Trưa ngày 14/4, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 (tên thật Nguyễn Đình Ánh) qua đời khiến khán giả vô cùng tiếc nuối. Ông vốn là một nhạc sĩ tài năng và cống hiến hết mình trong làng nhạc Việt.
Đến 19h30 tối 14/4, con trai nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 - nhạc sĩ Nguyễn Quang về đến nhà sau chuyến bay dài. Vừa thấy linh cữu của cha, anh chạy đến bên ôm quan tài và bật khóc.
Mẹ anh - bà Ngọc Hân - đến bên an ủi, động viên con trai. Người nhà phải dìu anh vào phía trong. Sau khi nghỉ ngơi một lát, nhạc sĩ Nguyễn Quang mặc đồ tang ra thắp hương cho cha. Tuy nhiên, mỗi lần mở lời là anh ứa nước mắt. Anh cho biết khi được người nhà thông báo, anh không dám tin đó là sự thật.
Sau khoảnh khắc xúc động, nhạc sĩ Nguyễn Quang (trái) mới có thể đáp lại lời hỏi han của mọi người đến dự tang lễ.
Cái tên Nguyễn Ánh 9 có lẽ đã quá quen thuộc với khán giả yêu nhạc Việt. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu được ý nghĩa đằng sau nghệ danh mà nhạc sĩ Nguyễn Đình Ánh lựa chọn.
Theo lý giải của nhạc sĩ "Không" trên truyền thông, số 9 trùng hợp với ký tự tên họ và rơi vào ngày ông lấy vợ nên đã lấy nghệ danh này.
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 qua đời ngày 14/4.
Bên cạnh đó, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 thích nghệ danh này vì nó đánh dấu sự chuyển mình trong sự nghiệp của ông. Từ một nhạc công, ông chuyển sang nhạc sĩ sáng tác. Từ một chàng trai ở tuổi dậy thì, ông bước sang độ tuổi trưởng thành, chín chắn.
Nhạc sĩ Nguyễn Đình Ánh sinh năm 1940 tại Phan Rang. Năm 11 tuổi, ông cùng gia đình chuyển vào Sài Gòn. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 qua đời ngày 14/4 tại Bệnh viện ĐH Y Dược (Thành phố Hồ Chí Minh).
Trước đó, ngày 20/3, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 nhập viện khi có dấu hiệu bị mệt và khó thở. Những năm gần đây, căn bệnh về đường hô hấp kèm theo suy thận, suy tim, kèm theo thể trạng không tốt khiến sức khỏe nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 ngày càng giảm sút.
Những sáng tác nổi tiếng gắn liền với tên tuổi nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 như: Không, Cô đơn, Buồn ơi chào mi, Lặng lẽ tiếng dương cầm, Không 2, Xin như làn mây trắng...
Linh Huy