Đua nhau sinh con năm đẹp
Trong mười hai con giáp, rồng là con được coi là sang trọng nhất, biểu tượng của hoàn mỹ và cát tường. Vì thế, cứ đến năm rồng, tỉ lệ sinh ở Hà Nội và cả nước đều tăng chóng mặt.
Cách đây 2 năm, trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm 2015, số lượng thí sinh ở Hà Nội đột biến. Thời điểm đó, so với mọi năm, chỉ tiêu vào lớp 10 không tăng nhiều, nhưng số lượng học sinh lại tăng tới hơn 10.000 học sinh. Nhiều phụ huynh ở Hà Nội đã mất ăn, mất ngủ ngay khi nghe thông tin kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm 2015của Hà Nội dự kiến có 85.000 thí sinh tham gia, nhưng chỉ có 56.840 học sinh được vào trường THPT công lập. Còn lại, gần 30.000 học sinh sẽ phải “dạt’ sang các trường dân lập, trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX), trường trung cấp chuyên nghiệp...
Chị Phạm Hòa (phường Nam Đồng, quận Đống Đa) nhớ lại ngày con trai thi vào lớp 10: “Chưa thấy năm nào căng thẳng như năm 2015, số lượng thí sinh tăng hơn 10.000 cháu trong khi chỉ tiêu không tăng mấy. Hành trình thi vào lớp 10 của con trai tôi khiến cả hai vợ chồng lao đao vì sắp xếp công việc đưa con đi học thêm, ôn thi, dùi mài kinh sử, rồi lo chuyện ăn uống, áp lực thi cử… Qua Tết là kỳ thi THPT Quốc gia 2018 lại cận kề. Chồng tôi cứ đến mùa thi của con trai là ngao ngán, tưởng con sinh năm rồng sẽ đẹp và thuận lợi trong học tập, làm ăn, nào ngờ…”.
Không kém cạnh, ở TP HCM, số lượng thí sinh thi vào lớp 10 năm 2015 cũng tăng 9.000 em so với mọi năm. Năm 2015, TP HCM có hơn 77 nghìn thí sinh dự thi vào lớp 10, trong khi đó chỉ tiêu vào trường công lập là 64.710 nên sẽ có hơn 13.000 thí sinh rớt khỏi trường công lập.
Những năm chuyển cấp của thí sinh “rồng vàng” ở Hà Nội hay TP HCM đối với lứa học sinh năm Rồng đều căng thẳng và mệt mỏi hơn nhiều các năm khác. Hiện tại, theo ghi nhận, nhiều phụ huynh và học sinh khối 12 hiện tại tỏ ra rất lo lắng cho thi cử sắp tới của năm 2018.
Đề khó 1, áp lực thi cử khó 10
Một số phụ huynh cho biết, sang năm 2018 lứa thí sinh Rồng vàng sẽ chịu áp lực căng thẳng hơn năm trước bởi số lượng tăng đột biến, nếu tiếp tục áp dụng như năm 2017 dù đề thi dễ hay khó thì điểm vào các trường đại học “top trên” vẫn sẽ căng thẳng hơn, đặc biệt là duy trì điểm cộng nhiều như năm nay.
“Tính chất của kỳ thi năm 2018 rất căng thẳng, việc thi THPT Quốc gia mới được thay đổi nên nhiều giáo viên và phụ huynh còn lúng túng. Dù con học khá tốt, nhưng giờ vẫn chưa biết đề thi xu hướng ra sao, nội dung thi khoanh vùng trong chương trình lớp 12 hay cả 3 lớp, năm nay xét tuyển thế nào, có áp dụng thay đổi gì không... nên lúc nào vợ chồng tôi cũng căng như dây đàn” - anh Sơn Bách, một phụ huynh có con học trường THPT Việt Đức, Hà Nội chia sẻ.
Mỗi lần có cuộc họp về công tác tổ chức thi THPT Quốc gia, tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2018 là chị Nguyễn Thị Nguyệt – ngõ 328 đường Nguyễn Trãi cũng theo dõi sát sao. Đây trở thành chủ đề “nóng” của chị và ban phụ huynh học sinh của lớp con trai chị Nguyệt.
“Hồi tháng 8/2017, Bộ GD&ĐT lấy ý kiến về 2 phương án thi THPT quốc gia 2018 và việc xét tuyển dựa trên kết quả từ kỳ thi đầu tiên, vợ chồng tôi đọc không thiếu một bài báo nào. Lúc thì nghe có giáo sư ủng hộ giữ nguyên bài thi tổ hợp với 3 đầu điểm cho từng môn thi thành phần như năm 2017, khi lại thấy hiệu trường một trường đại học khuyến khích áp dụng cách thi không tách 3 đầu điểm theo từng môn thi thành phần như năm 2017... Mỗi thông tin đưa ra là một lần tôi lo sốt vó, vì Bộ cứ thay đổi gì là mình phải xoay theo con trai. Nỗi lo đề thi khó 1 thì lo áp lực đè nặng lên con 10. Giờ Bộ đã chính thức chốt phương án thi như năm cũ, đề minh họa có thể tham khảo ở năm cũ nên vợ chồng tôi đã… nguôi nguôi. Bước sang năm 2018, cả nhà xác định sẽ bước vào mùa thi cử chắc chắn là vô cùng căng thẳng cùng con trai.