Từ ngày 19-29/12, TAND TP Hà Nội đưa các bị cáo: Tạ Bá Long (SN 1955, quê Ninh Bình, nguyên Chủ tịch HĐQT GPBank); Đoàn Văn An (SN 1958, quê Hải Dương, nguyên Phó chủ tịch HĐQT GPBank); Phạm Quyết Thắng (SN 1973, quê Hải Dương, nguyên TGĐ GPBank); Nghiêm Tiến Sỹ (SN 1973, quê Thái Bình, nguyên Phó TGĐ GPBank); Nguyễn Anh Dung (SN 1978, ở Hà Nội, nguyên kế toán trưởng GPBank) và Nguyễn Ngọc Nam (SN 1976, ở Hà Nội, nguyên GĐ công ty Sao Bắc) ra xét xử tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Chiều 29/12, HĐXX tuyên phạt bị cáo Tạ Bá Long: 5 năm tù; Đoàn Văn An: 13 năm; Phạm Quyết Thắng: 5 năm; Nguyễn Anh Dung: 3 năm tù treo; Nguyễn Ngọc Nam: 5 năm tù cùng tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý gây hậu quả nghiêm trọng.
Riêng bị cáo Nghiêm Tiến Sỹ bị truy tố tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng). HĐXX cho rằng, trong khi ký vào giấy tờ giải ngân, ông này đã không xem xét việc hợp đồng có đủ cơ sở pháp luật hay không.
Vì vậy, HĐXX khẳng định, hành vi của bị cáo phạm vào tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng chứ không phải cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý gây hậu quả nghiêm trọng như VKS truy tố. HĐXX tuyên phạt bị cáo Sỹ 4 năm tù.
Theo cáo trạng, GPBank tiền thân là NH CP Nông thôn Ninh Bình và được phép chuyển đổi tên gọi cũng như mô hình hoạt động thành NH Thương mại vào năm 1993. Sau 12 lần thay đổi đăng ký kinh doanh, vào năm 2014, GPBank có vốn điều lệ là 3.018 tỷ đồng.
Trong số 903 cổ đông, GPBank có 11 pháp nhân và 3 trong số đó có vốn nhà nước. Riêng Tạ Bá Long cùng nhóm cổ đông liên quan sở hữu 34,99% vốn điều lệ, tương đương hơn 1.000 tỷ đồng. Ngoài ra, Đoàn Văn An cùng nhóm cổ đông liên quan nắm giữ 55,32% vốn điều lệ, tương ứng hơn 1.669 tỷ đồng.
"Trò phủ thủy"
Năm 2009 và 2010, để có tiền tăng vốn điều lệ của GPBank theo quy định từ Chính phủ và để có tiền sử dụng vào những việc khác, Tạ Bá Long và Đoàn Văn An đã sử dụng 3 "công ty sân sau" của mình (Thành Trung, Đại Lải và Chí Linh) phát hành 3.380 trái phiếu bán cho công ty Tài chính Cổ phần Điện Lực (EVNFinance), thu về 3.380 tỷ đồng.
Số tiền này được Tạ Bá Long và Đoàn Văn An sử dụng hơn 2.611 tỷ đồng để nhóm cổ đông của 2 người này mua cổ phần tăng vốn điều lệ GPBank lên 2.000 tỷ đồng năm 2009 và 3.018 tỷ đồng năm 2010.
Hai đại gia NH này đã dùng hơn 512 tỷ đồng để trả lãi trái phiếu và phí tư vấn phát hành trái phiếu. Còn lại hơn 255 tỷ đồng, bị cáo Long và An dùng để đầu tư, kinh doanh.
Sau khi được NHNN chấp thuận việc GPBank tăng vốn điều lệ lên 3.018 tỷ đồng, do không có tiền để trả tiền gốc và tiền lãi cho EVNFinance, bị cáo Long và An đã bàn cách rút tiền của GPBank để lấy tiền trả nợ.
Cụ thể, hai đại gia này đã dùng công ty Thành Trung và công ty Sao Bắc ký thỏa thuận đặt cọc mua 58% tòa nhà Capital Tower ở 109 Trần Hưng Đạo, Hà Nội và hợp đồng hợp tác đầu tư dự án trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở An Khánh Sao Bắc GPBank để rút 3.900 tỷ đồng của GPBank. Số tiền này được Long và An dùng trả nợ gốc và lãi cho EVNFinance, và chi tiêu hết.
Đến ngày khởi tố vụ án (13/7/2015), công ty Thành Trung và Sao Bắc còn nợ GPBank tổng số hơn 3.898 tỷ đồng và không có khả năng thanh toán. Theo cơ quan điều tra, Tạ Bá Long và Đoàn Văn An đã sử dụng chức vụ, quyền hạn là Chủ tịch và Phó chủ tịch HĐQT GPBank làm trái quy định của luật Các tổ chức tín dụng, gây thiệt hại cho GPBank 3.900 tỷ đồng gốc và hơn 858 tỷ đồng tiền lãi.
Liên quan đến vụ án, các bị cáo Phạm Quyết Thắng, Nghiêm Tiến Sỹ, Nguyễn Anh Dung và Nguyễn Ngọc Nam đã không thực hiện đúng nhiệm vụ của mình, đã ký các chứng từ của các ủy nhiệm chi... nhằm giúp Tạ Bá Long và Đoàn Văn An thực hiện hành vi phạm tội. Đến nay, gia đình Tạ Bá Long đã bán tài sản khắc phục cho GPBank được hơn 864 tỷ đồng; gia đình Đoàn Văn An khắc phục hơn 83 tỷ đồng.
Theo Vietnamnet