Theo thông báo của chính phủ Trung Quốc, chính phủ nước này có quyền phủ quyết một số thương vụ bán công nghệ cho các đối tác nước ngoài. Cụ thể, các công nghệ nằm trong danh sách bao gồm xử lý dữ liệu, nhận dạng giọng nói và văn bản - loại công nghệ mà TikTok đang sử dụng.
Bộ Thương mại và Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc cho biết những thay đổi này nhằm "chính thức hóa việc quản lý xuất khẩu công nghệ" và "bảo vệ an ninh quốc gia".
Các thông báo không nêu tên TikTok hay chủ sở hữu ByteDance, nhưng các chuyên gia đã chỉ ra rằng việc thay đổi quy tắc có thể sẽ buộc ByteDance phải xin phép chính phủ trước khi có thể bán TikTok cho một công ty nước ngoài.
Hãng thông tấn Tân Hoa Xã cuối tuần qua đã trích lời của chuyên gia thương mại Cui Fan nói rằng các sửa đổi từ chính phủ sẽ bao gồm thương vụ bán lại TikTok.
Theo ông Cui - giáo sư tại Đại học Kinh doanh và Kinh tế Quốc tế, ByteDance nên "cân nhắc một cách nghiêm túc và cẩn thận liệu có cần thiết phải tạm dừng các cuộc đàm phán nhằm nghiên cứu lại quy định từ phía Trung Quốc hay không".
Tổng cố vấn của ByteDance Erich Andersen cho biết công ty đang nghiên cứu các quy định mới.
"Như với bất kỳ giao dịch xuyên biên giới nào, chúng tôi sẽ tuân theo các luật hiện hành, trong trường hợp này bao gồm luật của Mỹ và Trung Quốc," ông Andersen nói thêm.
Hiện ByteDance đang phải đàm phán với Microsoft, Walmart và Oracle để bán lại ứng dụng chia sẻ video TikTok sau lệnh cấm của chính phủ Mỹ.
Theo giáo sư luật Anupam Chander tại Đại học Georgetown, những thay đổi của chính phủ Trung Quốc đang tạo ra các rào cản cho thương vụ sáp nhập.
"Nó sẽ khiến các nhà thầu phải tạm dừng đàm phán và tự hỏi làm thế nào để tiếp tục", ông Chander nhận định.
Elena Chachko, giảng viên luật tại Trường Luật Harvard, cho biết động thái mới này cho thấy chính phủ Trung Quốc sẵn sàng "ăn miếng trả miếng" với lệnh cấm của Mỹ.
"Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng nói rõ rằng Washington không có toàn quyền kiểm soát tương lai của các hoạt động của ứng dụng này của Mỹ", bà Chachko cho biết.
"Bắc Kinh muốn bảo vệ vị thế của mình trong lĩnh vực công nghệ toàn cầu", nhà nghiên cứu Shirley Yu từ Trường Kinh tế London, cho biết. "Trung Quốc lo ngại nếu Mỹ thành công trong việc ép ByteDance bán lại TikTok, trong tương lai sẽ xuất hiện nhiều vụ việc bất lợi tương tự".