Tuần trước, tôi đang đi mua đồ trong siêu thị thì nghe thấy tiếng một đứa trẻ khiến tôi chú ý. Đó là một cô bé tầm 4-5 tuổi, đang đòi mẹ mua cho mình hộp kẹo vị anh đào.
- Mẹ ơi, con mua hộp kẹo này được không?
- Không, con gái yêu.
- Nhưng, mẹ ơi. Con vẫn chưa có hộp kẹo nào.
- Chúng ta có rất nhiều kẹo ở nhà rồi con ạ.
- Nhưng con chưa có hộp kẹo như thế này.
- Mẹ đã nói là “không”.
Khi không thể thuyết phục người mẹ bằng lời nói, cô bé bắt đầu sử dụng vũ khí của mình là khuôn mặt dần đỏ ửng lên, tiếp theo là tràng dài những lời lẽ “buộc tội“ mẹ đã không công bằng, đã tệ bạc với mình…
Cuối cùng là chiến thuật kinh điển: khóc lóc thật to. Giữa các khoảng khóc và lời buộc tội là những tiếng nấc nghẹn ngào nghe rất thảm thương.
- Thôi được rồi, con lấy một hộp đi. Nhưng chỉ được ăn sau bữa tối thôi đấy.
- Con có thể ăn trước một cái trên đường về không ạ?
- Chúng ta sẽ nói chuyện này lúc ra lấy xe.
Những giọt nước mắt nhanh chóng biến mất trên gương mặt cô bé và nụ cười lập tức trở lại trên môi.
Tôi thừa nhận còn xa mình mới là một bà mẹ hoàn hảo nhưng tôi cảm thấy rùng mình trước cách người mẹ ấy trao đổi với con gái. Xem ra, đây có vẻ là cách hữu hiệu để nhiều ông bố bà mẹ dập tắt thói mè nheo đáng xấu hổ của con cái, nhất là ở nơi công cộng. Nhưng chuyện trao đổi thực ra là điều không nên làm chút nào: chấp thuận mặc cả với con cái là chấp thuận việc có thể sử dụng vật chất để xoa dịu cho những cảm xúc, trạng thái tiêu cực.
Một khi bạn đã nói “không“ với con, hãy giữ vững lập trường. Nếu bạn thay đổi, đứa trẻ sẽ hiểu rằng, bạn có thể bị hạ gục dễ dàng bởi những “chiêu trò“ của chúng. Sau đây là 5 cách xử lý “tội“ mè nheo của trẻ mà bản thân tôi từng áp dụng và thấy rất hiệu quả:
1. Đã hỏi và đã trả lời
- Mẹ ơi, con có thể mua hộp kẹo này không?
- Không, con yêu.
- Nhưng mẹ ơi, con chưa có hộp kẹo nào.
- Con đã hỏi và mẹ đã trả lời.
- Mẹ chẳng bao giờ mua gì cho con cả.
- Con đã hỏi và mẹ đã trả lời.
Nếu đứa trẻ cứ tiếp tục năn nỉ, bạn hãy trở thành một người máy, lặp đi lặp lại cụm từ trên cho tới khi con bạn chịu thua.
2. Mẹ đã thảo luận xong việc này rồi
- Hôm nay, bạn Ashlyn có thể qua nhà mình ngủ với con không mẹ?
- Không được, tuần trước, bạn vừa ngủ với con rồi.
- Mẹ, làm ơn đi mà?
- Mẹ sẽ không nói tới chuyện này nữa.
- Nhưng…
Sau đó, hãy không nói thêm bất cứ câu nào mà chỉ dùng hành động để cho con bạn thấy bạn nhất quyết không thay đổi quyết định. Cười một cách nhẹ nhàng, lắc đầu, thể hiện ánh mắt nghiêm khắc nhất có thể rồi đơn giản là đi ra nơi khác.
3. Chuyện này bàn tới đây thôi
- Con có thể đạp xe chút không mẹ?
- Không con. Trời đang mưa mà.
- Nhưng con sẽ mặc áo mưa chứ. Chỉ hơi ướt tẹo thôi.
- Chuyện này bàn tới đây thôi.
- Nhưng mẹ cho phép con đi mà?
- Con đã hỏi và mẹ đã trả lời.
Tiếp tục thể hiện hình ảnh một người máy. Hãy nhớ rằng, bạn là một tảng đá, không thể lay chuyển.
4. Đừng nhắc lại chuyện này nữa
- Con muốn đôi giày này.
- Không được đâu con. Chúng quá đắt.
- Nhưng con không thích mấy đôi kia.
- Con đã có một đôi trong giỏ hàng rồi. Chuyện này đến đây là xong. Đừng nhắc lại nữa.
- Nhưng con cần đôi này!
- Con vừa nhắc lại chuyện này. Tối nay con sẽ không được ăn món tráng miệng.
Tất nhiên, con bạn sẽ phản ứng với câu này bằng cách khóc nhiều hơn nhưng hãy nhớ, đây là việc cần thiết để đứa trẻ hiểu rằng nếu cứ tiếp tục mè nheo, hình phạt sẽ tăng nặng theo cấp độ một cuộc chạy đua chứ không phải một cuộc dạo bộ thong thả.
5. Mẹ đã quyết định rồi. Nếu con còn hỏi lại lần nữa, chắc chắn sẽ chịu hình phạt.
- Con xem iPad chút nhé?
- Không được. Con biết là không được xem điện thoại hay iPad lúc đang ăn.
- Nhưng con sẽ không làm rơi thức ăn vào iPad đâu.
- Mẹ đã quyết định rồi. Nếu con còn đòi hỏi nữa, sẽ có hình phạt đấy.
- Nhưng con hứa không làm bẩn iPad mà.
- Mẹ đã nói con không được nhắc lại chuyện này nữa. Con sẽ không được đụng tới iPad cả ngày hôm nay.
Chuẩn bị tâm lý cho vài cơn giận dữ, khóc lóc, mè nheo cho tới khi con bạn hiểu ra rằng bạn sẽ vẫn giữ nguyên quyết định.
Xem thêm:
- 5 tuyệt chiêu cha mẹ Mỹ đối phó với con "được voi đòi tiên"
- Những bài học cuộc sống bố mẹ Mỹ dạy con từ truyện "Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn"
- Ở Mỹ, chỉ có cha mẹ kém cỏi mới dùng roi vọt để dạy con
(Theo Phụ Nữ Online)