Hướng dẫn mới do Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc ban hành cấm các nhà nghiên cứu sử dụng AI tổng quát để trực tiếp tạo tài liệu khai báo cho nghiên cứu của họ hoặc để AI được liệt kê là đồng tác giả của kết quả nghiên cứu.
Được ban hành vào ngày 21/12, quy tắc mới này sẽ áp dụng cho các nhà nghiên cứu trong các tổ chức khoa học, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở y tế và doanh nghiệp.
Các nhà chức trách cho biết động thái này nhằm giải quyết những thách thức mới trong việc xử lý dữ liệu nghiên cứu và quyền sở hữu trí tuệ phát sinh từ sự phát triển nhanh chóng của AI.
Nguyên tắc này yêu cầu tất cả nội dung do AI tạo ra phải được dán nhãn rõ ràng, kèm theo thông tin được cung cấp về cách tạo ra nội dung đó.
Zhang Xin, giám đốc Trung tâm nghiên cứu đổi mới pháp lý và kinh tế số tại Đại học Kinh doanh và Kinh tế Quốc tế ở Bắc Kinh, tin rằng các hướng dẫn này sẽ giúp thúc đẩy việc sử dụng AI có trách nhiệm hơn trong nghiên cứu khoa học.
“Nếu các nhà nghiên cứu sử dụng tài liệu tham khảo do AIGC (nội dung do AI sáng tạo) mà không xác minh, điều đó không chỉ gây nguy hiểm cho chất lượng của kết quả nghiên cứu mà còn tăng cường lan truyền thông tin sai lệch, gây ra nhiều rủi ro khác nhau cho xã hội", ông Zhang chỉ ra và nhận định việc cấm AI sáng tạo với tư cách là đồng tác giả phù hợp với thực tiễn học thuật rộng rãi hơn ở Trung Quốc hiện nay.
Vào tháng 9, Viện Thông tin Khoa học và Kỹ thuật Trung Quốc đã hợp tác với các nhà xuất bản học thuật hàng đầu thế giới Elsevier, Springer Nature và John Wiley & Sons để đưa ra hướng dẫn về việc sử dụng AIGC trong các bài báo học thuật.
Vào tháng 8, các nhà chức trách Trung Quốc đã công bố dự thảo luật cập nhật về bằng cấp học thuật, trong đó nêu rõ những sinh viên bị phát hiện sử dụng AI để viết luận văn sẽ bị thu hồi bằng cấp. Trong khi dự thảo vẫn chưa được hoàn thiện, một số tạp chí học thuật trong nước đã từ chối các bài báo được tạo ra với sự trợ giúp của AI.
Khi các công cụ AI tiếp tục phổ biến ở Trung Quốc, các nhà chức trách đã chủ động quản lý các ứng dụng khác nhau, bao gồm các thuật toán đề xuất và “deepfake” – các video hoặc bản ghi âm giả mạo về những người bị đóng giả thông qua AI.
Vào tháng 4 năm 2023, Cơ quan Quản lý Không gian mạng của Trung Quốc đã công bố các quy tắc cụ thể đối với AI tạo ra.
Trong khi đó, các nền tảng truyền thông xã hội lớn như Douyin, phiên bản tiếng Trung của TikTok và nền tảng phát video trực tuyến Bilibili cũng đã bắt đầu yêu cầu gắn nhãn cho các video do AI tạo ra.