Kinh tế sáng tạo là mô hình hoạt động dựa trên sự sáng tạo và trí tuệ con người để tạo ra giá trị kinh tế, bao gồm các hoạt động sản xuất và phân phối sản phẩm, dịch vụ có giá trị văn hóa và kinh tế, được tạo ra dựa trên ý tưởng sáng tạo, sở hữu trí tuệ và tài năng của con người. Nói một cách đơn giản, đây là nền kinh tế được tạo ra bởi sự kết hợp giữa trí tuệ sáng tạo, ý tưởng mới mẻ và công nghệ số để tạo ra giá trị kinh tế.
Đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến các ngành kinh tế sáng tạo, vốn phụ thuộc vào sự giao thoa giữa nghệ thuật, văn hóa, kinh doanh và công nghệ. Tuy nhiên, nó cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự sáng tạo và văn hóa trong việc thúc đẩy khả năng phục hồi của cộng đồng.
Khi tình hình dịch bệnh dần được cải thiện, nhiều quốc gia đã kêu gọi tăng cường cam kết chính trị và đầu tư vào các ngành sáng tạo để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, đổi mới và trao quyền cho mọi người.
Nhà sáng tạo nội dung và những người có ảnh hưởng (KOL/Influencer) có thể kiếm tiền từ các sản phẩm sáng tạo của họ trên mạng xã hội. Ảnh: TikTok |
Cuối năm 2021, Phái đoàn Thường trực Cộng hòa Indonesia và Phái đoàn Thường trực Cộng hòa Slovenia, phối hợp với Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) và UNESCO, đã đồng tổ chức sự kiện trực tuyến “Năm Quốc tế về Kinh tế Sáng tạo vì Phát triển Bền vững 2021: Sáng tạo toàn diện, cho sự phục hồi toàn cầu”.
Sự kiện chuẩn bị này đã tạo nền tảng để các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc tập hợp động lực chính trị đằng sau sự phát triển của nền kinh tế sáng tạo như một cách để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và toàn diện, thúc đẩy đổi mới, đồng thời mang lại cơ hội và trao quyền cho tất cả mọi người sau đại dịch COVID-19.
Theo báo cáo "Đầu tư vào sáng tạo" của UNESCO, các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo đóng góp to lớn cho thị trường lao động toàn cầu. Hiện nay, lĩnh vực này cung cấp gần 30 triệu việc làm trên toàn thế giới, là ngành tuyển dụng nhiều người trong độ tuổi 15-29 hơn bất kỳ lĩnh vực nào khác.
Năm 2024, Quỹ Quốc tế về Đa dạng Văn hóa (IFCD) của UNESCO sẽ tài trợ hơn 1 triệu USD cho 12 dự án sáng tạo trên toàn cầu. Mục tiêu của chương trình hỗ trợ này là thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế sáng tạo tại các quốc gia đang phát triển và các quốc gia đang chuyển đổi. Các dự án được chọn đến từ 10 quốc gia khác nhau, bao gồm: Armenia, Brazil, Chile, Colombia, Ethiopia, Malawi, Mexico, Mông Cổ, Tunisia, Türkiye, Uganda và Uruguay. Đây là những dự án được lựa chọn từ tổng số 530 hồ sơ đăng ký.
Kinh tế sáng tạo giúp tăng trưởng kinh tế bền vững và đổi mới. Ảnh: UNESCO |
Khoản tài trợ năm nay hỗ trợ các biện pháp xây dựng năng lực đa dạng trong các ngành văn hóa và sáng tạo, từ việc tăng cường các quy định về quyền sở hữu trí tuệ ở Ethiopia đến cung cấp đào tạo kỹ thuật số về thiết kế và tiếp thị web cho các nghệ sĩ ở Uruguay.
UNESCO cam kết hỗ trợ sự phát triển bền vững của văn hóa thông qua các sáng kiến thúc đẩy môi trường thuận lợi cho các doanh nhân văn hóa, mở rộng khả năng tiếp cận thị trường và đảm bảo mọi người đều có thể tiếp cận với các biểu đạt văn hóa đa dạng. Mỗi dự án được tài trợ bởi Quỹ đều góp phần bảo vệ và phát huy tính đa dạng văn hóa, phù hợp với Công ước UNESCO năm 2005 về Đa dạng trong Biểu đạt Văn hóa.
Theo ông Ernesto Ottone R., Trợ lý Tổng Giám đốc Văn hóa UNESCO, "Những người thụ hưởng IFCD không chỉ đại diện cho sự sáng tạo trên toàn cầu mà còn đại diện cho khát vọng cơ bản để nền kinh tế sáng tạo mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Năm nay, chúng tôi rất vui mừng được tăng số lượng dự án được tài trợ, phù hợp với Tuyên bố MONDIACULT 2022 kêu gọi điều chỉnh các chính sách văn hóa để phù hợp với những thách thức đương đại."
Vòng tài trợ mới nhất của IFCD đã được phê duyệt trong Phiên họp thứ 17 của Ủy ban liên chính phủ về Bảo vệ và thúc đẩy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, được tổ chức từ ngày 27 đến 29/2/2024 tại Trụ sở UNESCO ở Paris (Pháp). Số tiền này nâng tổng đóng góp của IFCD cho lĩnh vực văn hóa sáng tạo lên 11,5 triệu USD kể từ khi thành lập vào năm 2010, hỗ trợ 152 dự án ở 71 quốc gia. Các dự án được tài trợ trong vòng này tập trung vào nhiều lĩnh vực đa dạng, bao gồm hỗ trợ nghệ sĩ khuyết tật, thúc đẩy bình đẳng giới trong ngành công nghiệp sáng tạo và bảo tồn di sản văn hóa.
Tuy nhiên, nguồn lực hiện tại của IFCD vẫn còn hạn chế so với nhu cầu to lớn. Vòng tài trợ mới nhất chỉ đáp ứng được một phần nhỏ trong số hàng trăm đề xuất dự án được nhận mỗi năm. Do đó, UNESCO kêu gọi các quốc gia thành viên và các nhà tài trợ bên ngoài tăng cường hỗ trợ tài chính cho quỹ để có thể hỗ trợ nhiều dự án sáng tạo hơn nữa và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế sáng tạo ở các nước đang phát triển.
Đối tượng thụ hưởng IFCD 2024:
1. Armenia: Hỗ trợ các nghệ sĩ khuyết tật thông qua đào tạo nghề.
2. Brazil: Trao quyền cho giới trẻ.
3. Chile: Thúc đẩy chuyên nghiệp hóa sự đa dạng âm nhạc ở Valparaíso.
4. Colombia: Tăng cường cơ hội nghề nghiệp cho các nhạc sĩ mới nổi.
5. Ethiopia: Tăng cường quyền sở hữu trí tuệ (EIPRE).
6. Malawi: Lồng ghép bình đẳng giới trong lĩnh vực văn hóa và sáng tạo.
7. Mexico: Tạo mạng lưới giữa các tác nhân văn hóa để thúc đẩy hành động cộng đồng ở Jalisco.
8. Mông Cổ: Thúc đẩy bình đẳng xã hội trong lĩnh vực văn hóa và sáng tạo.
9. Tunisia: Góp phần tiếp cận công bằng và phi tập trung tới sáng tạo.
10. Türkiye: Hỗ trợ phát triển bền vững của ngành công nghiệp âm nhạc.
11. Uganda: Hồi sinh ngành công nghiệp điện ảnh ở Đông Phi.
12. Uruguay: Trao quyền cho tinh thần kinh doanh văn hóa trong lĩnh vực nghệ thuật kỹ thuật số.