Cục Quản lý Nhập cư Trung QUốc (NIA) đã công bố một gói quy định sửa đổi cho phép quá cảnh miễn thị thực, đơn giản hóa việc xin thị thực và mở rộng số lượng người có thể xin thị thực tại cửa khẩu.
Ông Liu Haitao, phó giám đốc NIA cho biết, các biện pháp này được thiết kế nhằm xóa bỏ rào cản đối với công dân nước ngoài đến Trung Quốc để kinh doanh, học tập và du lịch, nhằm khôi phục hoạt động giao lưu và thúc đẩy tốt hơn quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu.
Trung Quốc đã nỗ lực khuyến khích du lịch xuyên biên giới kể từ khi biên giới mở cửa trở lại vào đầu năm 2023, sau ba năm áp đặt các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt.
Vào tháng 11, chương trình thử nghiệm miễn thị thực kéo dài 1 năm cho du khách đến từ Pháp, Đức, Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha và Malaysia đã được công bố, trong khi đầu tháng này, Trung Quốc và Thái Lan đã đồng ý một thỏa thuận song phương miễn yêu cầu thị thực cho công dân hai nước.
Việc nới lỏng quy định nhập cảnh đã kích hoạt hoạt động du lịch, giúp kéo nền kinh tế ra khỏi đà suy thoái.
Theo NIA, trong kỳ nghỉ Tết kéo dài 3 ngày vào đầu tháng 1, Trung Quốc đã ghi nhận hơn 1,72 triệu chuyến đi trong và ngoài nước mỗi ngày, gần gấp 6 lần so với năm ngoái và tương tự như mức trước đại dịch năm 2019.
Các biện pháp được công bố hôm thứ Năm tuần này đã mở rộng số lượng công dân nước ngoài có thể nộp đơn xin thị thực khi đến cho hầu hết tất cả khách du lịch có nhu cầu khẩn cấp đến thăm Trung Quốc, vì công việc, vấn đề cá nhân hoặc gia đình.
Trung Quốc hồi tháng 8 đã đưa ra chính sách thị thực tại sân bay chỉ dành cho khách doanh nhân. Theo NIA, việc cấp thị thực kinh doanh tại các cảng biên giới đã tăng 166% so với cùng kỳ trong tháng đầu tiên.
Du khách nước ngoài quá cảnh trong vòng 24 giờ được miễn yêu cầu thị thực và kiểm tra biên giới tại 9 sân bay quốc tế, ở Bắc Kinh và các thành phố khác.
Theo NIA, thủ tục để người nước ngoài xin, gia hạn, thay thế hoặc cấp lại thị thực cũng sẽ được đơn giản hóa.
Số lượng du khách nước ngoài đến Trung Quốc ngày càng tăng. Năm 2023, 210 triệu khách du lịch nội địa vào Trung Quốc, đạt 62,9% so với năm 2019.