Báo điện tử VTC News đưa tin, mới đây, Bộ GD&ĐT bổ sung thanh tra Đại học Tây Bắc vào danh sách thanh tra hành chính năm 2019 do đơn vị này không có tên trong danh sách kiểm toán 2019, đồng thời đã hơn 5 năm chưa thực hiện thanh tra trường này.
Theo đó, đoàn thanh tra trong 3 năm liên tiếp (từ 2016 đến 2018), cần thiết sẽ mở rộng phạm vi xem xét trước năm 2016 và sau 2018. Nội dung thanh tra tập trung vào việc thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự; tài chính, tài sản; thực hiện dự án, đầu tư; quản lý đào tạo.
Bộ GD&ĐT thông tin, Đại học Đà Lạt và Đại học Nông lâm TP.HCM sẽ không bị thanh tra đợt này vì là đối tượng kiểm toán năm 2019 của Kiểm toán Nhà nước.
Theo quyết định thanh tra 2019 của Bộ GD&ĐT do Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc ký trước đó, Bộ sẽ thanh tra hành chính 5 cuộc và 8 cuộc thanh tra chuyên đề.
Nội dung thanh tra hành chính tập trung vào công tác tổ chức bộ này, nhân sự; quản lý tài chính, tài sản; thực hiện dự án, đầu tư, quản lý đào tạo…
Còn đối với thanh tra chuyên ngành, Bộ tập trung vào các vấn đề như: Hoạt động liên kết đào tạo; quản lý cấp phát văn bằng, chứng chỉ; thanh tra việc đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục đại học, công tác kiểm định chất lượng giáo dục ở các cấp học mầm non, phổ thông.
Cùng với đó, Bộ thanh tra việc thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm, thu chi tài chính, tuyển sinh đầu cấp tại 4 sở GD&ĐT; thanh tra việc thực hiện chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, việc thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo, công khai trong các cơ sở giáo dục. Đồng thời, thanh tra trách nhiệm quản lý Nhà nước tại 1 cơ quan bộ và 1 tỉnh.
Đối với giáo dục đại học, Bộ sẽ thanh tra việc tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh, xét tuyển và thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh năm 2019 tại 10 cơ sở giáo dục đại học ở 3 miền Bắc, Trung, Nam.
Như báo Dân Trí đã đưa tin, trước đó, Bộ GD&ĐT cũng đã thanh tra 2 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) đại học.
Được biết, hiện nay, trên cả nước có 5 tổ chức KĐCLGD được thành lập và cấp phép hoạt động được đặt tại các trường đại học. Trong đó, 4 tổ chức KĐCLGD do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyết định thành lập (Trung tâm KĐCLGD – Đại học Quốc gia Hà Nội, Trung tâm KĐCLGD - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm KĐCLGD - Đại học Đà Nẵng, Trung tâm KĐCLGD – Trường Đại học Vinh) và 1 tổ chức KĐCLGD do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho phép thành lập (Trung tâm KĐCLGD trực thuộc Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam).
Giám đốc các trung tâm cũng do chính Bộ trưởng Bộ GD&ĐT bổ nhiệm chứ không phải do giám đốc ĐH hay hiệu trưởng trường ĐH bổ nhiệm.
2 tổ chức mà Bộ GD&ĐT đang thanh tra là Trung tâm KĐCLGD trực thuộc Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và Trung tâm KĐCLGD - Đại học Đà Nẵng.
Bộ GD&ĐT muốn thông qua kiểm tra này để có những đánh giá nghiêm túc, đưa ra bức tranh rõ ràng về kiểm định, để điều chỉnh chính sách phù hợp.
Tính đến ngày 31/8/2019, đánh giá theo tiêu chuẩn trong nước thì có có 255 cơ sở giáo dục hoàn thành báo cáo tự đánh giá (trong đó có 222 cơ sở GDĐH và 33 trường cao đẳng sư phạm); 133 cơ sở GDĐH và 7 trường cao đẳng sư phạm được các tổ chức KĐCLGD trong nước đánh giá ngoài, trong đó 123 cơ sở GDĐH và 5 trường cao đẳng sư phạm được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.
Có 67 chương trình đào tạo được đánh giá ngoài theo tiêu chuẩn trong nước, trong đó có 19 chương trình đào tạo được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục theo bộ tiêu chuẩn ban hành kèm theo Thông tư số 04/2016/TT-BGDĐT. Đây là bộ tiêu chuẩn được xây dựng theo hướng tiếp cận với tiêu chuẩn đánh giá chương trình đào tạo của Mạng lưới bảo đảm chất lượng các trường đại học ASEAN (AUN-QA).