Mấy năm nay, kể từ ngày bố mẹ khuất núi, anh em chúng tôi dù mỗi đứa một phương, nhưng vẫn giữ nếp cả nhà cùng ăn một đĩa thịt gà lúc sau lúc giao thừa.
Đó là mâm cỗ sang canh đơn giản nhưng đầy kỷ niệm suốt những năm tháng tuổi thơ trong ngôi nhà ba gian trống hoác mùa đông. Nhà trống nhưng lúc nào cũng xôn xao tiếng người ấm áp.
Khoảng cuối năm 86 trở đi, lúc bấy giờ dì Toán làm thủ quỹ ở trại gà giống Châu Thành được mua gà thải loại của xí nghiệp. Những con gà mái lơ go đã hết trứng nần nẫn thịt. Sát Tết, mẹ nhờ dì mua hộ cho chục con, rồi mang về làng để lại cho mấy nhà trong xóm... Việc buôn bán chỉ cốt tính sao lời ra được một con để làm thịt cho bữa sang canh.
Chiều Ba mươi, lúc này bánh chưng đã luộc xong, ngoài đầu hè, bố đang cần mẫn rút xương cái đùi sau của con lợn tạ. Miếng thịt được lôi ra để lại lớp da và hai cái móng giò. Thịt chân giò sẽ được băm kèm mộc nhĩ miến dong và thêm quả trứng... bố gọi đó là món chân giò nhụ mỵ. Nhưng món chân giò nhụ mỵ đó mùi vị của nó ra sao, mãi chục năm sau, khi đã vào đại học về ăn Tết với bố tôi mới được thưởng thức.
Nhụ mỵ thời ấy là để cảm ơn dì đã mua gà.
Cái trại gà Châu Thành mang lại cho nhà tôi bao nhiêu là lộc. Có lần tôi với thằng Nhân đi bộ từ trường Năng khiếu vào tận Cổ Ra (định đi gấp đôi cơ, mùng Tám chợ Viềng mà) rồi mỏi chân quá thế là mò vào nhà dì, được cho hai cái bánh nướng sướng mê tơi vừa đi vừa gặm quay về chả Viềng vủng gì nữa. Nhưng đó là quả lẻ, ngon và bền nhất là việc tìm ra món thuốc công hiệu chữa ghẻ từ đám thuốc trị bệnh cho gà.
Có hai loại kháng sinh thường được hòa vào nước cho gà uống, màu vàng và màu trắng. Bố mẹ tôi gọi là thuốc vàng và thuốc trắng.
Không hiểu nhờ một cơ duyên nào mà một ngày kia, thuốc vàng được hòa ra trên một cái trôn bát rồi chấm vào những mụn ghẻ cóc của thằng Trai. Kỳ diệu là sau cơn xót cong người thì những trận gảy đàn thưa hẳn... Nhiều ngày sau đó, thỉnh thoảng cổng nhà tôi lại có tiếng gọi: Thương ơi đuổi chó hộ cô, chú, bác, bán cho... gói thuốc vàng.
Chả biết nhờ thuốc vàng hay nhờ tắm giếng thay vì nhảy tùm xuống ao Bà Lãng mà những nốt ghẻ lặn dần trên người anh em tôi. Tiếng lành đồn xa, có người dưới Bái dưới Cà, người bên Đại An, Đồng Phù cũng đạp xe sang mua thuốc.
Nhưng lộc nhất vẫn là việc bán gà để lấy một con ăn Tết. Hồi đó gà công nghiệp vẫn là một thứ ăn trân bảo của người quê. Vả lại đến Tết mọi thức ngon bổ làm ra đều được đưa lên Phố tức là chợ Cửa Trường Nam Định, bán để đổi lấy dọc khoai cho lợn và gạo tấm cho người, ai dám để lại gà ri ăn Tết.
Chúng tôi cả năm chỉ mong giờ phút ấy. Một con gà, nguyên một con gà. Bố mẹ tôi không bao giờ tiết kiệm con cái những thứ mình làm ra, nhưng chả làm ra được cái gì nhiều, quanh năm, nên bữa sang canh luôn là một kỷ niệm mạnh khi Tết qua và niềm háo hức lớn khi Tết cận kề.
Những làn mưa mỏng dệt chéo mái hiên, ngọn đèn Hoa Kỳ vặn thêm hai nấc, trên cái mâm nhôm quăn mép là một đĩa đầy ú hụ thịt gà. Chúng tôi trải chiếu, mẹ bê mâm ra, bố lấy nậm rượu dưới gầm giường và nhìn đôi chân giò: ngón cái chỉ không thế này là tốt rồi, ăn đi các con. Chưa kịp đợi đến câu thứ hai, thì những miếng thịt gà vuông vức gọn gàng đã nằm gọn trên tay mỗi đứa.
Thịt gà cơm nếp..., dứt khoát là phải năm quân mới ngon.
Mẹ mất, Tết Mậu Dần mâm sang canh trống huếch. Bố thờ thẫn ngồi uống rượu trên ghế sa lông với đôi chân giò. Mâm thịt gà trống thiến mỡ dày vàng hút mắt nằm trơ dưới chiếu. Tôi đã đủ tuổi để uống cùng với bố. Thế rồi những canh mới năm này kế tiếp năm kia. Một năm thằng Trai ghẻ cóc hồi nào đã thành chú Dũng, chép miệng hỏi anh: dạo này không còn thấy miếng gà sang canh ngon như gà công nghiệp ngày xưa anh nhỉ.
Anh nó bần thần rồi cũng phải nói, ừ vì tất cả chúng ta đã lớn rồi.
Lại Trọng Tình (từ Brisbane, Australia)