Động thái này có nguy cơ làm sâu sắc hơn sự phụ thuộc của các nền kinh tế địa phương, vốn đang ngập trong nợ nần, vào hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng để tăng trưởng trong bối cảnh doanh số bán đất, từng là một nguồn thu nhập quan trọng, vẫn ở trong tình trạng sụt giảm.
Kế hoạch mở rộng đường cao tốc dưới sự quản lý của chính quyền trung ương lên 130.000 km vào năm 2027, tăng 11% so với cuối năm 2021, bổ sung vào mạng lưới đường cao tốc lớn nhất trên thế giới. Để so sánh, Mỹ có khoảng 98.000 km đường cao tốc tính đến năm 2020, theo dữ liệu từ Cục Quản lý Đường cao tốc Liên bang.
Một đường cao tốc mới được mở trong năm nay tại thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang. Người điều hành một quán cà phê gần đó cho biết, trước đây phải mất 90 phút để đến một thành phố gần đó, nhưng thời gian đã được rút xuống còn 60 phút nhờ cao tốc mới.
Mạng lưới đường sắt cao tốc của Trung Quốc, do Tập đoàn Đường sắt Nhà nước Trung Quốc vận hành, kéo dài 42.000 km vào cuối năm 2022, cũng là tuyến đường sắt dài nhất thế giới và lớn gấp 13 lần mạng lưới tàu cao tốc shinkansen của Nhật Bản. Kế hoạch xây dựng 5 năm sẽ mở rộng thêm 26% độ dài hệ thống đường sắt lên 53.000 km vào năm 2027.
Nhiều sân bay cũng sẽ được xây dựng, nâng tổng số lên khoảng 280 từ 254 vào cuối năm 2022.
Trong ba năm qua, đường cao tốc do chính quyền trung ương quản lý đã tăng trưởng với tốc độ hàng năm khoảng 3% đến 4%, đường sắt cao tốc tăng 5% lên 21% và các sân bay từ 1% đến 3%.
Đầu tư tài sản cố định vào giao thông vận tải đạt mức kỷ lục 3,8 nghìn tỷ nhân dân tệ (537 tỷ USD) vào năm 2022 và dự kiến sẽ duy trì ở mức cao trong năm nay theo kế hoạch 5 năm.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc Xu Chengguang cho biết vào tháng 2: “Đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông liên quan đến những khoản chi lớn mang lại lợi ích kinh tế nhanh chóng và có thể tạo ra việc làm. Chúng tôi sẽ mở rộng đầu tư để hỗ trợ một sự thay đổi kinh tế".
Tuy nhiên, việc vận hành cơ sở hạ tầng này đặt ra nhiều thách thức hơn là việc xây dựng.
Các tuyến đường thu phí của Trung Quốc nhìn chung chìm trong sắc đỏ, với chi phí trả nợ và bảo trì vượt xa doanh thu. Khoản nợ liên quan đến đường cao tốc lên tới 7,49 nghìn tỷ nhân dân tệ vào cuối năm 2021. Về phía đường sắt, Tập đoàn Đường sắt Nhà nước Trung Quốc hiện ghi nhận khoản nợ 6,11 nghìn tỷ nhân dân tệ vào cuối năm 2022.
Tổng số nợ phải trả của cả hai ngành đường bộ và đường sắt lên tới 13,6 nghìn tỷ nhân dân tệ, tương đương 11% GDP năm ngoái của Trung Quốc.
Nhiều sân bay khu vực của Trung Quốc cũng không có lãi, ngoại trừ những sân bay gần các trung tâm đô thị lớn như Thượng Hải. Khoảng 70-80% các sân bay vừa và nhỏ nằm trong diện báo động đỏ trong năm 2018 và 2019.
Mặc dù nhu cầu đi lại được cho là sẽ tăng trở lại trong năm nay với việc dỡ bỏ các hạn chế về COVID-19, nhưng việc các cơ sở này có thể bắt đầu thu lại lợi nhuận hay không vẫn chưa rõ ràng.
Zhao Jian, giáo sư kinh tế tại Đại học Giao thông Bắc Kinh, cho biết: “Đường cao tốc và đường sắt đã được xây dựng ở những khu vực có lưu lượng giao thông thấp không thực sự cần thiết, dẫn đến thua lỗ. Chính phủ đang ưu tiên tăng trưởng kinh tế và không chú ý đến việc trả nợ".