Đề xuất táo bạo
Mới đây, UBND TP.HCM vừa có báo cáo gửi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về việc thi hành Luật Giáo dục, đề xuất nhiều nội dung liên quan đến việc tạo cơ chế mở cho giáo dục TP.HCM.
Theo đó, TP.HCM sẽ thí điểm dạy học theo tín chỉ ở những trường THCS, THPT có điều kiện nếu đề xuất tạo cơ chế mở cho giáo dục được thông qua. Đây là một trong những nội dung của đề án phát triển giáo dục đào tạo tại TP.HCM đến năm 2030.
Cụ thể, thay vì thực hiện cứng nhắc đủ 9 tháng/năm học như hiện nay, các trường có thể rút ngắn, kéo dài hoặc giữ nguyên 9 tháng, tùy từng điều kiện cụ thể. Tùy theo tình hình mà học sinh có thể nghỉ hè suốt 3 tháng hoặc chỉ nghỉ 1-2 tháng hè. Các em có nhu cầu có thể đăng ký học trong hè để rút ngắn thời gian hoàn thành chương trình bậc học, sớm tiếp cận bậc học cao hơn gần giống như sinh viên học tín chỉ tại các trường ĐH hiện nay. Điều đó có nghĩa là nếu học sinh không thể hoàn thành chương trình năm học trong 9 tháng thì có thể học bổ sung vào thời gian sau đó chứ không nhất nhất đóng khung chương trình 9 năm như hiện nay.
Ảnh minh họa |
Đề án của TP. Hồ Chí Minh cũng dự tính mỗi năm học chỉ có 8 môn bắt buộc, còn các môn còn lại học sinh được tự chọn và có thể hoàn thành trong 1 - 2 năm sau đó.
Trao đổi với báo chí về đề xuất mới mẻ và hiện đại này, bà Nguyễn Thị Thu, Phó chủ tịch UBND TP.HCM chia sẻ, Thành phố tính toán để vận dụng linh hoạt, phù hợp phương thức học tín chỉ của bậc ĐH cho bậc học phổ thông nhằm rút ngắn thời gian học dựa theo yêu cầu của HS, phụ huynh. Việc áp dụng tín chỉ từ cấp THCS đến THPT, liên thông lên bậc ĐH, sau ĐH sẽ giúp HS làm quen với phương thức học tín chỉ hiện đại, tiết kiệm thời gian cho những em có sức học và có điều kiện học nhanh, học giỏi và đáp ứng được yêu cầu kiến thức. Khi đó, có thể mới 16 - 17 tuổi, thậm chí thấp tuổi hơn nữa đã có thể vào ĐH, không chờ đến đủ 18 tuổi như quy định hiện nay.
Theo ba Thu, ở nhiều nước, họ đã làm được và đạt hiệu quả. Mục tiêu lớn nhất mà đề án hướng đến là giáo dục, đào tạo HS phải hội nhập được với thế giới và khu vực, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của sự phát triển bền vững kinh tế TP.
Thay đổi tư duy mới mong có “cách mạng giáo dục”
Dù đây mới là đề xuất và còn phải tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng nhưng tin shiệu vui này đã khiến nhiều phụ huynh thích thú. Rõ ràng, đề xuất này đã cho thấy một sự thay đổi trong tư duy, quan niệm giáo dục tiệm cận với xu thế của thế giới. Chị Bùi Phương, một phụ huynh có con học lớp 8 trường THPT Trưng Vương cho rằng đây là một đề xuất khoa học và hiện đại, áp sát với tiến trình chung của các nước tiên tiến trên thế giới cũng như đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố, phù hợp với phần lớn nguyện vọng của PH và HS. Nếu được phê duyệt, đây thật sự là cuộc cách mạng giáo dục.
Trước đề xuất này, đa phần các chuyên gia giáo dục đều bày tỏ sự đồng tính. PGS-TS Nguyễn Thiện Tống - nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP HCM bày tỏ quan điểm, việc đào tạo tín chỉ ở bậc phổ thông sẽ tạo điều kiện linh hoạt trong học tập của HS. Tùy theo điều kiện, khả năng HS có thể hoàn thành các tín chỉ sớm hay muộn, những HS giỏi có thể học nhanh hơn, đủ điều kiện thì tốt nghiệp.
“Nếu đề xuất được thông qua, ngay tại TP HCM nói riêng và cả nước nói chung phải chấp nhận sự không đồng đều trong giáo dục. Chẳng hạn, TP HCM có điều kiện thì phát triển trước các địa phương. Quận nội thành có điều kiện hơn ngoại thành thì cũng phát triển trước. Giáo dục không thể dàn hàng ngang để cùng phát triển được. Đây cũng là biện pháp tránh đào tạo lãng phí khi có nhiều kiến thức ở bậc học này các em đã học rồi nhưng khi lên bậc khác lại phải học lần nữa”- thầy Tống khẳng định.
Đề xuất của TP HCM là táo bạo. Thực hiện cái mới bao giờ cũng khó khăn. Nhưng theo nhiều phụ huynh học sinh, chỉ cần các nhà chính sách mong muốn đổi mới, thay đổi tư duy theo hướng tích cực, áp dụng chính sách tiến bộ, phù hợp với nguyện vọng của HS thì giáo dục sẽ có cơ hội thay đổi. Cùng với sự thay đổi đó, người được hưởng lợi nhiều nhất chính là các học sinh đang bị áp lực thi cử đè nặng.