trở thành thù, khi nào có thể bắt tay buôn bán, khi nào buộc phải cầm súng đấu tranh.

Bốn mươi năm trước, khi con đường dẫn thẳng từ thôn Nà Sác sang bên kia biên giới còn là đường đất, chưa có cửa khẩu, ông Niêm thi thoảng vẫn sang bên kia đi chợ, uống rượu đám cưới của những người quen. Với ông Niêm, những người bên kia biên giới khi đó là anh em.

Ông Niêm nhận ra "người anh em" đã trở mặt khi thấy những tấm biển "người Việt Nam sang là đánh" dán đầy các cột chợ bên kia biên giới. Ông cùng dân làng bắt đầu đi cắm chông tre, chông sắt, trồng thêm tre quanh nhà, nối tiếp hàng lũy đã mọc lên từ thời đánh Pháp. Biên giới hữu nghị nhiều năm chuyển thành một tuyến phòng thủ.

Ông Niêm nhìn thấy kẻ thù vào cái ngày 17 tháng 2 năm 1979, khi người cha chết vì bị mảnh pháo Trung Quốc văng vào ngực.

Ông Niêm nhìn thấy ruộng nương xanh ngút ngô, thuốc lá của bản Nà Sác đã trở thành chiến trường, khi hơn bốn mươi nóc nhà người Nùng bị pháo thiêu trụi.

Ông Niêm bây giờ, sống trong căn nhà trát đất nằm trên mặt ruộng, nhìn lên là thấy cột mốc và hàng rào biên giới. Con đường đất dẫn sang Bình Mãng trở thành một trong những tuyến thông thương chính của Cao Bằng, có trạm liên hợp cửa khẩu Sóc Giang. Ông lão mỗi ngày ngồi dưới mái hiên sưởi nắng, đếm được hàng chục lượt container chở hàng hóa xuất nhập cảnh chạy ngang qua.

Họ hôm qua có thể không phân tích được cục diện Chiến tranh lạnh để biết được nguy cơ chiến tranh, nhưng họ nhận thức được đâu là sự thân thiện, đâu là ác cảm giữa con người với con người.

Họ hôm nay có thể không phát biểu được những câu mang tính nguyên lý như "Trung Quốc hôm nay là đối tác kinh tế", nhưng họ nhận thức được đây là hàng xóm - sống cần kết nối và giao thương.

Trên những thửa ruộng sắp gieo cấy vụ xuân nơi biên giới, bất kỳ người dân nào bạn gặp trên đường, đều có thể kể ra ký ức của mình khi nghe hỏi về cuộc chiến. Người già trực tiếp nếm trải. Người trẻ hơn kể lại chuyện nghe từ ông bà, cha mẹ. Ký ức dù ít, dù nhiều, nhưng không ai quên. "Giờ lo cày ruộng, làm ăn buôn bán thôi", những người dân Cao Bằng từng nếm trải chiến tranh mà tôi gặp đều nói vậy.

Những ngày đi trên đường mòn biên giới, dừng chân bên bếp lửa nhà sàn, gặp những người Tày, người Nùng nơi đây, mới thấy nơi máu đổ nhiều nhất, dường như lại là nơi người ta dễ bao dung nhất với những người từng được coi là "kẻ thù".

Cách ứng xử thường ngày của họ, những người bình thường nhất nơi biên cương, dường như mới chính là tầm vóc của đất nước này, hơn bao nhiêu lời tuyên bố.

Theo Hoàng Phương/ Vnexpress

TIN LIÊN QUAN
Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?